03/11/2016
Bệnh của gia súc non

1. Hệ tuần hoàn

Cơ tim của gia súc non mềm yếu, tần số tim đập nhanh và hay bị loạn nhịp sinh lý. Tốc độ đông máu nhanh, độ pH trong máu nghiêng về toan. Hàm lượng protein trong máu thấp (chỉ bằng ½ của gia súc trưởng thành), lượng g globulin trong máu rất ít, sự cân bằng về Ca và P thay đổi luôn luôn vì nhu cầu tạo xương, nhu cầu về Fe++ cao để máu tăng liên tục.

 

2. Hệ hô hấp

Lỗ mũi của gia súc non ngắn và nhỏ, mao mạch ở niêm mạc lộ rõ, tổ chức phổi mềm yếu, hệ thống hạch phát triển kém, sức đề kháng kém. Do lồng ngực còn nhỏ và hẹp nên chúng thở nhanh, nông và thở thể bụng.

 

3. Hệ tiêu hoá

Ở bê nghé và dê con, rãnh thực quản thường đóng kín đến dạ thứ tư, cho tới khi được 9-10 tháng tuổi, rãnh mở rộng dần và con vật ăn được thức ăn thô. Trong thời gian bú sữa, dạ cỏ phát triển chậm, cơ ruột yếu, đồng thời các men tiêu hoá hình thành chưa đầy đủ, khả năng giải độc kém. Vì vậy gia súc non rất dễ bị mắc bệnh đường tiêu hoá, tỷ lệ chết rất cao.

 

4. Hệ tiết niệu

Gia súc sơ sinh không có urobilinogen trong nước tiểu, sau 3-10 ngày tuổi trở lên mới có và nồng độ urobilinogen tăng dần, đến 7 tháng tuổi thì giống ở gia súc trưởng thành.

 

5. Khả năng điều tiết thân nhiệt

Khả năng điều tiết thân nhiệt của gia súc non rất kém, do đó nó rất nhạy cảm với sự thay đổi khí hậu bên ngoài, nhất là nhiệt độ lạnh dễ làm gia súc non bị bệnh. Ở gia súc non từ 15-20 ngày tuổi thân nhiệt mới dần ổn định.

 

Với tất cả những đặc điểm trên, gia súc non dễ bị nhiễm bệnh gây ảnh hưởng đến nặng suất và chất lượng đàn gia súc.

 

Chứng suy dinh dưỡng

 

Gia súc non toàn đàn hoặc trong một đàn có một số con gầy yếu, còi cọc, chậm lớn, đó là hiện tượng suy dinh dưỡng.

 

I. Bệnh nguyên

1. Do gia súc mẹ trong thời kỳ mang thai ít được bồi dưỡng, thức ăn thiếu protit, khoáng, vitamin.

 

2. Gia súc mẹ bị mắc bệnh làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa, hoặc do phối giống đồng huyết làm quá trình trao đổi chất của gia súc non giảm, dẫn đến còi cọc, chậm lớn.

 

3. Do gia súc non bị bệnh như viêm ruột, viêm phổi, ký sinh trùng…

 

II. Cơ chế sinh bệnh

 

Quá trình dẫn đến suy dinh dưỡng, đầu tiên thường bắt đầu bằng rối loạn tiêu hoá, làm khả năng vận động và tiết dịch của dạ dày và ruột giảm, từ đó các chất đạm, khoáng, sinh tố được hấp thụ kém. Từ suy dinh dưỡng sẽ làm giảm quá trình hưng phấn của vỏ não, do đó mất khả năng điều chỉnh các trung khu dưới vỏ não. Mặt khác, để duy trì sự sống, có thể phải tiêu hao năng lượng của bản thân chúng, làm cơ thể ngày càng gầy yếu, sức đề kháng cũng giảm, vật hay mắc bệnh hay quá suy nhược mà chết.

 

III. Bệnh tích

 

Con vật thường da khô, lông xù, đôi khi xuất hiện thuỷ thũng dưới hầu, trước ngực, âm nang. Khi mổ không thấy lớp mỡ dưới da, thịt trắng bệch. Cơ tim nhão, lớp mỡ vành tim bị thoái hoá keo. Phổi teo lại, có từng đám bị xẹp, gan bị teo và nhợt nhạt.

 

IV. Triệu chứng

 

Con vật bị suy dinh dưỡng thường bị chậm lớn, lông xù, niêm mạc nhợt nhạt, bốn chân yếu, đi không vững, thích nằm một chỗ, đôi khi có hiện tượng phù. Thở nhanh và nông, tim đập nhanh, nhu động dạ dày và ruột giảm, khi thức ăn trong ruột tích lại lên men sinh ra ỉa chảy. Thân nhiệt thường thấp.

 

Kiểm tra máu: hàm lượng huyết sắc tố giảm, số lượng hồng cầu và bạch cầu giảm, tỷ lệ lâm ba cầu tăng, trong máu xuất hiện các dạng hồng cầu non.

 

V. Điều trị

 

- Cải thiện chế độ dinh dưỡng cho con mẹ. Con con đẻ ra phải cho bú sữa đầu, giữ cho nhiệt độ chuồng nuôi ấm và sạch, tập cho gia súc non ăn sớm.

 

- Cần bổ sung thêm trong khẩu phần ăn của gia súc non các loại khoáng vi lượng, các loại vitamin (chú trọng vitamin D).

 

 

Bệnh viêm ruột của gia súc non

 

Đây là bệnh kém tiêu hoá của dạ dày và ruột của gia súc non. Thường gặp nhất là bệnh ỉa phân trắng của lợn con và bê nghé. Bệnh được chia làm 2 thể: thể đơn giản mang tính chất viêm cata thông thường và thể nhiễm độc do kế phát các vi trùng có sẵn trong đường ruột gây nên.

 

I. Bệnh nguyên

 

1. Do bản thân gia súc non

 

- Do sự phát dục của bào thai kém

 

- Do những đặc điểm sinh lý bộ máy tiêu hoá của gia súc non như dạ dày và ruột của lợn con trong 3 tuần đầu chưa có khả năng tiết dịch vị, thức ăn trực tiếp kích thích vào niêm mạc mà tiết dịch, trong dịch vị chưa có HCl, hàm lượng và hoạt tính của men pepsin rất ít.

 

- Do hệ thống thần kinh của gia súc non chưa ổn định nên kém thích nghi với sự thay đổi của ngoại cảnh.

 

- Gia súc non trong thời kỳ bú sữa có tốc độ phát triển cơ thể rất nhanh, đòi hỏi phải cung cấp đầy đủ đạm, khoáng và vitamin. Trong khi đó sữa mẹ ngày càng giảm về số lượng và chất lượng, nếu không bổ sung kịp thời, gia súc non dễ bị còi cọc và nhiễm bệnh.

 

2. Do gia súc mẹ

 

- Không được nuôi dưỡng đầy đủ khi mang thai.

 

- Trong thời gian nuôi con không đủ thức ăn hoặc bị bệnh.

 

- Cho ăn nhiều thức ăn khó tiêu.

 

- Gia súc mẹ động dục.

 

3. Do ngoại cảnh

 

- Do vệ sinh kém, gia súc non ít được vận động và tắm nắng.

 

- Do vi trùng xâm nhập.

 

- Do kí sinh trùng.

 

Trong những nguyên nhân kể trên thì yếu tố chăm sóc, nuôi dưỡng đóng vai trò quyết định.

 

II. Cơ chế sinh bệnh

 

Khi bị bệnh, đầu tiên dạ dày giảm tiết dịch vị, nồng độ axit chlohydric giảm, làm giảm khả năng diệt trùng và giảm khả năng tiêu hoá protit. Khi độ kiềm trong đường tiêu hoá tăng cao tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn trong đường ruột phát triển mạnh, làm thối rữa các chất chứa trong đường ruột và sản sinh nhiều chất độc. Những sản phẩm trên kích thích vào niêm mạc ruột làm tăng nhu động, con vật sinh ra ỉa chảy. Khi bệnh kéo dài, con vật bị mất nước (do ỉa chảy) gây nên rối loạn trao đổi chất trong cơ thể như nhiễm độc toan hoặc mất cân bằng các chất điện giải, làm cho bệnh trở nên trầm trọng, gia súc có thể chết.

 

III. Triệu chứng

 

1. Lợn con ỉa phân trắng

 

Lợn con từ 5-25 ngày tuổi dễ mắc bệnh. Trong 1-2 ngày đầu mắc bệnh, lợn con bú và chạy nhảy như thường. Phân táo như hạt đậu xanh, nhạt màu. Sau đó phân lỏng dần, có màu vàng hoặc trắng, có bọt và chất nhày, mùi tanh khắm. Con vật có bú hoặc bỏ bú, lông xù và dựng, da nhăn nheo, nhợt nhạt, đuôi và khoeo dính đầy phân. Vật bị bệnh từ 5-7 ngày, cơ thể quá kiệt sức dẫn đến chết, nếu gia súc qua khỏi thì chậm lớn, còi cọc.

 

2. Bê nghé ỉa cứt trứng

 

Bê nghé thường mắc bệnh này sau khi sinh 10-15 ngày, thậm chí còn sớm hơn. Con vật đi ỉa phân lỏng, mùi chua nhưng vẫn bú và đi lại được. Sau vài ngày con vật biểu hiện rõ triệu chứng toàn thân như sốt 40-41oC, giảm ăn, thích nằm, phân lỏng, có màu hơi xanh, mùi tanh khắm, bụng chướng to, thở nông và nhanh, tim đập nhanh và yếu. Bệnh nặng gia súc có thể bị hôn mê, nhiệt độ hạ dần rồi chết.

 

IV. Điều trị

 

Nguyên tắc chữa sớm và tích cực

 

1. Lợn con ỉa phân trắng

 

- Khi mới phát hiện lợn mắc bệnh cần hạn chế bú mẹ, có điều kiện thị tách riêng lợn bị bệnh để theo dõi và điều trị bệnh. Kiểm tra lại vệ sinh chuồng trại và chế độ chăm sóc, chú ý đến nhiệt độ và ẩm độ của chuồng nuôi.

 

- Dùng kháng sinh cầm ỉa chảy.

 

+ Cho uống sunfaguanidin 0.5-1g/con/ngày.

 

+ Tiêm sunfathyazon 10% vào dưới da 2-5ml/con.

 

+ Uống streptpmycin 20-30 mg/kg, ngày 2 lần, liên tục 2-3 ngày. Khi dùng loại thuốc này điều trị dễ gây còi cọc sau điều trị.

 

+ Kanamycin tiêm bắp 10-15mg/kg. Tiêm liên tục 2 lần/ngày liên tục 3-5 ngày.

 

+ Neomycin cho uống 25-50 mg/kg/ngày – cho uống liên tục 3-4 ngày. Spectam tiêm bắp 25mg/kg – 2 lần/ngày, liên tục 3 ngày.

 

+ Chloramphenicol 10-20mg/kg tiêm dưới da ngày 1 lần, cho uống 50mg/kg/ngày liên tục 2-3 ngày.

 

+ Furazolidon 0.4g/kg hoà vào nước cho uống hoặc tạo thành hỗn dịch sền sệt bôi vào cuống lưỡi.

 

+ Cho uống các chất có tanin để làm se niêm mạc ruột và diệt khuẩn như nước lá ổi, quả hồng xiêm xanh, bột tanin…

 

+ Cho uống canh trùng B.subtilis liều 10ml/con cho lợn 3-15 ngày tuổi; 15ml/con ở lợn 15-3 ngày tuổi.

 

2. Bê nghé ỉa cứt trắng

 

- Cách ly riêng những con bệnh, hạn chế cho bú (thậm chí bắt nhịn bú từ 8-12 giờ), cho uống nước đường pha muối hoặc dung dịch orezol.

 

- Dùng thuốc kháng sinh để chống nhiễm khuẩn đường ruột:

 

Sunfaguanidin 0.1-0.2 g/kg, uống 2-3 lần trong ngày, liên tục 3-5 ngày. Toàn liệu trình không dùng quá 2-24g thuốc.

 

Streptomycin: tiêm bắp liều 10-15mg/kg, ngày 2 lần, liêntục 3-5 ngày. Cho uống 2-3 mg/kg ngày 2 lần, liên tục 2-3 ngày.

 

Kanamycin: tiêm bắp 1ml/15-3 kg, ngày 2 lần, liên tục 3-5 ngày.

 

Furazolidon: cho uống 4g/100kg, ngày 1 lần.

 

KMnO4 1%o: cho uống 500ml/ngày.

 

Biomycin 0.02g/kg cho uống ngày 2lần, liên tục 2-3 ngày.

 

- Để tăng cường trợ sức, trợ lực, tăng cường dùng glucoza 10-20% (pha trong nước muối 9%) kết hợp với cafein tiêm tĩnh mạch: 300-500 ml/con, ngày 1 lần.

 

- Trường hợp bê nghé ỉa phân trắng do giun đũa dùng thuốc tẩy, tinh dầu giun, piperazin, santonin, mebendazon hoặc dùng 5-7 hạt cau và 3-5g diêm sinh đun với nước cho uống.

 

V. Phòng bệnh

 

- Chú ý phòng chống lạnh, ẩm và bẩn cho gia súc non.

 

- Chăm sóc tốt gia súc cái khi mang thai, cho gia súc non tập ăn sớm, chú ý bổ sung vào khẩu phần khoáng vi lượng và vitamin. Với lợn con dùng dextran sắt tiêm để kích thích sinh trưởng và phát triển.

 

 

Bệnh viêm phổi của gia súc non

 

Bệnh viêm phổi của gia súc non thường gặp ở dạng phế quản phế viêm hoặc thuỳ phế viêm.

 

I. Bệnh nguyên

 

1. Bệnh nhân nguyên phát

 

Chủ yếu do nuôi dưỡng và chăm sóc kém, dẫn đến sức đề kháng của gia súc non giảm, vi trùng dễ xâm nhập vào cơ thể gây bệnh.

 

2. Nguyên nhân kế phát

 

- Do kế phát từ các bệnh truyền nhiễm: dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng.

 

- Do kế phát từ bệnh nội khoa: viêm dạ dày, viêm ruột.

 

- Do kế phát từ bệnh ký sinh trùng: giun phổi…

 

II. Cơ chế phát bệnh

 

Cơ thể của gia súc non thích ứng với ngoại cảnh rất kém, nếu điều kiện chăn nuôi và chăm sóc không tốt sẽ làm cho sức đề kháng của cơ thể kém. Khi đó các vi sinh vật gây bệnh từ ngoài không khí vào cơ thể hoặc các vi sinh vật ký sinh sẵn trong đường hô hấp phát triển, gây thành quá trình bệnh lý.

 

Do tác động của vi khuẩn, gia súc non sốt, cơ thể mất nước, mất muối, đồng thời do sốt cao, quá trình phân giải protit trong cơ thể tăng làm độ pH của máu giảm, gia súc dễ bị nhiễm độc toan. Mặt khác các chất phân giải trong cơ thể cùng với các độc tố của vi khuẩn sẽ gây rối loạn tuần hoàn ở phổi gây ra xung huyết phổi và viêm phổi. Khi viêm phổi cơ thể thiếu oxy làm tim đập nhanh và mạnh dẫn tới suy tim. Do sốt làm cơ năng tiết dịch và vận động của ruột giảm làm gia súc kém ăn, bỏ ăn. Trong nước tiểu xuất hiện albumin niệu.

 

Cuối kỳ bệnh, gia súc thường bị bại huyết. Cuối cùng trung khu hô hấp và tuần hoàn bị tê liệt làm gia súc chết.

 

III. Bệnh tích

 

Bệnh tích viêm phổi thuộc thể phế quản phế viêm, thuỳ phế viêm hay hỗn hợp của hai thể. Bệnh thường biểu hiện nhiều ở thuỳ tim, thùy đỉnh và thuỳ đáy của phổi, có khi phổi bị dính vào lồng ngực.

 

Trong nhiều trường hợp gia súc còn bị viêm ruột, các hạch lâm ba sưng và xuất huyết.

 

IV. Triệu chứng

 

Bệnh có hai thể cấp tính và mãn tính.

 

1. Thể cấp tính

 

Gặp ở những gia súc vài tuần tuổi, gia súc sốt cao 41oC, uể oải, thích nằm, ăn giảm, mũi khô, đầu gục sat đất, lông xù và ho. Vật thở gấp, nông, có nước mũi chảy ở hai bên lỗ mũi, nước mũi có thể loãng hay đặc. Khi bị chứng bại huyết thì toàn thân run rẩy, niêm mạc mắt, mũi, miệng lấm tấm xuất huyết. Tim đập nhanh, mạnh, sau yếu dần. Nếu có kế phát viêm ruột, gia súc ỉa phân thối khắm và lẫn chất nhày.

 

Gõ vùng phối thấy xuất hiện vùng âm đục, nghe thấy âm phế quản bệnh lý, tiếng ran, tiếng vò tóc.

 

Kiểm tra X quang thấy vùng phổi đậm ở thùy phổi và thuỳ tim. Kiểm tra máu, số lượng bạch cầu tăng, độ dự trữ kiềm giảm, cuối kỳ bệnh lượng hồng cầu và huyết sắc tố giảm.

 

2. Thể mãn tính

 

Gặp ở gia súc đã lớn. Vật sốt nhẹ, thỉnh thoảng ho; gõ phổi không thấy xuất hiện vùng âm đục, nghe phổi có khi thấy tiếng ran. Gia súc chậm lớn, ngày một gầy dần.

 

V. Tiên lượng

 

Nếu bệnh kéo dài 3-5 ngày không khỏi thì gia súc khó khỏi bệnh, thường bị chết.

 

Bệnh ở thể mãn tính kéo dài hàng tuần, hàng tháng.

 

Nếu viêm phổi chuyển sang dạng bại huyết, kế phát viêm ruột và viêm phổi hoá mủ thì rất khó chữa.

 

VI. Điều trị

 

Cho gia súc ở nơi ấm áp, thoáng khí, tránh lạnh và ẩm.

 

- Dùng kháng sinh để điều trị:

 

+ Penicilin 10.000-15.000 UI/kg/lần.

Tiêm bắp ngày 2 lần, liên tục 3-5 ngày.

 

+ Ampicilin: tiêm bắp 10mg/kg/ngày liên tục 3-5 ngày.

 

+ Phối hợp penicilin với streptomycin

Streptomycin tiêm bắp liều 10-15mg/kg/lần, ngày 2 lần, liên tục trong 3-5 ngày.

 

+ Kanamycin tiêm bắp 10-15 mg/kg/ngày liên tục 3-5 ngày.

 

+ Gentamycin tiêm bắp 10mg/kg/ngày liên tục 3-4 ngày.

 

- Dùng đơn sau để tiêm tĩnh mạch

 

Chlorua natri: 0.9g

Piramydon: 2g

Novocain: 3g

Nước cất: 100ml

 

Dùng 10cc dung dịch trên hoà với kháng sinh (penicilin, streptomycin…) tiêm bắp. Hoặc tiêm tĩnh mạch cho bê, nghé.

 

- Dùng phương pháp protein liệu pháp để tăng cường sức đề kháng của cơ thể: dùng máu tự thân hoặc máu của con vật khác tiêm cho vật bệnh.

 

- Chlorua canxi 10% tiêm tĩnh mạch cho bê nghé 10-20ml/ngày.

 

- Dùng dầu nóng xoa bóp vùng ngực.

 

- Khi gia súc viêm phổi có kế phát viêm ruột, sinh ỉa chảy phải cầm ỉa chảy.

 

- Trợ tim và trợ lực cho gia súc bằng dung dịch glucoza và cafein.

 

In tin    Phản hồi    Lượt truy cập: 2091