Chế tạo máy xới đất cải tiến 

Được đăng : 13-12-2016 14:57:42
Đến xã Nhơn Mỹ huyện Chợ Mới tỉnh An Giang hỏi anh Đặng Văn Thắng chế tạo máy xới đất thì ai cũng biết và nói: Máy của anh sản xuất “xịn” lắm. Hai Thắng vừa được Bộ Công nghiệp thưởng 50 triệu đồng về sáng kiến cải tiến kỹ thuật để mua máy móc sản xuất máy xới cải tiến phục vụ bà con nông dân.Hai thắng rất sáng dạ, ham học, chịu khó nghiên cứu và có óc sáng tạo. Thuở nhỏ gia đình rất nghèo nên cậu bé Thắng một buổi đến trường, một buổi theo cha cày thuê và suốt lúa mướn để nuôi đàn em nhỏ. Học hết lớp 9, cậu Thắng phải nghỉ học theo cha đi làm thuê ở cánh đồng xa huyện Thoại Sơn, Châu Phú, vùng tứ giác Long Xuyên. Gia đình mua được chiếc máy xới tay để xới đất mướn cho bà con. Trong quá trình xới đất mướn, máy hư bộ phận nào thì cậu Thắng chịu khó suy nghĩ, mài mò tự sửa cho đỡ tốn tiền. Chỗ nào sửa không được, thì Thắng đưa máy đến các tiệm máy. Lúc thợ tháo máy ra sửa, cậu Thắng cố gắng quan sát từng thao tác, từng chi tiết để sau nầy biết cách mà sửa. Mới 17 tuổi cậu Thắng suy nghĩ và xin phép cha..

Đến xã Nhơn Mỹ huyện Chợ Mới tỉnh An Giang hỏi anh Đặng Văn Thắng chế tạo máy xới đất thì ai cũng biết và nói: Máy của anh sản xuất “xịn” lắm. Hai Thắng vừa được Bộ Công nghiệp thưởng 50 triệu đồng về sáng kiến cải tiến kỹ thuật để mua máy móc sản xuất máy xới cải tiến phục vụ bà con nông dân.
Hai thắng rất sáng dạ, ham học, chịu khó nghiên cứu và có óc sáng tạo. Thuở nhỏ gia đình rất nghèo nên cậu bé Thắng một buổi đến trường, một buổi theo cha cày thuê và suốt lúa mướn để nuôi đàn em nhỏ. Học hết lớp 9, cậu Thắng phải nghỉ học theo cha đi làm thuê ở cánh đồng xa huyện Thoại Sơn, Châu Phú, vùng tứ giác Long Xuyên. Gia đình mua được chiếc máy xới tay để xới đất mướn cho bà con. Trong quá trình xới đất mướn, máy hư bộ phận nào thì cậu Thắng chịu khó suy nghĩ, mài mò tự sửa cho đỡ tốn tiền. Chỗ nào sửa không được, thì Thắng đưa máy đến các tiệm máy. Lúc thợ tháo máy ra sửa, cậu Thắng cố gắng quan sát từng thao tác, từng chi tiết để sau nầy biết cách mà sửa. Mới 17 tuổi cậu Thắng suy nghĩ và xin phép cha cho cải tiến chiếc máy xới tay, vừa chạy bộ vừa chậm lại tốn nhiều công sức thành chiếc máy xới ngồi điều khiển, có 4 bánh như máy của Nhật. Cậu Thắng bắt tay vào thực hiện, tận dụng tất cả sắt phế liệu, bánh xe máy cày cũ, cắt, nối, ráp. Tổng chi phí cho chiếc máy xới cải tiến 15 triệu đồng. Lúc nầy máy xới đất ngồi lái trên thị trường giá 45 triệu đồng. Thắng tiếp tục nghiên cứu thay đổi bánh sắt bằng bánh hơi, rút ngắn giàn ben lại cho trọng lượng máy nhẹ hơn, để máy xới được chỗ lầy, đồng sâu, vùng trũng, di chuyển được những vùng lầy mà máy cùng loại ngoại nhập không xuống được. Chiếc máy có công suất xới từ 4 đến 5ha/ngày, tăng gấp 2 lần chiếc máy xới tay đi bộ điều khiển trước đây. Cải tiến này đã đoạt giải 3 tại Hội thi kỹ thuật sáng tạo tỉnh An Giang năm 2005, được Bộ Khoa học công nghệ tặng Bằng khen về sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong Hội thi công nghệ và thiết bị toàn quốc năm 2005, được Sở Khoa học công nghệ An Giang và Cục Sở hữu trí tuệ công nhận quyền sáng chế.
Hiện nay, xưởng của Hai Thắng mỗi tuần xuất xưởng từ 1 đến 2 máy. Đến mùa vụ, trên khắp các cánh đồng Thoại Sơn, Châu Phú, Chợ Mới, Đồng Tháp… đều có mặt chiếc máy xới đất cải tiến thương hiệu Hai Thắng. Chiếc máy xới được bảo hành một mùa vụ cho khách hàng và có ưu điểm nữa là khi hư, có phụ tùng thay thế, dễ tìm trên thị trường và giá thấp (cao nhất 300.000đồng). Còn máy nhập, khi hư tìm phụ tùng mua khó và giá rất cao (từ 7 đến 9 triệu đồng).
Trước đây cậu Thắng theo cha đi suốt lúa mướn cho ông Út Chiềng (chủ máy) ở xã Tây Phú huyện Thoại Sơn. Chứng kiến cảnh công nhân dùng thúng hứng lúa, hạt lúa văng nhiều, hao hụt cao và phải 4 người thực hiện. Lúc mùa vụ khẩn trương, khâu hứng lúa đổ vào bao làm không xuể. Hai Thắng suy nghĩ và có ý tưởng chế thêm cái gàu dài gắn từ chỗ ra lúa của máy suốt. Công nhân chỉ cần đưa miệng bao vô gàu hứng lúa, không bị lúa văng vào mặt. Cậu Thắng xin chủ máy cho cậu thử nghiệm. Nghe cậu Thắng trình bày có lý, Út Chiềng đồng ý. Cha Thắng cho Thắng 25.000 đồng mua vài ký sắt vụn. Thắng lân la làm quen với các tiệm hàn chì trong xóm, để tranh thủ lúc thợ không hàn thì xin hàn ké, trả tiền que chì. Hơn 2 tháng mới xong cái gàu. Thắng đưa máy ra ruộng vận hành thử. Tiếp tục nghiên cứu, cải tiến lần 2, lần 3 và đến lần thứ 4 thì máy chạy êm, lúa suốt ra, rót gọn vô bao (vụ Đông Xuân 1991 – 1992 ). Cải tiến này hạn chế hao hụt trong công đoạn suốt lúa và tăng công suất từ 3ha/ngày lên 4ha/ngày, chỉ cần 2 người thay phiên nhau đưa miệng bao vào gàu hứng lúa. Thế là một chiếc, hai chiếc rồi hàng trăm chiếc máy suốt lúa có gắn gàu nối dài ra đời. Chỉ một năm sau, khắp cánh đồng ở An Giang hầu như các máy suốt lúa đều từ sáng kiến của Hai Thắng.