00:00 Số lượt truy cập: 3040389

Công tác giảm nghèo ở huyện biên giới vùng cao 

Được đăng : 06/10/2023

 noluc20231212142920
Ảnh minh họa

Mèo Vạc là huyện vùng cao biên giới phía Bắc của tỉnh Hà Giang và là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Đời sống kinh tế, xã hội của người dân huyện Mèo Vạc còn gặp nhiều khó khăn, do đó, điều kiện cấp thiết nhất, là phải giúp bà con an tâm lao động, sản xuất. Đồng bào có “an cư, lạc nghiệp” thì tình hình kinh tế - xã hội mới có điều kiện phát triển và an ninh trật tự cũng được ổn định. Trên địa bàn huyện Mèo Vạc là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số: Mông, La Chí, Pu Péo, Nùng, Giáy... Tính đến cuối năm 2022, huyện Mèo Vạc có trên 10.000 hộ theo chuẩn nghèo đa chiều (chiếm tỷ lệ 57,61%); hơn 1.600 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 9,46%). Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo, là đồng bào không có đất, không có vốn, kinh doanh, không có công cụ, phương tiện hỗ trợ sản xuất…

Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025, huyện Mèo Vạc được phân bổ hơn 193,1 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn đầu tư phát triển hơn 119 tỷ đồng, nguồn vốn sự nghiệp hơn 74 tỷ đồng. Đến nay, đối với dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, huyện Mèo Vạc đã triển khai đầu tư xây dựng 24 công trình gồm: đường giao thông, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, giáo dục và văn hóa. Thực hiện 22 mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với 275 hộ gia đình được thụ hưởng. Hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển mô hình giảm nghèo với 08 mô hình và 125 gia đình thụ hưởng. Thực hiện đào tạo nghề cho 650 người. Hỗ trợ xây mới nhà ở cho 550 hộ, sửa chữa nhà ở cho 107 hộ.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng lòng, đồng sức của toàn thể nhân dân trong huyện nhằm sớm đưa Mèo Vạc đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra trong công tác giảm nghèo. UBND huyện, các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tích cực triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và đúng quy định các chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Qua đó, đã tạo được nhiều cơ chế, cơ hội cho bà con yên tâm sản xuất thúc đẩy đời sống, nâng cao thu nhập nhất là trong trồng trọt và chăn nuôi.

Tăng cường và đẩy mạnh các chính sách về sinh xã hội, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân như: Đẩy mạnh hỗ trợ người dân về y tế, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, các chính sách về giáo dục, trợ giúp pháp lý..., từ đó, góp phần ổn định cuộc sống cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, các hộ mới thoát nghèo. Nhờ đó, huyện Mèo Vạc đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 58,61% vào cuối năm 2022 xuống còn 51,29% vào cuối năm 2023. Trong năm 2023, huyện Mèo Vạc đã xã hội hóa được trên 5,4 tỷ đồng, nhờ đó, đã xóa được 201 nhà tạm, xây mới và cải tạo được 1.212 nhà tắm, 1.278 nhà vệ sinh, cứng hóa và di dời được 616 chuồng trại gia súc ra xa nhà, xây mới được 857 bể nước hộ gia đình.

Do điều kiện tự nhiên chủ yếu là núi đá tai mèo, khí hậu khắc nghiệt, nên việc canh tác nông nghiệp nhất là trồng trọt hết sức khó khăn. Trước đây, bà con chủ yếu sống bằng việc vượt qua biên giới sang nước bạn Trung Quốc để làm thuê, làm mướn tại các chợ giáp biên giới 2 nước. Để giúp bà con vươn lên thoát nghèo tại chỗ, giảm nghèo bền vững, chính quyền xác định công tác trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho bà con nơi đây hiểu và chung tay thực hiện chủ trườn của Đảng, nhà nước về Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững. Huyện đã đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã, các tổ hợp tác phục vụ cho phát triển chăn nuôi gia súc; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình cải tạo và phát triển đàn bò. Cho đến nay, ngành chăn nuôi gia súc (chủ yếu là chăn nuôi bò) của huyện Mèo Vạc đã có những bước tăng trưởng đáng khích lệ, giá trị của ngành chăn nuôi (tính đến cuối năm 2023) chiếm trên 47% cơ cấu của ngành nông nghiệp (tăng 5,7% so với năm 2020). Theo báo cáo của UBND huyện Mèo Vạc, trong năm 2023, toàn huyện đã giảm được 6,32% hộ nghèo, tương đương giảm được 1.171 hộ nghèo.

Tới đây, huyện Mèo Vạc cũng sẽ tiếp tục tích cực xã hội hóa việc huy động các nguồn lực đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo; lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia;  thực hiện đồng bộ các chính sách đảm bảo an sinh xã hội để giảm nghèo bền vững. Trong công tác giảm nghèo, huyện cũng sẽ chú trọng biểu dương, tuyên truyền, phổ biến các mô hình, điển hình giảm nghèo có hiệu quả để nhân rộng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm sớm đạt các tiêu chí giảm nghèo bền vững.

Linh Đan