Hiệu quả từ mô hình sản xuất mạ khay 

Được đăng : 13-12-2016 16:26:19
Đến xóm 4, xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, hỏi thăm ông Nguyễn Mạnh Hồng sản xuất mạ khay thì ai cũng biết bởi lẽ từ ba bốn năm nay mỗi năm ông đã cung ứng trên dưới 100.000 khay mạ cho các hộ nông dân không chỉ trên địa bàn xã nhà mà mở rộng ra nhiều xã khác trong huyện Triệu Sơn và huyện Quảng Xương...Vốn là kỹ sư nông nghiệp, khi được về nghỉ chế độ hưu trí ở quê hương, thấu hiểu được sự vất vả nhọc nhằn của người nông dân trong khâu gieo mạ, đặc biệt trong vụ đông xuân có nhiều rủi ro bởi thời tiết khắc nghiệt, ông đã quyết tâm nghiên cứu sản xuất mạ khay. Với lòng nhiệt tình cùng với kinh nghiệm qua nhiều chuyến đi học tập, tập huấn ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, ông Hồng áp dụng những kiến thức đã học được vào sản xuất mạ khay cho phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam. Sau nhiều vụ thử nghiệm, mô hình sản xuất mạ khay theo quy trình khép kín từ khâu chọn giống, xử lý nảy mầm, tỷ lệ phân, đất, tạo môi trường... của ông đã thành công không những đem lại lợi ích về kinh tế cho gia đình mà còn giúp cho người nông dân giải..

Đến xóm 4, xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, hỏi thăm ông Nguyễn Mạnh Hồng sản xuất mạ khay thì ai cũng biết bởi lẽ từ ba bốn năm nay mỗi năm ông đã cung ứng trên dưới 100.000 khay mạ cho các hộ nông dân không chỉ trên địa bàn xã nhà mà mở rộng ra nhiều xã khác trong huyện Triệu Sơn và huyện Quảng Xương...
Vốn là kỹ sư nông nghiệp, khi được về nghỉ chế độ hưu trí ở quê hương, thấu hiểu được sự vất vả nhọc nhằn của người nông dân trong khâu gieo mạ, đặc biệt trong vụ đông xuân có nhiều rủi ro bởi thời tiết khắc nghiệt, ông đã quyết tâm nghiên cứu sản xuất mạ khay. Với lòng nhiệt tình cùng với kinh nghiệm qua nhiều chuyến đi học tập, tập huấn ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, ông Hồng áp dụng những kiến thức đã học được vào sản xuất mạ khay cho phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam. Sau nhiều vụ thử nghiệm, mô hình sản xuất mạ khay theo quy trình khép kín từ khâu chọn giống, xử lý nảy mầm, tỷ lệ phân, đất, tạo môi trường... của ông đã thành công không những đem lại lợi ích về kinh tế cho gia đình mà còn giúp cho người nông dân giải phóng sức lao động, giảm bớt được rủi ro.
Việc sản xuất mạ khay theo quy trình khép kín, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất của nông dân, đồng thời mạ khay còn sử dụng tốt không những cho cấy tay mà còn cho cấy máy trong tương lai. Ngay sau khi được ngành nông nghiệp Thanh Hoá kiểm nghiệm, đánh giá cao, ông Hồng đã quyết định mở rộng sản xuất mạ khay quy mô hàng hoá và đã nhanh chóng được nông dân chấp nhận vì hiệu quả cao.
Ông Hồng cho biết, để có được một khay mạ chất lượng, thì khâu chọn giống phải được đặc biệt quan tâm. Theo ông phải lựa chọn giống F1, nguyên chủng thì mới có những khay mạ đạt chất lượng. Giống lúa phải nhập từ những Trung tâm cung ứng lúa giống của nhà nước, có uy tín và chất lượng và giống cũng phải phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, đất đai trong vùng gieo cấy. Có giống tốt rồi phải thực hiện nghiêm các quy trình trước khi gieo như xử lý làm sạch, diệt khuẩn bằng nước muối... Khay gieo mạ phải là khay nhựa có kích thước 30 cm x 60 cm, có chứa đất và chất làm tơi xốp. Qua thời gian ủ hạt hoá mầm 48 giờ, các khay mạ được chuyến đặt vào giá ở trong khu nhà kín có độ ẩm 100% trong môi trường nhiệt độ từ 25 đến 32 độ C. Nếu thời tiết thuận lợi, xử lý đúng quy trình thì từ 8 đến 12 ngày là đưa mạ xuống đồng cấy. Với ưu thế hơn hẳn so với phương thức gieo mạ truyền thống, mạ khay chủ động khắc phục được ảnh hưởng do thời tiết, điều kiện chăm sóc tốt, rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa, phòng trừ sâu bệnh tốt. Đặc biệt sử dụng mạ khay đã giảm một nửa chi phí sản xuất cho nông dân và năng suất tăng từ 10% đến 20%. Thêm vào đó việc vận chuyển mạ khay cũng gọn và dễ dàng. Sử dụng mạ gieo luống trước đây thường bình quân phải 3 xe thồ mạ và vài công xúc mạ mới đủ cấy được 1 sào, nay chỉ cần 5 đến 7 khay mạ đã cấy được 1 sào. Việc sử dụng mạ khay rất thuận tiện cho nông dân trong việc chăm sóc và cây lúa được đảm bảo sinh trưởng tốt. Ông Lê Đăng Nhung, Chủ tịch UBND xã Hợp Lý cho biết, trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, trong khi các xã tỷ lệ lúa bị chết chiếm trên 50% diện ở xã Hợp Lý, nhờ sử dụng mạ khay, diện tích lúa cấy chết chỉ chiếm khoảng 20%.
Hiện nay, ngoài cơ sở sản xuất mạ khay tại xã Hợp Lý, gia đình ông Nguyễn Mạnh Hồng đã mở rộng sản xuất mạ khay ra 2 cơ sở khác tại các xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn và xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương. Mỗi vụ các cơ sở này cung ứng trên 100.000 khay mạ cho các hộ nông dân và còn tạo việc làm cho 20 lao động với mức lương từ 1 đến 1,5 triệu đồng/người/tháng. Là người đầu tiên thực hiện quy trình sản xuất mạ khay khép kín trong cả nước và đạt được thành quả đáng khích lệ, ông Nguyễn Mạnh Hồng đang được trường Đại học Nông nghiệp 1 khuyến khích thành lập Hiệp hội sản xuất mạ khay Việt Nam và đề nghị ông làm chủ tịch Hội./.