Bệnh tai xanh và biện pháp phòng chống
Được đăng : 13-12-2016 13:47:29
Gần 300 chủ trang trại chăn nuôi lợn tại các tỉnh phía Bắc cùng với nhiều nhà quản lý, nhà khoa học vừa quy tụ về tỉnh Bắc Ninh để tham gia diễn đàn Khuyến nông Công nghệ "Bệnh tai xanh và biện pháp phòng chống" do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Sở NN -PTNT Bắc Ninh tổ chức.Về câu hỏi hỏi bệnh liên cầu khẩn với bệnh tai xanh khác nhau điểm gì, TS Tô Long Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y TƯ cho biết, đây là 2 bệnh hoàn toàn khác nhau. Bệnh tai xanh là do virus, còn bệnh liên cầu khuẩn là do vi khuẩn gây nên. Không ai khẳng định rằng lợn bị bệnh tai xanh sẽ mắc bệnh liên cầu khẩn. Tuy nhiên, ở một số mẫu lợn bị bệnh tai xanh thì có phát hiện rất nhiều loại vi khuẩn bội nhiễm. Khi lợn bị bệnh tai xanh thì cũng có thể dễ dàng mắc nhiều bệnh kế phát vì sức đề kháng của con lợn yếu đi. Do vậy, việc chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học là điều tối quan trọng. Phải tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin thông thường cho đàn lợn như: Dịch tả lợn, phó thương hàn, đóng dấu, tụ huyết trùng.Bệnh tai xanh không lây sang ngườiTại diễn đàn, thạc sỹ Nguyễn Văn Long (Cục Thú y) đã có bài trình bày khá chi tiết về một số đặc điểm dịch tễ học của Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRS, còn gọi là bệnh tai xanh). Nguyên nhân của PRRS là do virus thuộc họ Arteriviridae. Hiện nay, dựa trên phân tích cấu trúc gen, người ta đã xác định được 2 nhóm virus là: Virus thuộc dòng Châu Âu và virus thuộc dòng Bắc Mỹ. Những nghiên cứu gần đây ở Trung Quốc cho thấy, virus PRRS tồn tại dưới 2 dạng: cổ điển độc lực thấp và biến thể độc lực cao. Tại Việt Nam, hai đợt dịch vừa qua cho thấy chủng virus..
Gần 300 chủ trang trại chăn nuôi lợn tại các tỉnh phía Bắc cùng với nhiều nhà quản lý, nhà khoa học vừa quy tụ về tỉnh Bắc Ninh để tham gia diễn đàn Khuyến nông Công nghệ "Bệnh tai xanh và biện pháp phòng chống" do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Sở NN -PTNT Bắc Ninh tổ chức.
Về câu hỏi hỏi bệnh liên cầu khẩn với bệnh tai xanh khác nhau điểm gì, TS Tô Long Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y TƯ cho biết, đây là 2 bệnh hoàn toàn khác nhau. Bệnh tai xanh là do virus, còn bệnh liên cầu khuẩn là do vi khuẩn gây nên. Không ai khẳng định rằng lợn bị bệnh tai xanh sẽ mắc bệnh liên cầu khẩn. Tuy nhiên, ở một số mẫu lợn bị bệnh tai xanh thì có phát hiện rất nhiều loại vi khuẩn bội nhiễm. Khi lợn bị bệnh tai xanh thì cũng có thể dễ dàng mắc nhiều bệnh kế phát vì sức đề kháng của con lợn yếu đi. Do vậy, việc chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học là điều tối quan trọng. Phải tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin thông thường cho đàn lợn như: Dịch tả lợn, phó thương hàn, đóng dấu, tụ huyết trùng.
Bệnh tai xanh không lây sang người
Tại diễn đàn, thạc sỹ Nguyễn Văn Long (Cục Thú y) đã có bài trình bày khá chi tiết về một số đặc điểm dịch tễ học của Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRS, còn gọi là bệnh tai xanh). Nguyên nhân của PRRS là do virus thuộc họ Arteriviridae. Hiện nay, dựa trên phân tích cấu trúc gen, người ta đã xác định được 2 nhóm virus là: Virus thuộc dòng Châu Âu và virus thuộc dòng Bắc Mỹ. Những nghiên cứu gần đây ở Trung Quốc cho thấy, virus PRRS tồn tại dưới 2 dạng: cổ điển độc lực thấp và biến thể độc lực cao. Tại Việt Nam, hai đợt dịch vừa qua cho thấy chủng virus mới xuất hiện đã làm ốm và chết nhiều, chết nhanh lợn nhiễm bệnh, đặc biệt là lợn nái và lợn con theo mẹ. Thông thường virus PRRS chỉ gây bệnh cho lợn, không gây bệnh cho người và các động vật khác. Chị Nguyễn Thị Vui (Chủ trang trại lợn tại Từ Sơn, Bắc Ninh) cũng băn khoăn về vấn đề này. TS Trương Văn Dung, Viện trưởng Viện Thú y giải thích thêm: Viện đã làm việc với Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Viện VSDT TƯ, Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho thấy, bệnh tai xanh hoàn toàn không lây sang người. Đối với bệnh Liên cầu khuẩn (Streptocuocus suis) thì cũng có tới 35 phân type nhưng chỉ có type 2 là có khả năng gây bệnh cho người.
Lợn bị bệnh tai xanh thường có đặc trưng như: Lợn nái có chửa thường bị sẩy thai vào giai đoạn cuối hoặc thai chết lưu; lợn ốm sốt cao trên 40- 420C, các phần da mỏng thường bị đỏ lên. Lợn nhiễm bệnh có lúc bị táo bón, lúc lại tiêu chảy. Lợn bị viêm phổi nặng, đặc biệt là ở lợn con cai sữa do đó những biểu hiện về đường hô hấp thường rõ nét. Bệnh tích điển hình nhất thường xuất hiện ở phổi như phổi viêm, tụ huyết, xuất huyết. Hạch Amidan thường sưng, xung huyết hoặc xuất huyết. Thận của tất cả các loại lợn thường có những nốt xuất huyết to hơn đầu đinh ghim do đó thường dễ bị nhầm với bệnh dịch tả lợn...Virus PRRS có trong dịch mũi, nước bọt, phân, nước tiểu của lợn ốm hoặc mang trùng và phát tán ra môi trường. Đặc biệt, tinh dịch của lợn đực giống cũng được xác định là nguồn phát tán mầm bệnh, virus ở tinh dịch có thể lây nhiễm sang cho bào thai. ở lợn mẹ mang trùng, virus có thể lây nhiễm cho bào thai từ giai đoạn giữa thai kỳ trở đi và virus cũng được bài thải qua nước bọt và sữa. Lợn trưởng thành có thể bài thải virus trong vòng 14 ngày trong khi lợn con và lợn mang trùng thì thời gian bài thải virus lên tới 157 ngày. Virus có thể phát tán, lây lan thông qua hình thức trực tiếp như tiếp xúc với lợn ốm, lợn mang trùng, theo gió (có thể đi xa 3 km), phân, nước tiểu, bụi, bọt nước, thụ tinh nhân tạo và có thể do lợn lòi hoặc thậm chí là một số loàn chim hoang dã; hình thức gián tiếp như qua dụng cụ chăn nuôi và dụng cụ bảo hộ lao động nhiễm trùng.
Chưa xác định được dòng virus PRRS tại Việt Nam
Thạc sỹ Nguyễn Văn Long cho biết, hiện nay chúng ta chưa trả lời được câu hỏi: Nguồn gốc của virus gây dịch PRRS ở các tỉnh phía Bắc xuất hiện từ đâu? Đây rõ ràng là một khó khăn trong quá trình phòng chống bệnh, đặc biệt là việc tổ chức tiêm phòng vacxin cho đàn lợn. Do chưa xác định được loại vacxin nào phù hợp cho mỗi địa phương nên việc sử dụng vacxin cần tiếp tục chờ chủ trương của Bộ NN - PTNT. Kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch tại các địa phương vừa qua cho thấy, điều quan trọng nhất là phát hiện sớm, kịp thời báo cáo và xử lý ổ dịch. Khả năng điều trị khỏi hẳn bệnh tai xanh là không thể bởi bệnh do virus gây nên. Về việc điều trị lợn ốm, được thực hiện rất khác nhau tại mỗi địa phương và phụ thuộc vào các yếu tố của bệnh kế phát. Việc tăng cường sức đề kháng bằng các loại vitamin C, khoáng vi lượng và các loại kháng sinh phổ rộng để điều trị nhiễm trùng các bệnh vi trùng kế phát cũng đã được các địa phương sử dụng cho lợn ốm trong giai đoạn đầu của bệnh.
Trả lời câu hỏi của rất nhiều chủ trại lợn về việc sử dựng vacxin PRRS phòng bệnh, thạc sỹ Nguyễn Văn Long cho biết, hiện nay chúng ta có 3 loại vacxin đã được Bộ NN - PTNT cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ chưa đề xuất chương trình quốc gia tiêm phòng bệnh PRRS, đặc biệt là ở các ổ dịch. Ngoài việc chưa xác định được dòng virus PRRS đang lưu hành tại Việt Nam; thì thực tế hiệu quả sử dụng vacxin trong phòng chống dịch chưa thực sự rõ nét ở các nước, kể cả Trung Quốc.
Anh Nguyễn Văn Hội (chủ trại lợn tại Tứ Kỳ, Hải Dương) hỏi về việc có nên dùng lợn đực giống đã nhiễm bệnh tai xanh không? Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y TƯ Nguyễn Văn Cảm cho biết, virus tồn tại rất lâu trong tinh dịch do vậy sẽ lây lan sang con cái và cả đàn lợn con sau khi sinh ra. Do vậy, không nên dùng những con lợn đực giống đã nhiễm bệnh. Lợn đã mang trùng thì bà con nên chuyển hướng sang nuôi thương phẩm, gây con giống mới.
Anh Nguyễn Đình Kiên (chủ trại lợn tại Gia Lộc, Hải Dương) đặt câu hỏi, lợn mắc bệnh tai xanh nhưng sau điều trị lại động dục thì có tiếp tục phối tinh không? PGS TS Phạm Sỹ Lăng khẳng định: Các nhà khoa học đã nghiên cứu cho thấy, chỉ có thể điều trị bệnh kế phát, lợn có miễn dịch nhưng vẫn mang trùng. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm bởi lợn vẫn mang virus trong người trong thời gian từ 140- 180 ngày sau. Những con lợn khác tiếp xúc vẫn bị bệnh. Nếu muốn phối giống tiếp thì con lợn đó phải được lấy mẫu chẩn đoán xem có còn virus không, nếu có thì không nên nuôi tiếp.