Thực tế cho thấy, sau mưa bão, vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến sức khỏe đàn vật nuôi chính là việc môi trường bị ô nhiễm, chuồng trại ẩm ướt sẽ tạo điều kiện để dịch bệnh phát sinh. Do đó, điều đầu tiên người chăn nuôi cần làm sau mưa lũ là phải giải quyết được vấn đề môi trường, cần phải khử trùng, tiêu độc bằng các biện pháp sinh học, hóa học. Ngoài ra, người chăn nuôi cũng cần sử những nguồn nước sạch, không dùng nguồn nước không đảm bảo đề phòng những mầm bệnh trong nước.
Ngay sau mưa bão, bà con cần chú ý triển khai một số biện pháp xử lý môi trường, chăm sóc, nâng cao sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng cho đàn gia cầm. Cụ thể:
1. Vệ sinh môi trường chăn nuôi
- Thu gom và xử lý xác gia cầm chết theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
- Thực hiện công tác vệ sinh, quét dọn chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, hệ thống ống dẫn, bể chứa nước và dụng cụ chứa nước.
- Tiến hành phun tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi và khu vực chăn nuôi 2 lần/tuần bằng thuốc sát trùng; rắc vôi bột hoặc phun các loại thuốc sát trùng toàn bộ lối đi, hành lang, cổng, đường đi và phương tiện. Nên chọn những loại thuốc sát trùng có hoạt phổ rộng và có tác dụng diệt trùng nhanh, hoạt lực kéo dài, ổn định.
- Tiến hành sửa chữa, gia cố chuồng trại chăn nuôi, hệ thống nước, hệ thống xử lý nước thải (nếu bị hư hỏng).
- Nạo vét, khơi thông hệ thống cống, rãnh thoát nước, phát quang bụi rậm, hố chứa phân, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi.
- Rắc vôi bột hoặc phun các loại thuốc sát trùng toàn bộ bề mặt nền chuồng, lối đi, hành lang, cổng, đường đi và phương tiện.
2. Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng đàn gia cầm
Đây là một trong những biện pháp quan trọng, nâng cao sức đề kháng đàn gia cầm sau bão lũ, hạn chế phát sinh dịch bệnh, thực hiện theo các bước sau:
- Cung cấp thức ăn, nước uống đảm bảo chất lượng và số lượng phù hợp với từng lứa tuổi gia cầm. Gia cầm bị ngập nước, bị nhiễm lạnh phải sưởi ấm cho đàn gia cầm, đặc biệt là gia cầm non.
- Bổ sung vitamin, premix khoáng, B-Complex, men tiêu hóa… cho đàn gia cầm để nâng cao sức đề kháng.
- Triển khai tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho đàn gia cầm theo hướng dẫn cơ quan thú y.
- Bổ sung chế phẩm sinh học vào thức ăn, nước uống và làm đệm lót chăn nuôi gia cầm.
- Kiểm tra kỹ khâu bảo quản thức ăn vì sau bão, lũ thời tiết ẩm thấp, mưa dột làm thức ăn hay bị ẩm mốc để phát hiện kịp thời cần loại bỏ ngay, tuyệt đối không cho gia cầm ăn.
- Thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc đàn gia cầm, tuyệt đối không chăn thả ở những khu vực bị ô nhiễm; hàng ngày kiểm tra đàn gia cầm, đặc biệt phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi như uể oải, ủ rũ, kém ăn; tình trạng sức khoẻ đàn gia cầm để xử lý kịp thời khi đàn gia cầm mắc bệnh.
Bảo đảm an toàn cho đàn gia cầm, giảm thiểu thiệt hại về chăn nuôi trong và sau mưa bão. (Ảnh ST)
3.Tăng cường chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc
Tuyệt đối không chăn thả gia súc ở những khu vực bị ô nhiễm hoặc đồng cỏ chưa được xử lý vệ sinh.
- Khi phát hiện gia súc có dấu hiệu nghi bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y để điều tra, xử lý ổ dịch kịp thời, đúng quy định.
- Giữ ấm cho gia súc, tách riêng gia súc ốm, già yếu, gia súc non để có chế độ chăm sóc đặc biệt và điều trị bệnh kịp thời tránh lây lan dịch bệnh.
- Không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết; không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường.
- Thực hiện tiêm phòng định kỳ hoặc tiêm phòng bổ sung đầy đủ các loại vacxin phòng bệnh trên gia súc theo khuyến cáo của cơ quan thú y địa phương.
Bên cạnh đó, bà con cần bảo đảm mật độ nuôi phù hợp với số lượng và đặc tính, lứa tuổi của đàn vật nuôi. Kiểm tra hệ thống thoát nước thải, nơi chứa
chất thải để hạn chế ô nhiễm. Khơi thông cống rãnh, hạn chế úng ngập khi mưa to. Đối
với những vùng có nguy cơ ngập lụt, cần tôn cao nền chuồng hoặc làm sàn kê cao và có phương án di dời vật nuôi khi ngập lụt. Thức ăn dự trữ cần bảo quản ở những nơi khô ráo để tránh ẩm mốc. Tuyệt đối không cho vật nuôi ăn thức ăn tinh đã bị nấm mốc.
Ảnh sưu tầm
Các trang trại quy mô lớn tích cực kiểm tra hệ thống chuồng nuôi khi thời tiết diễn biến phức tạp sau bão. Dự trữ một số hóa chất khử trùng nước để bảo đảm đủ nước sạch cho vật nuôi uống và cơ số vật tư thuốc thú y cần thiết, vitamin, thuốc trợ lực, men tiêu hóa dùng cho vật nuôi khi thời tiết bất lợi. Tăng cường vệ sinh phòng bệnh cho vật nuôi, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, ngăn chặn mầm bệnh bên ngoài vào khu vực chăn nuôi để hạn chế phát sinh dịch bệnh. Định kỳ sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi để diệt mầm bệnh. Chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho vật nuôi trước mùa mưa bão. Công tác kiểm dịch vận chuyển bảo đảm đúng quy trình và tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông sản phẩm chăn nuôi. Tăng cường duy trì công tác kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y và kiểm soát giết mổ tại các các sở giết mổ đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm./.
Thu Hà