Anh Đinh Văn Sinh - tấm gương thoát nghèo của đồng bào Cadong huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi)
Con đường từ trung tâm xã Sơn Tinh vào nhà anh Sinh khá ngoằn ngoèo, vượt qua bao đèo dốc. Khi chúng tôi đến nơi, anh Sinh đang phát dọn vườn keo 2 - 3 năm tuổi. Xong việc, anh mời khách vào bên trong ngôi nhà sàn khang trang, rộng rãi tiếp chuyện.
Anh Sinh nhớ lại những chuỗi ngày khó khăn nhất của mình: Ngày trước, hai vợ chồng tôi suốt ngày quần quật làm ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ mà cũng chẳng đủ ăn, nghèo túng quanh năm. Con cái thì mỗi ngày một lớn, tiền ăn học cũng ngày một nhiều khiến tôi cứ quẩn quanh suy nghĩ phải thoát nghèo cho bằng được.
Với ý chí quyết tâm, vợ chồng anh Sinh bàn nhau mở rộng khai hoang thêm diện tích đất đồi để phát triển trồng trọt. Những tháng ngày khởi đầu cơ nghiệp (năm 2015), gia đình anh thất bại khi trồng cây măng tây trên diện tích 1.000 m2 do cây không thích nghi được với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở địa phương.
Không nản chí, anh Sinh mạnh dạn đề nghị chính quyền địa phương, các Hội đoàn thể trong xã tạo điều kiện để anh đi tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài tỉnh, nhất là các mô hình kinh tế trang trại, VAC. Khi lĩnh hội được kinh nghiệm, anh vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, Quỹ Hỗ trợ Nông dân huyện để đầu tư vào trồng rừng và chăn nuôi.
Mô hình đầu tiên được anh áp dụng là trồng keo nguyên liệu trên diện tích 15ha. Cây keo là loại cây dễ trồng, dễ thích nghi nên phát triển khá tốt, cho thu hoạch thường xuyên. Từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình anh Sinh thu lợi hơn 100 triệu đồng từ mô hình trồng keo.
Từ kết quả ban đầu, anh Sinh có thêm động lực để mở rộng trồng thêm 3ha mỳ, 1ha cau; xây dựng chuồng trại kiên cố để nuôi trâu, bò, heo, gà, vịt… Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông về cách chăm sóc gia súc, gia cầm cộng với vốn kiến thức học hỏi được từ các phương tiện thông tin đại chúng mà anh dần làm chủ được các mô hình, tự tin hơn. Thu nhập của gia đình anh cũng cải thiện đáng kể. Riêng khoản thu từ việc bán trâu, bò, heo lên tới 80-100 triệu đồng/năm sau khi trừ các khoản chi phí; còn khoản thu từ cau, mì cũng đạt cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Không chỉ dừng lại ở việc làm giàu cho bản thân, gia đình, anh Sinh còn giúp đỡ 10 hộ nghèo trong thôn cùng phát triển kinh tế bằng việc hỗ trợ cây trồng, giống vật nuôi; sẵn sàng cho vay tiền, hướng dẫn phương thức canh tác, kỹ thuật chăm sóc tận tay để họ nắm bắt và làm theo mình. Ngoài ra, anh còn tự nguyện hiến đất để mở đường dân sinh, giúp dân đi lại được thuận tiện hơn; giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động. Bà con trong thôn rất quý mến anh Sinh, coi anh là tấm gương điển hình để noi theo. Nhờ có anh mà những hộ nghèo ở địa phương dần có của ăn của để, lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Và quan trọng hơn cả là thoát được cái nghèo, cái đói - điều mà ai cũng mong muốn cả.
Dẫu cuộc sống nơi vùng cao còn vô vàn khó khăn nhưng “cơ ngơi” mà anh Sinh - người con của dân tộc Cadong tạo dựng được rất đáng biểu dương. Ngôi nhà sàn lợp ngói đỏ như “điểm nhấn” giữa bốn bề núi rừng, là một trong những tài sản có giá trị được dựng xây từ mồ hôi, công sức mà hai vợ chồng tích cóp bấy lâu là minh chứng cho sự thoát nghèo bền vững.
Minh Hưng