Mô hình chăn nuôi của Nguyễn Văn Hà, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội là một trong những mô hình điển hình, được quản lý chặt chẽ về con giống, dịch bệnh và sử dụng các chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi, tạo ra sản phẩm thịt lợn bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, mang lại thu nhập cao. Ông thường xuyên nắm vững khoa học kỹ thuật và thường xuyên củng cố kiến thức mới trong chăn nuôi, đặc biệt là khâu giống thức ăn, phòng trừ dịch bệnh.
Cách đây vài năm gia đình ông đã đầu tư nuôi lợn nái ngoại nhập, quá trình sản xuất có hiệu quả. Năm tiếp theo gia đình ông phát triển lên 30 con lợn nái ngoại và tăng dần hàng năm. Năm 2005, huyện Ứng Hòa có nghị quyết 20 về việc dồn điền đổi thửa lần 2 gắn với việc chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế đa canh, ông đã dồn ruộng của gia đình và đấu thầu quỹ đất công vùng trũng xa khu dân cư để xây dựng trang trại.
Phương châm của gia đình là lấy ngắn nuôi dài, từng bước mở rộng quy mô sản xuất. Ban đầu, do hiểu biết còn hạn chế, vốn quá ít, giá cả con giống cao, đất đai còn chật hẹp nên việc phát triển chăn nuôi gặp không ít khó khăn. Với sự nỗ lực hết mình, cùng sự khuyến khích, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, gia đình ông đã nhanh chóng triển khai được ý định mở rộng diện tích chuồng trại.
Đến năm 2016, tổng diện tích trang trại đã lên tới 12ha. Diện tích chuồng nuôi là 300 ngàn m2.Trong đó, lợn nái siêu nạc là 3.400 con, lợn nái thương phẩm là 3.100 con, lợn nái ông bà là 300 con, lợn thịt tổng đàn là 22.000 con. Tổng doanh thu năm 2016 lên tới 170 tỷ đồng, lãi 20 tỷ đồng, thu nhập bình quân 115 triệu đồng/khẩu/tháng. Trang trại đã giải quyết việc làm cho 75 lao động, chuyển giao kinh nghiệm cho hàng trăm hộ, giúp đỡ nhiều hộ thoát nghèo.
Từ năm 2016 đên đầu năm 2019, do tác động của kinh tế thị trường, cung lớn hơn cầu, cộng với dịch lở mồm long móng, tai xanh, đặc biệt là dịch tả Châu Phi hoành hành nên giá lợn hơi xuống tới 16.000 đ/kg làm cho ngành chăn nuôi điêu đứng tưởng chừng như phá sản. Song với lòng kiên trì, sự quyết tâm và kinh nghiệm, kỹ thuật có sẵn, được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp nhất về thuốc sát trùng,vắc xin, khử trùng tiêu độc, các thuốc phòng dịch, ông đã cố gắng gìn giữ thành công, thoát khỏi tất cả các bệnh dịch xảy ra nhất là dịch tả Châu Phi. Sau dịch tả Châu Phi đã làm tổng đàn trong nhân dân phải tiêu hủy khoảng 30% đến 40 %, do vậy cung không đủ cầu, thị trường các nước xung quanh tăng giá lợn từ đầu năm 2020. Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, ông đã duy trì đàn lợn nái là 2.500 con so với năm 2017 là 3.500 con - giảm 900 con; đàn lợn thịt 17 nghìn con so với năm 2017 là 22 nghìn con giảm 5 nghìn con. Tuy có giảm số đầu con nhưng giá cả cao có lãi, do đó gia đình đã dần lấy lại thế cân bằng và ổn định.
Năm 2020, gia đình dự tính xuất ra thị trường sản lượng thịt lợn hơi là 5 nghìn tấn (50 nghìn con, bình quân 100kg/1 con). 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận đạt 99,7 tỷ, nhưng từ năm 2016 đến năm 2019 gia đình thua lỗ khoảng 80 tỷ, trừ 3 năm vừa qua gia đình ông thu được 19,7 tỷ. Hiện mặt bằng trang trại có 3 khu, tổng diện tích 12 ha, diện tích chuồng nuôi 30 nghìn m2, diện tích thả cá là 3 ha, tạo việc làm cho 60 công nhân với mức lương bình quân 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Hương Chu