Là người con thứ tư trong gia đình người H’Mông có đến 7 anh chị em, năm 1979 khi Sùng Diu Sì mới được hơn 10 tuổi, chiến tranh biên giới Việt – Trung khiến gia đình phải sơ tán từ thôn Ma Rì Vảng, xã Nàn Xỉn, huyện Xín Mần về định cư ở thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Cũng không khác gì nơi ở cũ, Vĩnh Sơn thời điểm đó đất rộng người thưa, cuộc sống của người dân nơi đây còn rất nghèo, nhưng lại giàu tình người. Bước đầu nhận được sự đùm bọc, chia sẻ của của bà con nơi đây, người hộ cây tre, nhà giúp tấm lá, chút lương thực.. giúp cho gia đình anh Sì bước qua những ngày tháng khó khăn ban đầu khi định cư tại một vùng đất mới. Cơm không đủ ăn, những ngày cháo bẹ măng tre, rau rừng, có củ khoai củ sắn cho vào bụng là tốt lắm rồi, nói gì đến chuyện đi học. Được cha mẹ gả vợ cho từ năm 1987, nhưng mãi đến 1991 vợ chồng anh mới xin cha mẹ ra ở riêng để còn tập trung làm kinh tế, mong thoát nghèo.
1996, anh Sì vay mượn người thân, bạn bè khắp nơi cũng chỉ mua được 3ha đất vườn đồi để trồng cam. Anh quyết định chọn cây cam để canh tác vì đây vốn là cây trồng chủ lực, cây đặc sản của địa phương. Không được đi học ở trên ghế nhà trường thì phải học ở ngoài đời, học những người xung quanh, với ý chí quyết tâm thoát nghèo, vợ chồng anh Sì không quản ngại khó khăn, vất vả, ngày nắng cũng như ngày mưa, giọt mồ hôi phải đổ xuống không biết bao nhiêu để đổi lại màu xanh cho đất, màu xanh cho vườn.
Vạn sự khởi đầu nan, cái gì ban đầu cũng khó, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, diện tích canh tác ít, cây mới trồng nên những năm đầu sản lượng chưa cao, chất lượng chưa đạt hiệu quả như mong đợi, đôi khi còn bị sâu bệnh, có mùa còn gần như mất trắng. Không nản chí, anh Sì vừa trồng vừa chịu khó tìm hiểu, tự mày mò, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân về cây cam. Từ ham muốn làm chủ kỹ thuật, làm chủ quy trình canh tác riêng với cây cam trở thành niềm đam mê của anh đối với loại cây đặc sản có múi này. Chỉ là anh nông dân không qua trường lớp, nhưng giờ đây anh quá hiểu về thực tiễn sinh trưởng của cây cam không hề thua kém những kỹ sư được đào tạo trên ghế nhà trường, bản thân anh còn tự mày mò nghiên cứu tìm ra phương thức để ghép cây cam trên gốc cây bưởi. Anh Sì cho hay, kết quả sau khi ghép cây cam trên gốc bưởi thì cây cam sinh trưởng và phát triển khỏe hơn, sức đề kháng tốt hơn và chất lượng trái không hề thua kém. Hiện, trong vườn của gia đình anh đã có trên 20 cây cam ghép do chính anh ghép.
Anh Sì cũng cho biết, để cây cam đạt chất lượng quả cao, đất không bị thoái hóa nhất thiết phải áp dụng phương pháp trồng cam theo hướng hữu cơ. Trồng cam khó nhất vẫn là vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu không áp dụng “nguyên tắc 4 đúng” sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng quả, chất lượng đất trồng. Để cây cam nào nào cũng cho sai trĩu, quả đều, anh thường xuyên sử dụng các loại phân chuồng để bón cho cây, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thức vật hóa học, phân hóa học để chăm bón vườn cam đặc sản.
Anh Sì giới thiệu vườn cam sai trĩu của gia đình mình
Sau hơn 20 năm gắn bó trung thành với cây cam, nay diện tích canh tác của gia đình anh Sì lên đến hơn 6 ha, trong đó 5 ha trồng cam (gồm cam sành, cam Đường canh và cam vàng đều đã được chứng nhận VietGAP) và hơn 1ha đất vườn trồng nhãn. Ngoài ra, để có nước phục vụ tưới tiêu cho cam, anh Sì đào thêm 3 ao kết hợp thả cá với diện tích 6.000m2 mặt nước nuôi các loại cá như: cá bỗng, trắm cỏ, chép, trôi… nhằm tăng thêm thu nhập. Anh cho biết, chỉ tính riêng vụ cam năm 2019 đã mang về thu nhập gần 1 tỷ đồng cho gia đình. Ngoài cây cam chủ lực, đảm bảo cho lâu dài, anh Sì còn tập trung trồng 20 ha các loại cây lâm nghiệp như: keo, bồ đề...cũng tạo những khoản thu nhập đáng kể khi thu hoạch.
Xây nhà đẹp, mua xe hơi, cho con cái ăn học đên nơi đên chốn nhưng anh Sì không quên đến những tháng ngày còn đói khổ, thông cảm với nhiều hộ bà con còn nghèo khó như gia đình mình trước đây, anh không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, tạo công ăn việc làm, giúp đỡ bà con cùng phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Năm 2017, anh vận động các gia đình thành lập HTX Cam Sành VietGap và giữ cương vị Phó Giám đốc. Hiện nay, anh đang cùng HTX của mình phấn đấu đưa các sản phẩm nông nghiệp của xã Vĩnh Phúc đến với người tiêu dùng cả nước. Gần đây, UBND xã Vĩnh Phúc đã có đề nghị Thủ tướng Chính phủ khen thưởng về thành tích “Nhà nông vượt khó, làm giàu” của Sùng Diu Sì.
Đặc biệt, năm 2020, anh Sùng Diu Sì còn vinh dự được TƯ Hội Nông dân Việt Nam vinh danh "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020”, tổ chức vào dịp trung tuần tháng 10 năm 2020 tại Hà Nội nhân dịp Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020).
Trường Giang