00:00 Số lượt truy cập: 2982152

Công dụng của bí đao (bí xanh) 

Được đăng : 14/06/2023
Bí đao thuộc họ bầu bí và còn có tên gọi là bí xanh, là loại cây dây leo, lá mọc cách, quả có vỏ màu xanh, hình trụ, thuôn dài; trong quả bí có thành phần hoá học chủ yếu là Gluxit và các chất khoáng như: Canxi, photpho, sắt, các Vitamin (A, B1, B2, PP, C), hàm lượng nước trong bí cao khoảng 95,5%; bí đao là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, rất phù hợp với điều kiện thời tiết, đất, độ ẩm của khí hậu nhiệt đới gió mùa.

caybidao2

Ảnh minh họa

 1. Trong ăn uống

Quả bí đao có nhiều chất dinh dưỡng và hoạt chất sinh học quý: trong 10 gam thịt quả bí đao có: 0,4g Protein; 0,4 g các chất đường bột; 19mg canxi; 12mg chất photpho; 0,3mg sắt; 0,01mg carotene; 0,01mg Vitamin B1; 0,02mg Vitamin B2; 0,3mg Vitamin PP; 16mg vitamin C và nhiều hoạt chất sinh học khác;

Món canh bí đao nấu gừng dễ chế biến và tốt cho sức khoẻ: Nấu cả vỏ và hạt bí đao cho thêm gừng tươi, trần bì, muối, nước; hạt bí đao có lợi thấp, vỏ bí đao lợi thuỷ nên ăn được cả vỏ và hạt thì công hiệu càng cao; trần bì có tác dụng lý khí, kiện tỳ, lợi thấp, gừng hành thông dương  hoá ẩm lợi thuỷ ăn két hợp với bí đao sẽ hỗ trợ giảm béo.

Ngoài nấu canh quả bí đao được chế biến, cắt tỉa thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc như: Rồng bay Phượng múa, Loan Phượng giao duyên, có thể tỉa thành những đoá hồng để trang trí món ăn… Bí đao còn có thể chế biến kho nhạt với nấm rơm, củ cải trắng, đậu phụ… hấp dẫn hơn có món mứt bí đao. Ngọn bí đao, lá non, hoa cũng được dùng nấu canh rất hấp dẫn.

Bí đao còn có thể được nấu một cách sáng tạo cho giá trị bổ dưỡng là món canh bí đao nhồi tôm thịt. Nguyên liệu làm ánh bí đao nhồi tôm thịt gồm có: Bí đao  non: 600g, nên chọn loại bí tươi, dáng thuôn dài, da màu xanh sáng sẽ ngon và ngọt hơn; thịt lợn nạc 150g; tôm sú tươi 150g; gia vị vừa đủ: hạt nêm, bột ngọt, dầu ăn, muối, đường, tiêu, nước mắm, ớt bột (hoặc bột điều), hành lá, hành khô, tỏi... canh bí đao nhồi tôm thịt là món ăn rất bổ dưỡng cho ngày hè và nó càng phát huy tác dụng cũng như thơm ngon hơn khi ăn nóng.

Bí đao còn có thể chế biến thành món nộm bí đao, gỏi bí đao để giữ được lượng lớn vitamin.

2. Trong chữa bệnh

Bí đao không chỉ là một nguyên liệu chế biến món ăn mà nó còn được coi là một vị thuốc; thành phần chính của bí đao là nước và không có chất béo. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy trong bí đao có hàm lượng natri rất thấp nên có tác dụng trị liệu tốt đối với những bệnh sơ cứng động mạch, huyết áp cao, viêm thận, phù thũng; ngoài ra, bí đao còn kết hợp với những vị thuốc khác giúp chữa trị các căn bệnh ung thư: Ung thư gan, ung thư họng, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng… Bí đao là vị thuốc có tên “đông qua” đã được sử dụng rất lâu đời trong đông y; tác dụng phòng bệnh và chữa bệnh của vị thuốc này được ghi lại trong bản thảo kinh - bộ sách thuốc cổ nhất của đông y được viết ra từ đầu thiên niên kỷ thứ nhất.

Cao bí đao có ưu điểm là lành tính, không có hoá chất bảo quản nên không lo hư tổn da về sau, lại thích hợp với mọi loại da, đặc biệt thích hợp với những ai thích dưỡng da bằng phương pháp đông y.

- Giảm béo:

Bí đao là loại quả có khả năng sinh nhiệt thấp, hàm lượng chất béo gần như không có và có khả năng làm giảm khả năng tích tụ mỡ trong cơ thể nên nó là vị thuốc lý tưởng để chữa bệnh béo phì, ăn bí đao lâu dài có thể giúp cho bạn có một cơ thể thanh thoát. Vì thế, đối với những người muốn giảm cân có thể dùng bí đao như một thực phẩm rau xanh và nên ăn nhiều hơn so với các loại rau khác.

- Giải khát chữa bệnh

Trong thành phần của bí đao đa phần là nước, hàm lượng dinh dưỡng tương đối thấp và không chứa lipid; cứ 100g bí đao có 0,4g protid; 2,4g glucid; 19mg canxi; 12mg phospho; 0,3mg sắt và nhiều vitamin như: carotene, B1, B2, B3, C….

Trong thời tiết nóng bức của mùa hè, việc dùng bí đao thường xuyên vừa có tác dụng giải khát, vừa phòng chống bệnh tật rất tốt. Tuy nhiên, ngoài dùng làm rau ăn, phương thức chế biến bí đao thành các loại nước giải khát còn ít người biết đến. Hiện nay trên thị trường cũng đã có nước giải khát trà bí đao nhưng pha chế khá ngọt, nhiều người không hợp. Vì vậy, chúng tôi đưa ra một số cách để khán giả có thể tự chế biến phù hợp với sở thích của mình.

Cách 1: Bí đao 500g gọt vỏ, bỏ ruột, rửa thật sạch rồi thái miếng, cho vào máy ép lấy nước, hoà thêm một chút muối, chia uống vài lần trong ngày.

Công dụng: Ích tỳ, giải nhiệt tiêu độc, lợi niệu trừ phù; dùng làm nước giải khát về mùa hè rất tốt, có tác dụng phòng, chống cảm nắng, cảm nóng, mụn nhọt, lở ngứa, rôm sảy…

Cách 2: Bí đao 500g, dưa hấu 500g, đường trắng vừa đủ; bí đao gọt vỏ, bỏ ruột, rửa thật sạch. Dưa hấu lấy ruột, bỏ hạt; hai thứ thái miếng, dùng máy ép lấy nước rồi chế thêm một chút đường trắng, chia uống nhiều lần trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt giải độc, trừ phiền chỉ khát, lợi niệu tiêu thũng; dùng để giải nhiệt, phòng chống say nắng, say nóng. Theo y học cổ truyền, dưa hấu có công dụng giải say nắng, làm hết khát, trừ phiền, lợi thuỷ… Hai loại quả này phối hợp với nhau tạo nên một thứ nước giải khát chữa bệnh lý tưởng trong mùa hè./.

Hải Thành