00:00 Số lượt truy cập: 3040356

Chương trình xây dựng nông thôn mới làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả. 

Được đăng : 18/10/2022

phongtraoxaydungnongthondautuhatanggiaothongchocacbanvungbiencuahuyenquephong 
Phong trào xây dựng nông thôn đầu tư hạ tầng giao thông cho các bản vùng biên của huyện Quế Phong, Nghệ An

 

Sự khởi sắc trong diện mạo nông thôn là chuyển biến rõ nét nhất trong giai đoạn vừa qua.

Với giai đoạn khởi động ban đầu (2010-2015). Đa số chỉ tập trung vào các yếu tố chính trị như quốc phòng, an ninh, thông tin và truyền thông, y tế, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, đây là những tiêu chí có trên 40% xã đạt được trong giai đoạn này. Trong khi đó dưới 10% tỷ lệ các xã đạt tiêu chí về giao thông, thu nhập và cơ sở vật chất văn hóa.

Với giai đoạn 2 của xây dựng nông thôn mới (2016-2019) đã tập trung xử lý nhiều hơn các vấn đề về hạ tầng và sinh kế của người dân nông thôn. Các tiêu chí về hạ tầng thủy lợi và thương mại tăng mạnh, từ mức rất ít xã đạt được thì đến nay đã có trên 90% các xã đạt được các tiêu chí này.

Ở hầu khắp các vùng quê nông thôn, điều kiện giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, điều kiện học tập, khám chữa bệnh... đã được tăng cường mạnh mẽ. Đặc biệt, từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (năm 2011) đến nay, cả nước đã hoàn thành một khối lượng đường giao thông nông thôn gấp hơn 5 lần của giai đoạn 2001-2010, có 99,4% tổng số xã trên cả nước có đường ô tô đến trung tâm xã. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và quan trọng nhất là sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân. Khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) năm 2019 cho thấy 84,8% số hộ nông thôn hài lòng về các công trình hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới; đặc biệt tại các huyện đạt chuẩn thì tỷ lệ này đạt mức 94-97%. Cùng với quá trình tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới, người dân đã ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước giảm rõ rệt: số liệu điều tra cho thấy khoảng 80-90% số hộ nhận thức rõ về chủ trương, nguyên lý, nội dung xây dựng nông thôn mới.

Chương trình xây dựng nông thôn mới góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và tái cơ cấu hiệu quả ngành nông nghiệp

Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh cả về giá trị sản xuất và lĩnh vực, hình thức hoạt động. Công nghiệp nông thôn tăng trưởng bình quân 12,2%/năm giai đoạn 2008-2017, cao hơn mức tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đã giảm mạnh từ 48,2% xuống còn 38,1% trong giai đoạn 2010-2018. Việc làm phi nông nghiệp của người dân nông thôn ngày càng phát triển. Theo điều tra của IPSARD năm 2019, thu nhập từ hoạt động nông - lâm - thủy sản chỉ chiếm 22% tổng thu nhập của hộ nông thôn. Tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới thì tỷ lệ này là 20%, thấp hơn so với các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới ở mức 24,1%.

Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Kinh tế hộ nông thôn chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hình thành nhiều trang trại với quy mô lớn hơn, hiệu quả cao hơn. Đã có nhiều hợp tác xã kiểu mới được hình thành và phát triển, hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình. Doanh nghiệp nông nghiệp phát triển nhanh. Đến tháng 12/2018, cả nước có 9.235 doanh nghiệp nông nghiệp, tăng 3,6 lần so với năm 2008. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Vingroup, Vinamilk, Hoàng Anh, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood...

 Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi phát triển đa dạng về hình thức và cấp độ đã hình thành và nhân rộng ở nhiều địa phương. Đến cuối năm 2017, cả nước có khoảng 21.000 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa quy mô lớn, trong đó, đã có 1.096 chuỗi nông sản an toàn. Mô hình “Cánh đồng lớn” được nhân rộng ở nhiều địa phương, cả nước có 2.262 điểm với tổng diện tích 579,3 nghìn ha.

Trình độ khoa học công nghệ của nền nông nghiệp đã được nâng cao; công tác đào tạo nghề cho nông dân được đẩy mạnh. Khảo sát gần đây cho thấy, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã có đóng góp tích cực đối với thúc đẩy liên kết sản xuất ở nông thôn. Tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ đi thuê đất từ hộ khác là 37,7%; trong khi tại các xã chưa đạt chuẩn tỷ lệ này chỉ là 25,3%. Tỷ lệ hộ sẵn sàng góp đất canh tác cùng hộ khác nếu có chính sách hỗ trợ tốt tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới là 47,6%; trong khi tại các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới chỉ là 40,1%. Đây là nền tảng giúp tăng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác và hình thành liên kết chuỗi giá trị ở nông thôn. Một trong những nét đặc sắc của Chương trình xây dựng nông thôn mới là việc triển khai đề án OCOP, tập trung phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc phát triển các sản phẩm địa phương, chỉ dẫn địa lý giúp quảng bá thương hiệu các mặt hàng nông sản địa phương. Đến tháng 6/2019, cả nước đã có 49 tỉnh, thành phố ban hành Quyết định phê duyệt Đề án, Kế hoạch OCOP (mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh; với khoảng 4.823 sản phẩm có lợi thế, trong đó có 1.086 sản phẩm (22,52%) có đăng ký/công bố tiêu chuẩn chất lượng; 695 sản phẩm (14,4%) có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đã có 6 tỉnh thẩm định, xét công nhận cho 269 sản phẩm OCOP, trong đó có 7 sản phẩm 5 sao, 100 sản phẩm 4 sao, 162 sản phẩm 3 sao.

 Xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, cách làm sáng tạo ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Một kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới đó là cách làm sáng tạo, hiệu quả của các địa phương. Sự sáng tạo này không chỉ ở một lĩnh vực, một chỉ tiêu mà ở hầu hết các lĩnh vực đều có những gương điển hình tiêu biểu, cách làm hay và trải rộng trên nhiều địa bàn. Nhiều hợp tác xã trở thành các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả cao, như hợp tác xã sản xuất chuyên ngành, hợp tác xã đảm nhiệm nhiều khâu trong chuỗi giá trị, hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao... Chương trình OCOP mới phát triển nhưng đã tạo thành phong trào mạnh mẽ. Nhiều tỉnh chủ động có nhiều chương trình, chính sách hiệu quả, phát huy mạnh mẽ lợi thế địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm vùng miền và thu nhập của người dân.

Việc phát huy vai trò cộng đồng, địa phương trong xây dựng nông thôn mới có nhiều điển hình tốt. Nổi bật là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai - địa phương phát huy tốt truyền thống văn hóa và sự tham gia của cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới với mô hình sáng tạo về khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. Tại đây đã hình thành các Quỹ hỗ trợ người dân với mục đích: (1) Phát triển kết cấu hạ tầng; (2) Hỗ trợ phát triển sản xuất; (3) Hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn. Về môi trường, cảnh quan nông thôn, đã xuất hiện những điển hình rất tốt trong xây dựng cảnh quan, môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp. Nhiều địa bàn nông thôn trong tỉnh Đồng Nai đang trở thành nơi đáng sống, mà nổi bật là cảnh quan, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, những tuyến đường hoa, cây bóng mát...

Bên cạnh đó, còn rất nhiều mô hình điển hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả ở khắp các tỉnh trong xây dựng nông thôn mới. Những cách làm này đã góp phần tích cực tạo nên thành công của chương trình nông thôn mới và trên hết là góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập đời sống người dân.

Mai Loan