00:00 Số lượt truy cập: 2982913

Công dụng và kỹ thuật trồng cây Thiên lý 

Được đăng : 20/06/2022

cachtronghoathienly

Cây Thiên lý còn gọi là cây hoa lý, hoa thiên lý, dạ lý hương.

 

Mô tả: Thiên lý là một loại cây nhỏ, mọc leo, thích hợp với việc trồng thành giàn, thân hơi có lông, nhất là ở những bộ phận còn non; lá hình tim, thuôn, khía mép ở khoảng 5 - 8mm về phía cuống lá, đầu lá nhọn, có lông trên các gân lá, phiến lá dài 6 - 11cm, rộng 4 - 7,5cm; Hoa khá to, nhiều, màu vàng xanh lục nhạt, rất thơm, thành xim tán, có cuống to; cây vươn dài 10 - 22m, mang nhiều tán mọc mau liền với nhau.

Cây Thiên lý được trồng khắp nơi ở Việt Nam, nhiều nhất tại miền Bắc; trong nhân dân thường chỉ dùng hoa và lá thiên lý non để nấu canh ăn cho mát và bổ; ngoài ra, còn dùng để làm thuốc chữa một số bệnh như: lòi dom, sa dạ con và giúp an thần, chữa chứng mất ngủ…

        Kỹ thuật trồng cây Thiên lý

1.           Đất trồng

Chọn đất thịt pha cát, đảm bảo yêu cầu về độ tơi xốp, khả năng hút ẩm cũng như khả năng thoát nước tốt; bởi vì, cây Thiên lý không chịu được úng ngập; nếu úng ngập cây sẽ bị thối rễ, dẫn đến chết cây.

 Trước khi trồng, tiến hành bón lót bằng phân chuồng ủ hoai mục (khoảng 5 - 10 kg/gốc), kết hợp với phân NPK 20-20-15 hoặc 16-16-8 (khoảng 150 - 200g/1 gốc); Đồng thời, xới đất cho tơi xốp, việc này nên được tiến hành trước khi trồng khoảng 10 ngày.

2.           Trồng, chăm sóc

Theo kinh nghiệm của các nhà vườn cũng như của các chuyên gia thì nên lựa chọn trồng cây Thiên lý bằng dây có sẵn (có thể tự nhân giống hoặc mua tại các trại cây giống) để nhanh cho thu hoạch, năng suất cao, tiết kiệm thời gian và công sức cho người trồng nhất.

         Cách trồng:

 - Bước 1: Chuẩn bị những đoạn cành hơi già (không quá già nhưng không được quá non), cành đã chuyển màu xám, to khỏe, không sâu bệnh; cắt thành từng đoạn dài 20 - 30cm, bôi tro bếp lên vết cắt để cành không bị chảy nhựa dẫn đến mất nước, giảm sức sống.

 Chuẩn bị bầu ươm, loại có đường kính 5 - 7cm, chiều cao 10 - 15cm; đặt bầu ươm ở khu vực thoáng mát, thuận tiện cho việc tưới nước mỗi ngày.

 - Bước 2: Tiến hành giâm cành: nhúng những đoạn cành đã chuẩn bị vào dung dịch Atonik để kích thích ra rễ nhanh; sau đó, giâm cành vào bầu ươm sâu 5 - 7cm; dùng rơm rạ hoặc tro trấu ủ gốc để chắn gió và bào vệ cành giâm; đặt bầu ươm ở nơi thoáng mát và duy trì việc tưới nước đều đặn mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều mát.

- Bước 3: Sau 15 đến 20 ngày, cành giâm ra rễ và mầm cây phát triển đến độ cao 50 - 60cm. Lúc này bạn mang bầu ươm đi trồng xuống đất (vườn, ruộng canh tác).

Đất được cày xới và làm sạch cỏ dại để loại những mầm mống gây bệnh; sau đó lên luống cao 35 - 40cm và đào hố sâu 40 - 50cm để trồng, mỗi hố cách nhau tối thiểu 2m để đủ không gian cho cây thiên lý phát triển về sau.

- Bước 4: Vì dây thiên lý khá yếu ớt; do vậy, sau khi trồng phải cắm cọc cao khoảng 1m - 1,5m cạnh gốc cây rồi buộc dây thiên lý vào để dây thiên lý có điểm tựa; đồng thời, trong tuần đầu tiên, chúng ta cần che phủ cho cây để cây hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Chăm sóc

- Bón phân: Dùng phân hữu cơ ủ hoai mục, phân vi sinh và tưới nước nhiều để kích thích cây sinh trưởng phát triển mạnh.

 - Tưới nước: Phải đảm bảo cho cây thiên lý đủ nước, không để gốc quá khô, nhưng cũng không tưới đẫm nước.

 - Làm giàn: Thiên lý là một loại cây nhỏ, mọc leo; do đó, việc làm giàn là rất cần thiết giúp cây phát triển tốt, hấp thụ được nhiều ánh sáng; đồng thời, cũng tạo điều kiện cho cây ra hoa nhiều hơn, thuận tiện cho việc thu hái sau này.

Tùy vào địa điểm vị trí trồng mà có cách làm giàn khác nhau, có thể làm giàn chữ A hay kiểu giàn mướp, giàn bầu,… cần đảm bảo giàn được làm vững chắc và cây dễ bám để dây phát triển. Ngoài ra, khi dây leo lên giàn, chúng ta cũng cần phải theo dõi và định hướng leo cho mỗi dây, không để dây leo chồng chéo lên nhau làm cho năng suất hoa kém.

- Phòng trị bệnh: Thiên lý thường hay bị đối tượng sâu bệnh hại sau:

+ Nếu tưới thừa nước hoặc bị úng ngập không thoát kịp sẽ là môi trường thuận lợi để các loại nấm bệnh phát triển, có thể gây thối rễ, thối gốc dẫn đến chết cây hoặc giảm năng suất hoa.

Biện pháp phòng trị: là luôn đảm bảo đất trồng thoát nước tốt, thường xuyên tỉa cành, lá để cành tán cây thông thoáng; khi bị bệnh thì có thể dùng thuốc trừ nấm như: Aliettel, Benlat C, Ridomil,... để phun lên lá và tưới vào những gốc bị bệnh hại.

+ Vào mùa nắng; nếu không cung cấp đủ nước cho cây thì rầy rệp, rầy mềm, rập sáp hay bọ trĩ dễ tấn công.

  Khi bị rầy, rệp tấn công thì xử lý thủ công bằng cách bắt giết trực tiếp, hoặc dùng thuốc Supracide để phun lên cây.

 Phạm Nghiêu