Ý tưởng từ những lần bị bệnh
Nhà anh Lê Đức Xuân nằm ở xã Vinh Xuân, huyện Phú Văng, ngay bên phá Tam Giang. Người nông dân 47 tuổi ấy có đôi mắt sáng, tầm trán rộng thông minh, nói năng chuẩn mực đến từng từ, từng câu, rất khiêm tốn nhưng cũng đầy cá tính. Ít ai biết rằng anh Lê Đức Xuân có trình độ học vấn rất thấp, mới học hết lớp 7. Bố mất sớm nên anh phải nghỉ học ở nhà giúp mẹ. Khi cả làng lao vào nuôi tôm xuất khẩu, anh cũng không đứng ngoài cuộc. Thế rồi những mùa dịch bệnh liên tiếp xảy ra, cảnh tôm chết trắng hồ luôn ám ảnh người nông dân nghèo.
Mời bác sĩ, kỹ sư về kiểm tra ao tôm họ cũng chỉ bảo tôm bị bệnh chứ cũng không có thông tin gì thêm. Mua thuốc ngoài thị trường về chữa cho tôm thì không có kết quả.
Thương bà con nông dân, thương cho thân phận nghèo rớt mồng tơi của mình, anh ngồi tiếc thầm, giá như anh được đi học đàng hoàng, trở thành kỹ sư nông nghiệp như lời trăn trối của cha thì bây giờ đã có tri thức giúp bà con.
Sau nhiều trăn trở, anh Xuân quyết chí làm điều gì đó giúp bà con. Từ một nông dân chân đất, anh quyết định mò mẫm đến với con đường khoa học. Theo anh Xuân, trong các bệnh của tôm thì bệnh đốm trắng là bệnh khó chữa nhất và hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị. "Không với tay được những vấn đề cao siêu của khoa học hiện đại thì ít ra mình cũng có thể tìm những bài thuốc, kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian đem áp dụng chữa bệnh cho tôm. Thế rồi sau nhiều năm tìm tòi, bài thuốc được tôi chọn thí nghiệm là tỏi", anh Lê Đức Xuân nhớ lại.
Cơ sở để anh Lê Đức Xuân chọn tỏi làm thuốc chữa bệnh cho tôm cũng rất nông dân. "Trước đó nhiều lần đi rừng bị ốm, sốt, tôi đều dùng củ tỏi chữa lành bệnh nên tôi nghĩ có thể dùng tỏi chữa bệnh cho tôm. Nhất định khi ăn tỏi vào sức đề kháng trong cơ thể tôm sẽ tăng lên, lúc đó tránh được dịch bệnh", anh Xuân nói.
Hiệu quả ngoài mong đợi
Anh Xuân kể, kho khăn nhất là giai đoạn anh quyết định đem bài thuốc thí nghiệm trên ao tôm vì nếu không may tôm chết sạch thì cả nhà chỉ còn nước phải đi ở đợ (ngôi nhà đang ở anh đã cầm cho ngân hàng để lấy tiền nuôi tôm). Tuy nhiên, anh nghĩ làm khoa học phải dám hy sinh. Anh động viên vợ con mình chuẩn bị tinh thần chịu đựng nếu thử nghiệm của anh không thành công.
Đầu tiên anh dùng 100gr tỏi giã nhỏ trộn với dầu thực vật (chất bôi trơn) rồi đem nấu chín, sau đó trộn vào thức ăn cho tôm. Mỗi ngày một lần anh ra ao tôm đang bị bệnh, khoanh ra một diện tích nhỏ để thí nghiệm. Sau vài ngày anh thấy số tôm được thí nghiệm lành bệnh, khỏe mạnh trở lại.
Mùa tôm sau, từ 100gr anh Xuân nâng lên 1 kg tỏi và 1 lít dầu thực vật. Số thức ăn này anh cho 3 vạn tôm (trên diện tích 5ha hồ nuôi), ăn trong vòng 5 ngày. Tính ra mỗi sào nuôi tôm chỉ mất 10.000 đồng, rẻ hơn rất nhiều so với thức ăn và thuốc chữa bệnh dịch tôm bán ngoài thị trường. Anh Xuân cho biết, nên trộn tỏi vào thức ăn cho tôm ăn một lần vào buổi tối vì đây là thời gian tôm ăn mạnh nhất. Sau 5 ngày, tôm đang bệnh dần dần chuyển sang khỏe mạnh và chóng lớn. Cách 5 đến 10 ngày sau, cho tôm ăn thêm 1 chu kỳ 5 ngày thuốc tỏi nữa để củng cố kháng thể trong cơ thể cho tôm.
Sau nhiều lần thí nghiệm thành công, từ tháng 1-2005, anh Xuân đem thực nghiệm đại trà trên ao tôm nhà mình, kết quả thật khả quan. Liên tiếp trong hai mùa tôm của năm 2005, trong khi ao của ngưòi khác tôm bị dịch bệnh chết sạch, riêng 5ha tôm của anh không có con nào chết vì dịch bệnh.
Tin anh Xuân tìm ra bài thuốc chữa bệnh tôm lan nhanh. Người nuôi tôm khắp nơi tìm về học hỏi. Anh Xuân xuề xòa: "Tôi không giấu diếm gì bà con, ai tới tôi đều tận tình chỉ bảo". Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, kỹ sư thủy sản - Giám đốc Trung tâm khuyến nông - Khuyến ngư, Sở Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng đây là một thông tin hấp dẫn, ý tưởng của anh Xuân rất đáng khích lệ. Vấn đề còn lại là các nhà khoa học nên nghiên cứu sâu hơn về phát hiện độc đáo này làm sáng tỏ thêm cơ sở khoa học của vấn đề.
Không chỉ nông dân Thừa Thiên - Huế đến ao tôm anh Xuân xin học bài thuốc chữa bệnh này, một số người trong và ngoài nước đã đặt vấn đề với anh Xuân để mua bản quyền sản xuất thuốc chữa bệnh cho tôm từ tỏi.