00:00 Số lượt truy cập: 2982878

Công dụng và kỹ thuật trồng cây Ngải cứu 

Được đăng : 09/07/2022

tai-xuong123456789101112

Hình minh họa

 

Cây Ngải cứu còn được gọi là cây thuốc cứu, cây thuốc cao, ngải điệp.

 

Mô tả: Ngải cứu là một loại cây sống lâu năm, thân to có rãnh dọc, lá mọc so le, rộng, không có cuống (nhưng lá phía dưới thường có cuống), xẻ thuỳ lông chim, màu lá ở hai mặt rất khác nhau; mặt trên nhẵn màu lục sẫm, mặt dưới màu trắng tro do có rất nhiều lông nhỏ trắng; hoa mọc thành chuỳ kép gồm rất nhiều cụm hoa hình đầu.

Ngải cứu mọc hoang ở nhiều nơi trên đất nước ta, nhưng Ngải cứu đã được trồng để thâm canh làm thức ăn và làm thuốc,bộ phận dùng làm thuốc là cành và lá; có thể dùng tươi, phơi hay sấy khô để trị chứng đau đầu, đau thần kinh, trị bong gân, trật khớp,… với phụ nữ, cây ngải cứu là một vị thuốc giúp điều kinh, điều hoà tuần hoàn máu và giúp kỳ kinh đều đặn hơn; không những thế, trong quá trình người phụ nữ mang thai, ngải cứu luôn được các bà, các mẹ dùng làm thuốc an thai.

Kỹ thuật trồng cây Ngải cứu

1. Về đất trồng:  Cây Ngải cứu không kén đất, là cây có bộ rễ ăn nông và thân rễ mọc ngầm dưới đất; do vậy, yêu cầu đất phải tơi xốp, nên chọn là đất nương rẫy, đất ruộng màu cao ráo, thoát nước tốt, không bị ngập úng (đất phù sa là tốt nhất); trước khi trồng, đất được cày bừa kỹ, rồi phơi khô (phơi ải) ít nhất 10 ngày để diệt mầm bệnh; nếu đất quá cứng hay đất xấu, cần bón vôi bột bón phân chuồng ủ hoai mục để tăng lượng mùn làm mềm tơi xốp đất.

 Lên luống, tạo rãnh giữa các luống để di chuyển và thoát nước; luống rộng từ 1 - 1,2m, chiều dài tuỳ thuộc vào khu vực đất trồng, chiều cao luống khoảng 15 - 20 cm.

2. Trồng và chăm sóc bón phân

Cách trồng: Cây ngải cứu rất dễ trồng, chỉ cần cắt lấy những nhánh cây già cắm xuống đất là cây đã phát triển thành cây mới, cách trồng ngải cứu cũng tương tự như trồng khoai lang, rau ngót.

Cắm hom giống đã chuẩn bị xuống đất, có thể cắm thẳng hoặc nghiêng sâu từ 3 - 5cm và có thể trồng 1 cây hoặc 2 cây/khóm, nén đất kỹ phần gốc. Lưu ý: cần chọn cành già, đủ ngày tuổi và nền đất đã được cải tạo và đầy đủ dinh dưỡng.

 Nên trồng cây ngải cứu ở những nơi thoáng mát, có nhiều ánh sáng để cây hấp thụ và quang hợp được tốt hơn; hạn chế trồng ngải cứu ở những nơi đất quá khô cằn, bởi khi đó cây sẽ cằn cỗi, sinh trưởng phát triển kém, lá già nên rất khó dùng làm rau ăn; nên cung cấp đủ nước và chất dinh dưỡng để có những vườn rau ngải cứu xanh non.

Khoảng cách trồng: khoảng cách hàng cách hàng là 25cm và cây cách cây là 10cm; không nên trồng dày quá vì sẽ tạo môi trường cho sâu bệnh hại phát triển hoặc nếu trồng thưa quá thì sẽ không tận dụng được tối đa diện tích.

Sau khi trồng phủ một lớp cỏ khô hay rơm và tưới nước ngay để đất có ẩm; nên trồng vào buổi chiều để cây không bị mất nước nhiều và được hồi phục qua đêm.

 Chăm sóc bón phân: Phải bón phân cân đối hợp lý, không thừa cũng không thiếu; chọn những loại phân phù hợp với cây ngải cứu như: phân chuồng, phân chim, hoặc lá cây ủ hoai mục để bón cho cây; có thể trộn phân với đất và ủ trong thời gian từ 1 đến 2 ngày rồi bón cho cây (7 phần đất sạch + 3 phần phân trùn quế).

- Bón lót: Ngải cứu vừa là cây trồng dùng làm rau vừa là cây dược liệu, nên sử dụng các loại phân bón hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây; bón lót với liều  lượng 500 - 600kg/1.000m2 , rải đều phân, đảo và cào bằng mặt luống, tưới nước để phân bón được trộn đều vào đất.

- Bón thúc: Sau mỗi lần thu hoạch thì tiến hành làm cỏ dại và bón thúc ngay cho vườn rau ngải cứu, chủ yếu vẫn là phân chuồng ủ hoai mục cùng với phân trùn quế và kết hợp vun gốc cho cây.

Chú ý: Bất kể lúc nào, điều kiện thời tiết khí hậu nào cũng phải đảm bảo đủ ẩm cho cây ngải cứu.

3. Phòng trừ sâu bệnh

Cây ngải cứu rất ít khi bị các loại côn trùng hay sâu hại tấn công và cũng rất ít bệnh hại; tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có một số loại gây hại như: rệp mềm, sâu khoang,…khi phát hiện thấy các đối tượng gây hại, nên bắt bằng tay hoặc dùng bẫy côn trùng để phòng ngừa và tiêu diệt; ngoài ra, có thể dùng dung dịch hỗn hợp các sản phẩm thảo mộc ngâm (gừng, tỏi, ớt…) để phun.

4. Thu hoạch

Sau khi trồng khoảng 1 tháng là có thể thu hoạch và sau khi thu hoạch lần thứ nhất, phần gốc ngải cứu tiếp tục ra chồi và phát triển, chúng ta vẫn tiếp tục chăm sóc và tưới nước đầy đủ cho cây để thu hoạch lần sau.

Phạm Nghiêu