Đến xã Hiệp Hoà, hỏi thăm nhà anh Sinh, bà con ai cũng bảo: “ở đây chúng tôi gọi anh ấy là Sinh VAC...”. Hoá ra, bà con không “nói quá”, bởi có đến thăm trang trại “hoành tráng” của anh Sinh, mới thấm được anh đã đổ biết bao mồ hôi, sức lực cho mảnh đất “khó” này.
Dồn đổi được 3.000m2 đất, anh Sinh bố trí xây dựng mô hình trang trại rất khoa học: 10.000m2 mặt nước thả nuôi ba ba thịt, cá trắm, chép; một ao chuyên nuôi cá giống. Quanh bờ, anh trồng rau và các loại cây ăn quả như: vải, xoài, chuối, đu đủ... Riêng diện tích đất màu mỡ anh dùng trồng lúa. Mùa nào thức ấy, anh có thu hoạch quanh năm nhờ vườn cây, ao cá của gia đình.
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, anh Sinh không giấu được niềm tự hào vì đã cải tạo thành công mảnh đất cằn cỗi. Anh kể: “Trước đây, gia đình tôi chỉ có mấy sào ruộng, hai vợ chồng đầu tắt mặt tối quanh năm mà vẫn nghèo. Nhiều người “nản”, bỏ xứ đi nơi khác làm ăn nhưng cũng chẳng khá giả hơn. Tôi quyết tâm trụ lại nơi này nhưng hiểu rằng mình phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Vợ chồng tôi mạnh dạn đề nghị chính quyền và HTX cho nhận thầu mảnh đất hoang cằn cỗi, không canh tác được để đắp đầm nuôi cá. Bốn năm đầu liên tiếp thất bại vì thiếu vốn, không có kiến thức, kinh nghiệm thực tế. Tiếc của, tiếc công nên tôi quyết không bỏ cuộc...”.
Được vay vốn ưu đãi của địa phương và tự rút kinh nghiệm từ thực tiễn, vợ chồng anh Sinh bắt đầu “vào guồng”. Những ngày chị ở nhà nuôi cá, cắt cỏ, anh tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, rồi tham quan các mô hình tiêu biểu ở trong và ngoài tỉnh. Người có công, Trời không phụ, dần dà, anh chị đã có những bước tiến đầu tiên.
Từ năm 2002, gia đình anh Sinh thu lãi ròng 150 triệu đồng /năm. Trong đó, thu từ cá và ba ba 100 triệu đồng; tôm 30 triệu đồng; cây ăn quả, rau màu 5 triệu đồng. Gia đình anh còn hỗ trợ 5 hộ khó khăn trên 30 triệu đồng không tính lãi. Ngoài ra, anh còn cung cấp nguồn tôm, cá giống sạch bệnh, hướng dẫn bà con cách làm ăn. Hiện, trang trại của anh tạo việc làm cho 15 lao động với mức lương 1, 5 triệu đồng/người /tháng.
Người dân xã Hiệp Hoà quý mến anh không chỉ bởi ý chí vượt khó vươn lên mà còn bởi anh là đảng viên gương mẫu, luôn tích cực tham gia công tác xã hội, từ thiện ở địa phương. Mấy năm nay, ngoài việc tư, anh còn “kiêm” thêm việc công: Phó chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hiệp Hoà. “Trọng trách” nặng hơn, nhưng anh Sinh không xem đó là gánh nặng, anh bảo: “Mình phải luôn tìm tòi và học hỏi để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Kỹ thuật là khâu then chốt để tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng và giá trị cao. Với cách làm này, nông dân sẽ tiến gần hơn với quá trình hội nhập của đất nước”.