Áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi bò, hiệu quả tăng cao
Được đăng : 13-12-2016 16:26:19
Đắc Lắc áp dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo đàn gia súc bằng cách đưa bò đực giống ngoại lai giống với bò địa phương, nhằm tạo ra giống bò lai đáp ứng yêu cầu sức kéo cho sản xuất nông nghiệp và cung ứng thực phẩm. Từ năm 2003 đến nay, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ cho bà con nông dân nuôi 950 con bò đực giống lai Zêbu để phối giống trực tiếp và đã cho ra đời 12.100 con bê lai. Ngành cũng đã tiếp nhận trên 5.500 liều tinh đông viên giống bò lai ngoại, thực hiện công tác thụ tinh nhân tạo với bò địa phương và đã phát triển được gần 6.500 bê lai với tầm vóc to hơn hẳn những con bê giống bò địa phương cùng lứa tuổi. Tỉnh Đắc Lắc đã xây dựng trại bò giống tại xã Ea Sô (huyện Ea Kar) đã cung..
Đắc Lắc áp dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo đàn gia súc bằng cách đưa bò đực giống ngoại lai giống với bò địa phương, nhằm tạo ra giống bò lai đáp ứng yêu cầu sức kéo cho sản xuất nông nghiệp và cung ứng thực phẩm. Từ năm 2003 đến nay, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ cho bà con nông dân nuôi 950 con bò đực giống lai Zêbu để phối giống trực tiếp và đã cho ra đời 12.100 con bê lai. Ngành cũng đã tiếp nhận trên 5.500 liều tinh đông viên giống bò lai ngoại, thực hiện công tác thụ tinh nhân tạo với bò địa phương và đã phát triển được gần 6.500 bê lai với tầm vóc to hơn hẳn những con bê giống bò địa phương cùng lứa tuổi. Tỉnh Đắc Lắc đã xây dựng trại bò giống tại xã Ea Sô (huyện Ea Kar) đã cung cấp nhiều con bò giống chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu về sức kéo và cung cấp thịt, nâng cao hiệu quả kinh tế trong ngành chăn nuôi. Tỉnh cũng đã thực hiện 66 mô hình nuôi vỗ béo bò, nuôi thâm canh lợn thịt với 211 hộ nông dân tham gia, trong đó có 64 hộ bà con dân tộc thiểu số. Kết quả của thực hiện dự án đã mang lại hiệu quả tích cực. Những hộ nông dân tham gia dự án chăn nuôi đã thu lãi cao hơn nhiều so với kiểu chăn nuôi thả rông trên đồng cỏ tự nhiên như trước đây. Trường đại học Tây Nguyên đã thực hiện đề tài nghiên cứu việc sử dụng phụ phẩm nông nghiệp và công nghiệp để nuôi vỗ béo bò tại các huyện M’Đrắc, Ea Kar và TP Buôn Ma Thuột đạt kết quả tốt, được nhiều hộ nông dân áp dụng.
Đắc Lắc đã thực hiện chương trình khuyến nông trồng cỏ phục vụ chăn nuôi đã thu hút hàng ngàn hộ nông dân tham gia. Hiện nay, các hộ nông dân và các doanh nghiêp trong toàn tỉnh đã trồng được trên 2.200 ha cỏ chất lượng cao, giải quyết đáng kể nguồn thức ăn xanh chăn nuôi bò vỗ béo và dê. Ea Kar là huyện phát triển chăn nuôi bò vỗ béo khá nhất tỉnh đã chuyển đổi đất sản xuất hoa màu và cà phê không hiệu quả chuyển sang trồng trên 1.000 ha cỏ để chăn nuôi. Chương trình chăn nuôi và trồng cỏ trong buôn đồng bào dân tộc Ê-đê ở xã điểm Ea Phê (huyện Krông Pách) đã thu hút nhiều gia đình áp dụng. Hiện nay, bà con dân tộc ở đây đang thay đổi tập tục chăn nuôi bò thả rông, chuyển sang nuôi bò vỗ béo, đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đồng thời, tỉnh đã thực hiện chương trình phòng chống dịch bệnh khép kín với các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt việc xuất, nhập gia súc, gia cầm ra vào vùng lãnh thổ; xây dựng mạng lưới thú y đều khắp ở cấp xã và thôn, buôn; tập trung phát hiện, bao vây, dập tắt dịch kịp thời; đồng thời xây dựng phương án chống dịch, thực hiện tốt việc giết mổ và tiêu hủy đối với các loại gia súc bị dịch bệnh nguy hiểm./.