03/11/2016
Kinh nghiệm trị bệnh ngộ độc thức ăn thực vật ở trâu - bò
Căn cứ vào thành phần hoá học của các thực vật độc, người ta sắp xếp chúng thành các nhóm chính sau:
Nhóm thực vật chứa các ancoloit độc; Nhóm thực vật chứa glucoxit độc; Nhóm thực vật chứa các anbumin độc và nhóm thực vật chứa các dầu béo độc.
Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi xin giới thiệu một số cây thường gặp gây ngộ độc cho gia súc.
1. Ngộ độc khoai tây:
Trong khoai tây có nhiều solanin là một glucoancaloit. Khi thuỷ phân cho đường solenoza và một ancaloit loại steroit là solanidin.
Bình thường trong củ khoai tây có chứa 0,005% solanin. Khi khoai có mầu hoặc củ ngả mầu xanh, lúc đó hàm lượng solanin lên đến 0,1%. Trong thân cây, cành, lá cũng có một hàm lượng solanin từ 0,01-0,05%. Khi phơi khô, ủ xanh hoặc nấu chín, hàm lượng solanin không hề giảm.
Khi gia súc ăn vào cơ thể. Solanin phân huỷ thành solanidin, gây kích thích các tế bào ở niêm mạc dạ dày, ruột, gây dung huyết và tác động hệ thần kinh trung khu như kiểu tác dụng của Atropin.
Biểu hiện ngộ độc: Chảy rãi, nôn, ỉa chảy. Ở loài nhai lại, chướng hơi dạ cỏ. Hoàng đản, rối loạn hô hấp, co dật, nhiệt độ tăng cao, rối loạn nhận biết, buồn ngủ, sau đó tê liệt và chết.
Mổ khám thấy: Viêm dạ dày, ruột, các nội tạng tụ huyết nặng, thuỷ thũng não, phổi có dịch thẩm xuất, xuất huyết dưới niêm mạc, nước tiểu trong bàng quang lẫn máu.
Điều trị: Dùng a.xit tanic 1 phần + 2 phần than hoạt tính cho uống, thải trừ chất độc bằng thuốc tẩy MgSO4. Tiêm thuốc trấn tĩnh Alalgin, truyền đường glucoza, dung dịch caxium Ion hoá...
2. Ngộ độc các glucosid cường tim (ngộ độc Xyanua)
Nhiều loại cây, gồm cả cây cảnh có chứa glucosid sinh ra xyanic độc với hệ tim mạch như: lá sắn, bồ kết, quả găng, trúc đào, mận, mơ, thông thiên, cây dương địa hoàng, cây quần anh... Tuy nhiên ở Việt Nam nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc xyanua là do gia súc ăn phải lá sắn và vỏ củ sắn.
Triệu chứng: Đau bụng cấp tính, nôn, ỉa chảy có máu, mạch chậm không đều và co giật. Đôi khi gia súc ngộ độc chỉ thấy chết. Tất cả gia súc đều mẫn cảm với xyanua, kể cả người.
Điều trị: Không có điều trị đặc hiệu. Nếu gia súc còn sống có thể: cho uống thuốc gây nôn, than hoạt tính, thuốc tẩy MgSO4. Trong thực tế việc điều trị không có ý nghĩa.
3. Ngộ độc cỏ sữa:
Cỏ sữa có 2 loại: Cỏ sữa nhỏ lá và cỏ sữa lớn lá. Là cỏ mọc hoang dã, phát triển mạnh vào mùa xuân và mùa hè. Chất độc của cỏ sữa là a.xit Euforbic, Suponin và một hoạt chất gần như kiểu Steroid.
Trong cỏ khô các chất trên vẫn tồn tại. Chúng gây biến đổi bệnh lý ở niêm mạc, thải trừ qua sữa và nếu hàm lượng cao, làm sữa có mầu trắng hồng và vị cay.
Động vật máu lạnh mẫn cảm nhất là cá. Khi bị ngộ độc, niêm mạc đường tiêu hoá bị viêm, đái, ỉa ra máu, co dật và suy sụp tim mạch.
Mổ khám: dạ dày, ruột viêm, xuất huyết.
Điều trị: điều trị triệu chứng là chủ yếu.
4. Ngộ độc cỏ nghể:
Trong cỏ nghể chứa chất độc Cumarin với một hàm lượng khá cao từ 0,01-1%. Bản thân Cumarin đã là chất có hại cho sức khoẻ động vật. Thường sau khi thu hoạch các loại cỏ, có lẫn cỏ nghể trong đó. Cỏ được đem ủ xanh, phơi, sấy hoặc đánh đống dự trữ... Do tác dụng lên men của các nấm mốc, Cumarin biến đổi thành Metylen-Bis-Oxicumarrin độc hơn rất nhiều. Gia súc ngộ độc chủ yếu do thành phần này gây ra.
Bò mẫn cảm nhất với chất độc này, các gia súc ăn cỏ khác cũng mẫn cảm nhưng ít hơn. Bò sau khi ăn từ 8-14 ngày sẽ xuất hiệu các triệu chứng ngộ độc.
Do tác dụng của Metylen-Bis-Oxicumarrin, các phần phía dưới của cơ thể như: vùng hầu, ứ... có xuất huyết nặng. Nhiều trường hợp xuất huyết ở các lỗ tự nhiên. Trong xoang bụng, ngực có xuất huyết. Các triệu chứng và cơ chế ngộ độc tương tự ngộ độc thuốc diệt chuột nhóm dẫn xuất Cumarin.
Điều trị: Thay đổi thức ăn, dùng Vitamin K, C liều cao, dung dịch Canxi điện giải.