00:00 Số lượt truy cập: 2999860

chuyện làm giàu từ VAC- R của chàng trai Khmer 

Được đăng : 03/11/2016
Trong điều kiện đất sản xuất bị nhiễm phèn, mặn nặng, nhiều hộ tìm cách sang nhượng để đi làm thuê nhưng anh Danh Còn, người Khmer ở ấp Xẻo Lùng A (U Minh Thượng - Kiên Giang) vẫn quyết tâm bám trụ với đất. Anh đã áp dụng mô hình VAC kết hợp làm ruộng, bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Năm 1998, khi lập gia đình, anh Còn được ba mẹ cho 10 công đất sản xuất (1 công = 1.000m2) nhưng bị nhiễm phèn, mặn, chỉ làm được một vụ lúa/năm. Chị Thị Thu (vợ anh Còn) tâm sự: “Do cả hai bên cha mẹ đều nghèo, nên khi mới ra riêng chỉ cất được căn nhà lá ở tạm. Khó khăn là vậy nhưng vợ chồng tôi quyết chí bám trụ làm ăn chứ không bỏ ruộng đất tìm nghề khác mưu sinh”.

Nhờ chí thú làm ăn, tích cực tham gia các lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, anh Danh Còn đã tìm ra hướng phát triển kinh tế cho gia đình. Anh bắt đầu mua heo về nuôi, trồng các loại rau màu, tích cực chăm sóc lúa. Cứ như thế, có vốn anh lại mua thêm vài công đất ruộng. Đến nay, từ 1ha ruộng cha mẹ cho, anh Còn đã mua thêm được 6ha nữa.

Anh nhẩm tính: “Với 7ha ruộng làm lúa 2 vụ, mỗi năm tôi thu lãi 130 triệu đồng. Giữa 2 vụ lúa, tôi nuôi xen 1 vụ tôm cho thu nhập 60 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 40 triệu đồng. Hàng năm, tôi nuôi 10-15 heo thịt, 2 heo nái lãi 40 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm gia đình tôi thu nhập 210 triệu đồng”. Chẳng những xây dựng được nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi, anh còn có điều kiện lo cho 3 đứa con đều được đến trường.

Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, anh Còn nhấn mạnh: phải luôn chú trọng đến thủy lợi nội đồng, làm mặt ruộng bằng phẳng, chủ động gieo sạ đúng lịch thời vụ, đảm bảo tưới tiêu; mạnh dạn đưa giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; thăm đồng thường xuyên, bón phân theo bảng so màu lá lúa, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”... Nếu áp dụng đúng quy trình không những giảm được chi phí sản xuất mà năng suất cũng tăng theo từng vụ.

Ông Võ Hoàng Hải, Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Yên A nhận xét: “Không những sản xuất giỏi, anh Còn còn là người sống rất tình nghĩa, thường xuyên giúp đỡ những người xung quanh mỗi khi họ gặp khó khăn như cho mượn giống, vốn không tính lãi, giúp bà con kiến thức, tận tình chỉ dẫn trong sản xuất”.