Cây đậu tương
I. Sâu hại
1. Dòi đục thân
Biểu hiện: Dòi đục gân lá, cuống lá rồi đục vào thân; dòi trưởng thành gây hại càng lớn, làm cho cây con bị chết ở giai đoạn 15 - 30 ngày tuổi.
Biện pháp phòng trừ:
+ Dùng một trong các loại thuốc: Basudin 10H rải vào gốc cây đậu tương (mỗi gốc 2 - 3 hạt thuốc, lượng dùng 20 kg/ha), regent 800 WP nồng độ 8g/8l nước, regasuo 500 DD nồng độ 10ml/8l nước, padan 35 SP nồng độ 20g/8l nước.
+ Đối với sâu đục thân, dòi đục nõn, rệp các loại gây hại thời kỳ cây con và quả non, dùng một trong các loại thuốc: Padan 35 SP; trebon 10 EC; sherpa 25 EC; cyperan 25 EC, 50 EC; kinalux 25 EC phun định kỳ 7 ngày/ 1 lần.
2. Sâu đục quả non
Biểu hiện: Làm ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất hạt đậu tương.
Biện pháp phòng trừ:
+ Luân canh, trồng trái vụ.
+ Cần phát hiện sớm để trừ diệt khi mật độ sâu còn thấp.
+ Trước khi cây trổ hoa, nên phun ngừa bằng các loại thuốc trừ sâu để diệt bướm, trứng và sâu non.
+ Dùng một trong các loại thuốc sau để phun: Padan 35 SP nồng độ 20g/8l nước, phun lượng thuốc đã pha cho 1ha; hoặc dùng cyperan 25 EC, 50 EC; alphan 5 EC pha nồng độ 0,1 - 0,2%, phun trước khi ra hoa 1 tuần.
+ Cày bừa kỹ, ngâm nước sau khi thu hoạch để diệt hết nhộng, tránh lây nhiễm cho vụ sau.
Đối với sâu đục quả: Áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp.
II. Bệnh hại
1. Bệnh gỉ sắt
Nguyên nhân: Bệnh do nấm phakopsora pachyrhisi sydow gây ra.
Biểu hiện: Bệnh phát triển mạnh từ khi đậu tương ra hoa, làm cho lá khô vàng và rụng hàng loạt.
Biện pháp phòng trừ:
+ Sử dụng các giống kháng hoặc nhiễm bệnh nhẹ như: TL57, HL92, ĐT12, ĐT94, ĐT95….
+ Luân canh với các cây không phải họ đậu, tốt nhất là luân canh với lúa nước.
+ Dùng một trong các loại thuốc: Copper B, bentate pha nồng độ 15 - 20ml/8l nước để phun.
2. Bệnh lở cổ rễ
Nguyên nhân: Do nấm rihizotonia phabeoli gây ra.
Biểu hiện: Nấm làm hại phần gốc thân sát với mặt đất, làm cho gốc bị thối dần và gãy gục, nhưng những lá non vẫn xanh; do đó, có nơi còn gọi là bệnh héo xanh.
Biện pháp phòng trừ:
+ Thực hiện tốt chế độ luân canh với cây trồng không thuộc họ đậu.
+ Không để ruộng đậu tương quá ẩm và gieo hạt mật độ quá dày.
+ Nhổ bỏ những cây bị bệnh đem đi tiêu huỷ.
+ Sử dụng một trong các loại thuốc sau đây để phun: Starner, validan 300 - 500 DD nồng độ 15 - 20ml/8l nước, carabenzim 500 Fl nồng độ 20ml/8l nước, nasta 40 EC nồng độ 2ml/8l nước.
3. Bệnh sương mai
Là bệnh hại phổ biển ở nhiều vùng trồng đậu tương tập trung.
Bệnh hại chủ yếu trên lá làm cho lá vàng, khô và rụng, dẫn đến cây sinh trưởng phát triển kém, làm giảm năng suất, chất lượng hạt.
4. Bệnh thán thư
Nguyên nhân: Bệnh do nấm colletotrichum lindemuthianum gây ra.
Biểu hiện:
+ Bệnh gây hại trong tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây, từ khi nảy mầm đến khi hình thành quả.
+ Trên các lá, cuống lá, thân, quả và ngay cả trên hạt cũng xuất hiện nhiều chấm nâu đen hoặc vàng nâu hơi lõm xuống.
+ Bệnh thường phát sinh, phát triển trong điều kiện độ ẩm bão hoà (95 - 100%), nhiệt độ 12 - 160C; nếu độ ẩm dưới 80%, nhiệt độ trên 270C hoặc dưới 130C, bệnh sẽ ngừng phát triển.
+ Bệnh có thể tồn tại chủ yếu ở hạt giống, trên tàn dư cây bệnh, trong đất từ 1 - 2 năm.
Biện pháp phòng trừ:
+ Chú ý các biện pháp phòng trừ tổng hợp mới có hiệu quả.
+ Dùng các giống kháng bệnh tốt.
+ Trồng luân canh với các loại cây trồng khác họ.
+ Thu dọn hết các tàn dư cây bệnh sau thu hoạch.
+ Bón phân cân đối, kịp thời, kết hợp làm sạch cỏ dại, xới xáo, phá váng, khơi thông mương rãnh; tránh úng ngập sau mưa, sau khi tưới.
+ Xử lý hạt giống bằng các loại thuốc chống nấm trước khi gieo như: rovral, thiram.
+ Phun phòng bằng các loại thuốc trừ nấm nội hấp mạnh như: aliette 80 WP; ridomil 68 WP nồng độ 0,15 - 0,3%; boocđô 1%; các thuốc có gốc đồng.
+ Thời điểm phun tốt nhất là vào thời kỳ cây có 4 - 5 lá kép đến trước khi ra hoa; các loại thuốc có gốc đồng không nên phun khi cây đang có nụ và ra hoa, ảnh hưởng đến năng suất.
Vũ Tỉnh