03/11/2016
Chính thức công bố lộ trình tăng lương mới: Không phải chờ truy lĩnh

So với 2 đợt tăng lương trước, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành các thông tư hướng dẫn nhanh hơn rất nhiều. Tại cuộc họp báo này, đã có 7/9 thông tư hướng dẫn 2 Nghị định trên được công bố. Ông Lê Duy Đồng- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, việc sớm ban hành các thông tư này sẽ đảm bảo cho  tiến độ tăng lương được thực hiện đúng thời điểm: 1-10-2006; không có chuyện người lao động sẽ phải chờ truy lĩnh như mấy lần trước

Lương của người nghỉ hưu tăng thấp

Nghị định 94 (về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc) khá "đồ sộ" và phức tạp bởi, theo một chuyên gia trong lĩnh vực lương: "Nghị định này liên quan và điều chỉnh lại rất nhiều chính sách về lương đã ban hành trong quá khứ (ít nhất là 10 nghị quyết, nghị định, quyết định...)". Theo nghị định này, các cán bộ, công nhân viên chức, quân nhân, công an về hưu có mức tăng lương từ 4 - 10% trên mức lương hưu hiện tại đang hưởng. Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu theo Nghị định 121/2003/ND-CP và nghỉ trước năm 1981 được tăng 10% mức lương hưu, trợ cấp đang hưởng. Như vậy, với đợt tăng này- theo tính toán của Vụ Tiền lương- tiền công (Bộ LĐ-TB&XH), cán bộ nghỉ hưu có mức tăng bình quân từ 33,74 - 41,46%. Tuy nhiên, mức tăng này là so với mức lương họ nhận tính từ khi bắt đầu nghỉ hưu. Vì vậy, tổng lương thực nhận của người nghỉ hưu tăng thấp. Chẳng hạn như các cán bộ xã nghỉ hưu trước năm 1981, sau khi tăng lương cũng chỉ đạt từ 499.000-562.100 đồng/tháng

Ông Phạm Minh Huân - Vụ trưởng Vụ tiền lương - Tiền công (Bộ LĐ-TB&XH)  cho biết: Việc điều chỉnh lương hưu bảo đảm mối tương quan hợp lý về lương giữa những người nghỉ hưu trước và sau tháng 10-2004, giải quyết chênh lệch về lương hưu giữa người nghỉ hưu trước tháng 10-2006 và người nghỉ hưu từ tháng 10-2006 trở đi.

Năm 2007 sẽ tiếp tục tăng lương tối thiểu

Trả lời câu hỏi vì sao VN chưa áp  dụng một mức lương tối thiểu chung cho các loại hình doanh nghiệp như ở một số nước, ông Lê Duy Đồng lý giải: thứ nhất, cả nước hiện có 200.000 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài quốc doanh chiếm rất lớn. Nếu  đưa mức lương tối thiểu lên cao quá, khả năng của doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không chịu nổi. Thứ 2: Việt Nam đang chuyển sang kinh tế thị trường, năng suất, chất lượng và đầu tư của các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Năm 2003, theo thống kê, vốn đầu tư cho một lao động của doanh nghiệp FDI là 243 triệu đồng/lao động, của doanh nghiệp nhà nước là 150 triệu/lao động, còn doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ 47 triệu đồng/lao động. "Rõ ràng đầu tư lớn thì trả lương khác nhau. Mặt bằng lương khác nhau nên lương tối thiểu chưa thể một lúc nâng cao" - ông Đồng nói.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc thống nhất lương tối thiểu giữa các thành phần kinh tế sẽ là việc phải thực hiện.  Đồng ý với ý kiến này, ông Đồng cho biết, hiện nay Bộ LĐ-TB&XH đang làm đề án về lộ trình hợp nhất lương tối thiểu và trong quý 4 này Chính phủ sẽ cho ý kiến lần đầu tiên. Vào năm 2007 tiếp tục có một đợt tăng lương tối thiểu mới. Đến năm 2010 tất cả các loại hình doanh nghiệp sẽ có một mức lương tối thiểu chung. Ông Đồng bày tỏ: "Các nước, chẳng hạn như Hàn Quốc, dựa trên cơ sở tăng trưởng kinh tế và trượt giá,  hằng năm có tăng lương tối thiểu. Các doanh nghiệp vì vậy rất ổn định, chứ không như ta 2-3 năm tăng lương tối thiểu giật cục 28,6%. Tăng nhiều gây tác động về giá, doanh nghiệp không chủ động".

In tin    Phản hồi    Lượt truy cập: 3952