Cây chè đắng
Được đăng : 13-12-2016 12:38:38
Có một số loài cây có lá được sao hay phơi khô dùng pha nước uống thay trà-được gọi là chè-đắng. Các loại cây đều thuộc chi Ilex.Ở Paraguay và các nước Nam Mỹ, Hoa Kỳ và các nước châu Âu , người ta dùng loại chè Paraguay (Paraguay Tea) - Ilex paraguariensis St. Hil. làm trà uống vừa làm thuốc kích thích tim, thần kinh, trị đau dạ dày và đái đường… Ở Trung Quốc, người ta sử dụng phổ biến lá của loài Ilex latifolia Thunb. làm chè uống với tên thương mại là chè-đắng "Vạn Thừa" hay chè-đắng Đại Tân (Daxin bitter Tea). Chè này được sản xuất ở thôn Khổ Đinh, xã Long Môn, huyện Đai Tân, tỉnh Quảng tây được quảng cáo là một loại chè lưỡng dụng (vừa làm chè uống, vừa làm thuốc) đã từng là một sản phẩm quý để cống hiến vua, có tác dụng giảm đau, hạn chế khuẩn, chữa động kinh, có tác dụng giảm huyết áp. Trong nhân dân, chè này được uống để an thần , giải nhiệt, chống ra mồ hôi, giải độc, kích thích tiêu hóa, làm tỉnh rượu, lợi tiểu, trợ tim, chữa đi tả, nếu uống thường xuyên sẽ làm tăng tuổi thọ.Ở nước ta, từ những năm 1970, 1971 và sau này vào năm 1996, các nhà thực vật học Việt Nam đã thu thập được mẫu vật của loài Chè-đắng của Việt Nam giống như Khổ đinh trà của Trung Quốc và đã xác định tên là Ilex kudingcha C.J.Tseng thuộc họ Nhựa ruồi hay Bùi - Aquifoliaceae.Vào năm 1999 , dựa vào những tài liệu phân loại mới, các nhà thực vật học đã xác định lại loài Chè đắng ở Việt Nam có tên là Ilex kaushue S.Y.Hu với tên đồng nghĩa là I. kudingcha C.J. Tseng. Chè đắng, ở Cao Bằng thường gọi là Ché khôm cũng được gọi là Khổ đinh trà ở các tỉnh Nam Trung Quốc, hay Khấu thụ ở..
Có một số loài cây có lá được sao hay phơi khô dùng pha nước uống thay trà-được gọi là chè-đắng. Các loại cây đều thuộc chi Ilex.
Ở Paraguay và các nước Nam Mỹ, Hoa Kỳ và các nước châu Âu , người ta dùng loại chè Paraguay (Paraguay Tea) - Ilex paraguariensis St. Hil. làm trà uống vừa làm thuốc kích thích tim, thần kinh, trị đau dạ dày và đái đường… Ở Trung Quốc, người ta sử dụng phổ biến lá của loài Ilex latifolia Thunb. làm chè uống với tên thương mại là chè-đắng "Vạn Thừa" hay chè-đắng Đại Tân (Daxin bitter Tea). Chè này được sản xuất ở thôn Khổ Đinh, xã Long Môn, huyện Đai Tân, tỉnh Quảng tây được quảng cáo là một loại chè lưỡng dụng (vừa làm chè uống, vừa làm thuốc) đã từng là một sản phẩm quý để cống hiến vua, có tác dụng giảm đau, hạn chế khuẩn, chữa động kinh, có tác dụng giảm huyết áp. Trong nhân dân, chè này được uống để an thần , giải nhiệt, chống ra mồ hôi, giải độc, kích thích tiêu hóa, làm tỉnh rượu, lợi tiểu, trợ tim, chữa đi tả, nếu uống thường xuyên sẽ làm tăng tuổi thọ.
Ở nước ta, từ những năm 1970, 1971 và sau này vào năm 1996, các nhà thực vật học Việt Nam đã thu thập được mẫu vật của loài Chè-đắng của Việt Nam giống như Khổ đinh trà của Trung Quốc và đã xác định tên là Ilex kudingcha C.J.Tseng thuộc họ Nhựa ruồi hay Bùi - Aquifoliaceae.
Vào năm 1999 , dựa vào những tài liệu phân loại mới, các nhà thực vật học đã xác định lại loài Chè đắng ở Việt Nam có tên là Ilex kaushue S.Y.Hu với tên đồng nghĩa là I. kudingcha C.J. Tseng. Chè đắng, ở Cao Bằng thường gọi là Ché khôm cũng được gọi là Khổ đinh trà ở các tỉnh Nam Trung Quốc, hay Khấu thụ ở đảo Hải Nam.
Cây gỗ thường xanh cao 6-20m, đường kính 20 - 60cm, có cây cổ thụ cao đến 35m, đường kính thân 120cm; cành thô màu nâu xám, không lông. Lá đơn, mọc so le, dai và mỏng, hình thuôn dài dạng bầu dục hay hình mác ngược, thường dài (11) 12 - 17cm, rộng (4) 5 - 6cm, nhưng những lá ở các chồi non có thể dài tới 27-31cm, và rộng tới 9-13cm, đầu lá có mũi nhọn ngắn hoặc tù, gốc hình nêm, mép lá có răng cưa với răng tù có đầu đen, hai mặt lá không lông, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới màu lục nhạt, gân giữa lõm, gân bên 14-15 đôi nổi rõ cả hai mặt; cuống lá dài 1,5-2cm..
Hoa đơn tính, khác gốc, có khi tạp tính, họp thành cụm hoa ở nách lá. Cụm hoa đực dạng ngù có trục dài cỡ 1cm, thường gồm 20-30 hoa có cuống mảnh, có lông tơ thưa, dài 4-5mm; đài hình đĩa với 4 lá đài; 4 cánh hoa; 4 nhị ngắn hơn hoặc gần bằng cánh hoa. Cụm hoa cái dạng chùm giả gồm 3-9 hoa có cuống thô dài 4 -6mm.
Quả hạch hình cầu, đường kính 1-1,2cm, không lông, khi chín màu đỏ; phân quả 4, hình thuôn, dài cỡ 7mm, mặt lưng rộng cỡ 4mm, có vân và rãnh dạng mạng lưới.
Loài Khổ đinh trà hay Đại diệp đông thanh, Đại diệp trà - Ilex latifolia Thunb. có một số đặc điểm sai khác với loài trên như: lá dai, dày, cành non và cuống hoa hoàn toàn không có lông; phiến lá dài 8-17cm, rộng 4,5-7,5cm, gân bên chỉ rõ ở mặt dưới, không rõ ở mặt trên; cụm hoa dạng tán giả, gần như không cuống; đài của hoa đực hình đấu; nhị dài bằng cánh hoa, hạt hình thuôn, dài 4mm, rộng 3mm, có các vân và hốc dạng khe rãnh không đều nhau, mặt lưng có 3 gờ dọc.
Loài này hiện nay ở nước ta cũng có trồng.
Chè đắng mọc rải rác trong rừng thường xanh cây lá rộng trên núi đá vôi, ở ven suối hoặc trong rừng thưa bên sườn núi, ở độ cao 600- 900m, thuộc nhiều địa phương tỉnh Cao Bằng (Hạ Lang, Quảng Hòa, Thạch An), tỉnh Lào Cai (Sa Pa), tỉnh Hòa Bình (Lạc Thủy), tỉnh Ninh Bình (rừng Cúc Phương). Loài này cũng phân bố ở Trung Quốc (Hồ Bắc, Hồ Nam, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông ra tới đảo Hải Nam).
Cây ra hoa vào tháng 2-4 có quả chín từ tháng 6 đến tháng 8.
Người ta thu hái lá quanh năm. Lá non và búp non sao thành chè uống như lá chè, lá già hái về, loại bỏ cuống thô, phơi khô dùng nấu uống như chè xanh vừa sử dụng làm thuốc. Nước chè đắng trong hơn nước chè xanh; nó có vị đắng ngọt, tính mát. Ở Quảng Tây, Khổ đinh trà được dùng với tác dụng tán phong nhiệt, thanh đầu mục và trừ phiền táo, được ứng dụng trị đau đầu, đau răng, mắt đỏ, tai điếc, tai trong có mủ, sốt nóng khát nước, lỵ, đau họng, bỏng lửa. Liều dùng 3-10g. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Người ta đã dẫn ra một số phương thuốc được tuyển chọn:
1. Cảm nắng sốt cao: Khổ đinh trà 10g. Sắc nước uống.
2. Viêm họng: - Khổ đinh trà 10g, Cát cánh 6g. Sắc nước uống.
- Khổ đinh trà 10g, La hán quả 6g. Sắc nước uống.
3. Lỵ, Viêm dạ dày ruột cấp tính: Khổ đinh trà 10g, Phượng vĩ thảo 30g. Sắc nước uống.
4. Bỏng lửa cháy: Khổ đinh trà không kể liều lượng, nấu nước, để nguội, dùng xoa hoặc tán nhuyễn với dầu trà (dầu sở) dùng bôi ngoài.
5. Đầu váng mắt hoa: Khổ đinh trà 10g, Cam cúc hoa 12g. Sắc nước uống.
Cùng tên: Khổ đinh trà, lá cây Khổ đăng trà hay Đại diệp đông thanh Ilex latifolia Thunb, ở Trung Quốc, người ta cũng sử dụng như trên.
Trong thời gian gần đây, ở nước ta, Chè đắng cũng đã được chế biến thành trà ở dạng sao khô thành búp 1-3 lá nguyên chất cho vào túi nilông 50g, 100g do Sở khoa học công nghệ và môi trường tỉnh Cao Bằng cùng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật phối hợp sản xuất với công dụng: Làm trí óc minh mẫn - Lợi tiểu - Tiêu độc - Giúp tiêu hóa - Tăng sức khỏe - Kéo dài tuổi thọ.
Có một dạng chế phẩm khác dạng trà túi lọc, đóng hợp mỗi hộp 25 gói do Công ty kỹ thuật xanh Camice (7 Trương Hán Siêu, Hà Nội) sản xuất với tên Chè Vua có công dụng: Ổn định huyết áp, Giảm mỡ trong máu, Bổ máu, da dẻ hồng hào, Giã rượu, Giải ngộ độc rượu, Ngủ ngon giấc, Giúp tiêu hóa tốt.
Chè đắng đã được sử dụng lâu đời ở Trung Quốc, nếu uống thường xuyên có tác dụng làm trí óc minh mẫn, lợi tiểu, giúp tiêu hóa, giải khát, giải độc, giữ trọng lượng cơ thể và kéo dài tuổi thọ.
- Cây chè đắng mọc tốt ở các vùng núi đá vôi thuộc nhiều nơi của nước ta. Nó cần được nhân giống và đưa vào trồng trong Chương trình trồng rừng vừa có tác dụng cải tạo vùng núi đá vôi, vừa tạo nguồn nguyên liệu sản xuất loại chè uống có tác dụng trị bệnh, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.