Nhân dân trên địa bàn TP Hạ Long triển khai hiệu quả phong trào "Ngày chủ nhật xanh"
Quảng Ninh là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, có địa hình chủ yếu là đồi núi, sông ngòi và biển, đảo, có dân số là hơn 1,3 triệu người gồm 22 dân tộc anh em cùng sinh sống. Khu vực nông thôn là 111 xã, trong đó có 92 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo, bãi ngang, 17 xã và 54 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Chính vì vậy, khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Quảng Ninh gặp rất nhiều bất lợi bởi đặc thù các xã vùng nông thôn đa phần là xã miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Hiện trạng các xã so với Bộ tiêu chí quốc gia về NTM đạt rất thấp, có tới 58 xã đạt dưới 50% bộ tiêu chí; kết cấu hạ tầng nông thôn thấp kém, thiếu quy hoạch đồng bộ, tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế của người dân vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Để đạt được mục tiêu đề ra trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, đột phá với quyết tâm cao và bước đi vững chắc.
Ngay đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 27/10/2010, đây là Nghị quyết đầu tiên và chuyên biệt về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, lấy việc xây dựng NTM làm then chốt. Nghị quyết xác định chủ thể chính xây dựng NTM là nông dân; dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư, với phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm và dân được thụ hưởng.
Tỉnh Quảng Ninh là một trong số ít tỉnh, thành phố thành lập được Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các cấp do đồng chí bí thư cấp ủy trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo. Đây là một trong những cách chỉ đạo rất sáng tạo, thể hiện rõ nét dấu ấn của lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở trên tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Quảng Ninh cũng thành lập các cơ quan giúp việc cho Ban Chỉ đạo xây dựng NTM từ tỉnh đến cơ sở phù hợp với điều kiện của từng địa phương; bố trí cán bộ chuyên môn phụ trách, theo dõi Chương trình xây dựng NTM và Chương trình OCOP; thành lập Văn phòng điều phối NTM; bố trí cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách ở cấp huyện và cấp xã.
Chương trình xây dựng NTM ở Quảng Ninh được triển khai một cách đồng bộ ở 125/125 xã, 13 đơn vị cấp huyện, không làm điểm, làm nhỏ lẻ như các địa phương khác nên đã đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức cho tỉnh, nhất là nguồn lực thực hiện. Để tháo gỡ khó khăn, tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách riêng để tạo hành lang pháp lý phục vụ cho chương trình với các chính sách hỗ trợ nguyên vật liệu đầu tư công trình hạ tầng, hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn...
Bằng những cách làm sáng tạo, quyết liệt, Quảng Ninh đã sớm đạt được các nội dung theo bộ tiêu chí quốc gia, tỉnh, thành phố, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Kết thúc năm 2022, Quảng Ninh đã về đích nhiệm vụ của cả giai đoạn 2021-2025 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 54/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 26/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 7/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 6/6 thành phố, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 2 huyện đạt chuẩn theo bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025...
Những kết quả ấn tượng mà tỉnh Quảng Ninh đạt được đã cho thấy những cách làm sáng tạo, đột phá, quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như triển khai thực hiện của tỉnh. Tỉnh đã ban hành hệ thống cơ chế chính sách phong phú, đa dạng; thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực, đa dạng hóa các nguồn lực. Từ ngân sách Nhà nước đến các nguồn lực xã hội huy động trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp... Đặc biệt, tỉnh đã tạo được những phong trào sôi nổi do chính người dân tham gia trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò của người dân tự vươn lên thoát nghèo, tự vượt qua chính mình với nhiều mô hình tiêu biểu… Qua đó, tỉnh đã vinh dự được Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước ghi nhận là địa phương đầu tiên của miền Bắc có huyện đạt chuẩn NTM (Đông Triều); huyện đảo (Cô Tô) đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM; xã (Việt Dân) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước đồng thời lựa chọn để nhân rộng mô hình học tập.
Để có được thành quả như vậy, tỉnh Quảng Ninh đã huy động được cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Quá trình xây dựng nông thôn mới được các cấp uỷ đảng, chính quyền quán triệt và đưa ra mục tiêu, lộ trình rõ ràng, đúng đắn theo từng giai đoạn:
Giai đoạn đầu từ 2010-2015, tỉnh định hướng xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chủ thể chính xây dựng nông thôn mới là người dân, tập trung đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng yếu, tiến hành đồng bộ ở tất cả các xã, thực hiện đồng bộ tất cả các tiêu chí.
Giai đoạn hai từ 2016-2020, tỉnh tập trung xây dựng nông thôn mới theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, bảo đảm thường xuyên, liên tục và lâu dài, tiến tới xây dựng nông thôn tiên tiến, tiếp tục xác định người nông dân là chủ thể, trực tiếp thực hiện và được thụ hưởng, cùng với đầu tư của doanh nghiệp là động lực.
Giai đoạn ba từ 2021-2025, tỉnh chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện, bền vững, hài hòa với phát triển đô thị, hướng tới nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, người dân nông thôn có môi trường sống tốt đẹp, được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ tương đương các đô thị, phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Trong giai đoạn 2023 - 2025, Quảng Ninh phấn đấu các mục tiêu sẽ đạt được như: 5/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 3 huyện so với năm 2022, gồm Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà); 58/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 4 xã so với năm 2022); 32/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 6 xã so với năm 2022); Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020 (tương đương 92,2 triệu đồng/người/năm), phát triển thêm ít nhất 10 sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh tiềm năng đạt 5 sao cấp quốc gia…
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung triển khai 3 đột phá chiến lược trong xây dựng nông thôn mới: Chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đảm bảo kết nối chặt chẽ với thành thị và nông thôn, nội vùng, liên vùng, đồng bộ, hiện đại; Tập trung phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn gắn với tạo việc làm theo nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp; Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương
Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; phát triển sản phẩm OCOP theo quy hoạch vùng sản xuất tập trung, gắn sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; Nâng cao chất lượng y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn; chất lượng các dịch vụ y tế, bảo đảm người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại...
Những năm tiếp theo, Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện việc gắn kết hài hòa phát triển giữa đô thị và nông thôn, công nghiệp, xây dựng, du lịch, dịch vụ nông, lâm, ngư nghiệp, thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng để nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao. Tỉnh sẽ tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững.
Nhật Anh