Kinh nghiệm cho cây ra trái nghịch mùa
Được đăng : 13-12-2016 16:26:17
Ông Lê Văn Mừng (Sáu Mừng) ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang có tới 1,2ha vườn cây ăn trái. Sau nhiều năm chuyên canh, ông Sáu Mừng đã có kinh nghiệm xử lý điều khiển cho một số cây trong vườn như vú sữa, cam sành, ra trái sớm, bán được giá cao.Cây vú sữaTheo ông Sáu Mừng, trong điều kiện bình thường cây vú sữa thường cho thu hoạch trái bán vào nửa cuối tháng Chạp âm lịch cho đến hết tháng Giêng. Đây là thời điểm chính vụ nên giá vú sữa rất rẻ, chỉ khoảng 12.000đồng/chục (4.000đồng/kg).Trong khi đó, theo kinh nghiệm của ông Mừng, vào khoảng cuối tháng giêng âm lịch, sau khi thu hoạch hết đợt trái cuối cùng, ông tiến hành bón phân, tưới nước cho cây. Phân bón gồm một bao urê trộn đều với một bao phân NPK 20-20-0, một bao..
Ông Lê Văn Mừng (Sáu Mừng) ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang có tới 1,2ha vườn cây ăn trái. Sau nhiều năm chuyên canh, ông Sáu Mừng đã có kinh nghiệm xử lý điều khiển cho một số cây trong vườn như vú sữa, cam sành, ra trái sớm, bán được giá cao.
Cây vú sữa
Theo ông Sáu Mừng, trong điều kiện bình thường cây vú sữa thường cho thu hoạch trái bán vào nửa cuối tháng Chạp âm lịch cho đến hết tháng Giêng. Đây là thời điểm chính vụ nên giá vú sữa rất rẻ, chỉ khoảng 12.000đồng/chục (4.000đồng/kg).
Trong khi đó, theo kinh nghiệm của ông Mừng, vào khoảng cuối tháng giêng âm lịch, sau khi thu hoạch hết đợt trái cuối cùng, ông tiến hành bón phân, tưới nước cho cây. Phân bón gồm một bao urê trộn đều với một bao phân NPK 20-20-0, một bao phân bón Đầu trâu AT1, số phân này rải đều cho toàn bộ diện tích 4.000m2 vườn vú sữa, rải phân xong, tưới nước cho phân tan và ngấm dần xuống đất. Sau đó, tưới nước liên tục trong vòng ba tuần liền, cứ 4 ngày một lần bơm nước ngập hết mương, hết liếp cây, rồi để cho nước tự rút cạn. Sau khi bón phân tưới nước khoảng ba tuần, cây vú sữa đâm tược mới, sau đó ra hoa. Khi cây bắt đầu ra tược mới, bón tiếp phân lần hai với số lượng và chủng loại phân như lần đầu. Khi trái lớn cỡ ngón chân cái, bón cho 1.000 m2 khoảng 10kg phân NPK 16-16-8. Khi trái lớn cỡ nắm tay, bón 10kg phân Cancium Nitrat để phòng ngừa thối trái, sút cuống trái. Theo ông Mừng, tưới nước phải tưới theo kiểu nong nước cây mới ra hoa đồng loạt, nếu tưới theo kiểu tưới thẳng lên bề mặt vườn, chỉ đủ cho nước ngấm xuống đất, cây sẽ ra hoa ít, không đều.
Làm theo kinh nghiệm này, chỉ khoảng rằm tháng tư cây sẽ nở hoa và sẽ cho thu hoạch trái vào khoảng rằm tháng 10 âm lịch. Lúc này không có vú sữa, giá bán rất cao, khoảng 60.000đồng/chục (20.000đồng/kg), gấp 4 - 5 lần chính vụ.
Cây cam sành
Trong điều kiện tự nhiên ở vùng Vĩnh Kim, cam sành thường ra hoa rộ vào khoảng tháng 9 âm lịch. Vì chính vụ nên giá cũng rất rẻ, khoảng 4.000đồng/kg. Ông Sáu Mừng tìm cách điều khiển để cây cam cho thu hoạch trái vào khoảng tháng 3 âm lịch.
Vào khoảng tháng 5 âm lịch (cây còn một ít trái), ông ngưng tưới nước trong nửa tháng, rồi tiến hành bón phân với số lượng: một bao urê trộn đều với một bao NPK phân Con cò xanh 20-20-0, một bao phân bón Đầu trâu AT1, một bao phân hữu cơ Green field 555 loại 50kg/bao. Số phân này rải đều cho toàn bộ mảnh vườn (khoảng 18.000 cây), rồi tưới nước cho phân tan và ngấm dần xuống đất. Sau bón phân, tưới nước khoảng 10 ngày cây bật tược non và ra hoa. Sau khi ra hoa, cứ khoảng một tháng rưỡi lại bón phân bổ sung cho cây một lần với lượng khoảng một bao NPK loại 20-20-15. Thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho đất.
Với cách làm này, vào khoảng tháng 3 âm lịch cây sẽ cho trái bán với giá khoảng 12.000 - 13.000 đồng/kg, gấp đôi lúc chính vụ.