1. Phối hợp tổ chức học tập nâng cao trình độ văn hóa, chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; khả năng tiếp thu khoa học công nghệ, khả năng quản lý kinh tế… cho cán bộ, hội viên, nông dân
Qua mười năm thực hiện Nghị quyết, Trung ương Hội đã mở hàng trăm lớp trực tiếp đào tạo hoặc gửi đi đào tạo ở các nơi khác để nâng cao trình độ văn hóa, chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tiếp thu khoa học công nghệ, quản lý kinh tế… cho cán bộ, hội viên, nông dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp nông thôn và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã phối hợp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội cho cán bộ từ chi hội trưởng trở lên. Thành lập và duy trì hoạt động tốt các Câu lạc bộ (CLB) “Khoa học kỹ thuật nhà nông”. Tập huấn hàng chục vạn lớp về khai thác và sử dụng mạng Internet cho nông dân; phát huy tốt máy vi tính nối mạng Internet cho các CLB. Giai đoạn 2011-2015, đã tổ chức hàng ngàn lớp tập huấn công nghệ thông tin cho các chi hội trưởng nông dân các thôn làm điểm xây dựng nông thôn mới, Ban chủ nhiệm các CLB về kỹ năng điều hành hoạt động CLB, kiến thức khoa học công nghệ mới, kỹ năng truy cập thông tin trên mạng…. Đặc biệt có hàng triệu hộ nông dân đã chủ động mua máy vi tính và kết nối mạng internet để chủ động khai thác các thông tin, kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thành công. Hoạt động của các CLB đã góp phần đưa KH&CN vào nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và vận động hội viên nông dân trong cả nước tích cực ứng dụng các tiến bộ KHKT và công nghệ để nâng cao hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điển hình các tỉnh đã thực hiện có hiệu quả như: Bắc Giang, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa,....
2. Đẩy mạnh công tác ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ cho nông dân
Công tác ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ cho nông dân đã được các cấp Hội tập trung đưa nhanh các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất (cây, con giống, vật tư, thú ý, thức ăn chăn nuôi …), kinh doanh, dịch vụ cải thiện đời sống; tập trung xây dựng các dự án, mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, công nghệ thông tin… Phát triển dịch vụ nông thôn, làng nghề, ngành nghề truyền thống, bảo vệ môi trường, hình thành những làng nghề mới để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm tại chỗ cho nông dân, tạo ra nhiều hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao,...
Thực hiện chỉ đạo trực tiếp của Thường trực, Ban Thường vụ Trung ương Hội, các Ban, đơn vị hàng năm tập trung tham mưu và chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với các Bộ ngành để tranh thủ các nguồn vốn tập trung xây dựng các dự án, các mô hình ứng dụng KHCN trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, môi trường, chăm sóc sức khỏe đời sống cho nông dân...; điển hình như các Ban: Ban Xã hội, Dân số - Gia đình,;Ban Tuyên huấn; Ban Dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh; Trung tâm Môi trường nông thôn; Trung tâm Hỗ trợ nông dân nông thôn; Văn phòng phát triển bền vững.
Mười năm qua, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố và Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác vận động, hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ thu hút hội viên, nông dân tích cực tham gia ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Bằng phương pháp lồng ghép tổ chức các hội nghị, các lớp tập huấn, các lớp dạy nghề, hội thảo “đầu bờ”, các cuộc sinh hoạt chi, tổ Hội, câu lạc bộ nông dân, các điểm trình diễn kỹ thuật để phổ biến, cung cấp các thông tin, kiến thức về khoa và công nghệ, các mô hình, điển hình tiên tiến, kinh nghiệm sản xuất cho nông dân. Phối hợp các ngành mở các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, tin học, truy cập mạng cho nông dân. Đến cuối năm 2015, đã tổ chức 300.325 lớp tập huấn ứng dụng khoa học vào sản xuất, có 15.016 triệu lượt người tham gia; tổ chức 54.125 cuộc hội thảo khoa học đánh giá kết quả triển khai và ứng dụng khoa học cho khu vực nông nghiệp nông thôn; xây dựng và chuyển giao thành công 480 mô hình khoa học công nghệ cho nông dân; tập huấn 3.900 lớp kinh tế tập thể với 12.707 lượt người tham gia, đồng thời xây dựng 14.640 mô hình kinh tế tập thể; tập huấn 270.000 lớp hướng dẫn nông dân truy cập và sử dụng mạng Internet phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội với 16,2 triệu lượt người tham gia. Đặc biệt, năm 2015 tổ chức tập huấn cho 10 tỉnh về sử dụng chế phẩm AT vi sinh xử lý trực tiếp rơm rạ trên đồng ruộng được 1572 ha, tạo ra được 1.965.600 kg phân hữu cơ vi sinh; đồng thời hướng dẫn cho nông dân phối trộn chế phẩm AT vi sinh với chất thải chăn nuôi, phế phụ phẩm trong ngành chế biến nông sản để trở thành phân bón hữu cơ vi sinh bón cho đồng ruộng, góp phần quan trọng vào việc làm giảm giá thành trong sản xuất nâng cao chất lượng nông sản và giảm ô nhiễm môi trường sản xuất cũng như môi trường sống ở cộng đồng dân cư. Với sự trợ giúp và tư vấn trực tiếp của đại diện hãng BiOWiSH (Hoa kỳ), Văn phòng Trung ương Hội đã phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH Enzyma tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn cũng như các cuộc Hội thảo trao đổi kinh nghiệm cho hơn 500 đại biểu, đối tượng là đại diện lãnh đạo và cán bộ Hội Nông dân 38 tỉnh, thành phố, đại diện các trang trại và các hộ tham gia xây dựng mô hình. Có thể khẳng định sản phẩm của BiOWiSH dẫn đầu về công nghệ trên thị trường hiện nay. Đây là hướng đi không mới so với thế giới, nhưng với sự đầu tư bài bản, có kế hoạch cụ thể, đảm bảo nguyên tắc và các tiêu chí của hệ thống Hội đã góp phần vào sự thành công của các mô hình thử nghiệm, từ đó đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Hội Nông dân trong hệ thống chính trị và phong trào nông dân. Các mô hình thử nghiệm đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương, hội viên, nông dân đánh giá cao.
Phối hợp với Bộ Y tế triển khai thực hiện các dự án mang lại hiệu quả cao như dự án phòng chống lao, dự án an toàn vệ sinh trong lao động, dự án an toàn phòng chống cháy nổ. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng hàng ngàn mô hình giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chống biến đổi khí hậu,...
Giai đoạn 2006 - 2015, Trung ương Hội đã phối hợp với các cấp Hội tổ chức được 05 Cuộc thi Nhà nông Sáng tạo (từ lần thứ II đến lần thứ VI). Các giải pháp sáng tạo của nông dân rất phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và có tính ứng dụng rất cao. Kết quả 5 cuộc thi ở cấp Trung ương đã lựa chọn và trao giải cho 64 giải pháp sáng tạo xuất sắc nhất bao gồm: 05 giải nhất, 05 giải nhì, 10 giải ba và 44 giải khuyến khích.
Thực hiện Chương trình Nông thôn miền núi, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phân công một đồng chí Phó Chủ tịch tham gia Ban chỉ đạo Quốc gia. Chương trình Nông thôn miền núi tính đến cuối năm 2015 cả Trung ương và 63 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ các địa phương triển khai và thực hiện 322 dự án; trong đó có 103 dự án trồng trọt, 51 dự án chăn nuôi, 46 dự án thủy sản, 56 dự án công nghệ sinh học, 14 dự án bảo quản, 28 dự án nước sạch, xử lý môi trường và tiết kiệm năng lượng, chế biến dự án.... với tổng kinh phí là 1.739 triệu đồng, trong đó được hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ trung ương là 663,190 triệu đồng. Chương trình đã chuyển giao được 2.384 quy trình công nghệ, xây dựng được 1.048 mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ tiên tiến phù hợp vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản tại các địa bàn nông thôn, miền núi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước, từng bước hình thành thị trường công nghệ và dịch vụ ở nông thôn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
3. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học
Để góp phần thực hiện Nghị quyết, hàng năm, Hội đồng Khoa học cơ quan Trung ương Hội căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và kết hợp với những đề xuất của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố, tổ chức Hội đăng ký các nhiệm vụ khoa học và công nghệ và thành lập Hội đồng xét duyệt, lựa chọn đăng ký. Bình quân hàng năm triển khai được 2 Đề tài cấp Bộ và từ 1 đến 2 Dự án khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất, điển hình là: Dự án nuôi cá lồng lòng hồ thủy điện Hòa Bình; Dự án nuôi lợn rừng lai tại Sơn Động - Bắc Giang; Dự án trồng cây Ba kích dưới tán cây lâm nghiệp tại Bắc Giang; Dự án nuôi gà an toàn sinh học tại Sơn La; Dự án nuôi lợn bản địa tại Tuyên Quang,... Các Đề tài được ứng dụng đó là: Đề tài Nghiên cứu các giải pháp tổ chức nông dân sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VIETGAP; Đề tài Nghiên cứu các giải pháp để ứng dụng công nghệ thông tin cho nông dân; Đề tài về vị thế và vai trò của giai cấp nông dân Việt Nam làm cơ sở để xây dựng Đề án về Hội Nông dân Việt Nam chủ trì thực hiện và tham gia thực hiện các đề án, dự án....; Đề tài Nghiên cứu đề xuất nội dung, giải pháp xây dựng mẫu người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn phục vụ cho công tác xây dựng Đề án Mẫu người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Các tỉnh, thành Hội luôn chủ động, tích cực phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng các đề tài, dự án để triển khai; tham gia các Hội đồng khoa học đánh giá kết quả nghiệm thu các đề tài, dự án. Các cấp Hội đã chủ động phối hợp với ngành khoa học; Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư; Trạm Bảo vệ thực vật, Chi cục thú ý, Chi cục bảo vệ môi trường,... ứng dụng, lai tạo thành công nhiều loại giống cây, con phục vụ cho nông dân áp dụng vào thực tế, xây dựng các mô hình ứng dụng kết quả nghiên cứu của các bộ, ngành để tuyên truyền nhân rộng.
4. Gắn công tác khoa học và công nghệ với các phong trào thi đua và công tác Hội.
Các hoạt động khoa học và công nghệ được các cấp Hội gắn liền với 3 phong trào thi đua lớn của Hội như phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới; phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiến tiến, mạnh dạn đi đầu trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và tạo việc làm cho nông dân.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trong quá trình thực hiện luôn đi liền với áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Từ khi ban hành Nghị quyết thì việc gắn kết, áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh là việc làm không thể thiếu, đòi hỏi nông dân phải suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi và động não để cải tiến, sáng chế những công cụ, thiết bị mới để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao./.