03/11/2016
Kỹ thuật sản xuất hạt giống đậu tương rau AGS346
Thời vụ: Vụ xuân gieo tháng 2, vụ đông gieo từ 25/8 đến 20/9.
Làm đất: Chọn đất màu mỡ, có độ pH từ 6,0-6,5, chủ động tưới tiêu. Cày bừa kỹ cho đất tơi nhỏ, nhặt sạch cỏ dại. Lên luống cao 20-25cm, rộng 1,5-2m, rãnh rộng 30cm, mặt luống hình mui luyện để dễ thoát nước.
Lượng phân bón: Lượng phân bón tính cho 1 sào Bắc bộ (360m2) gồm: 360-432kg phân chuồng hoai mục + 10kg vôi bột + 17kg supe lân + 4kg phân kali (KCl) + 5kg phân đạm.
Cách trồng: Xử lý đất trừ kiến bằng thuốc Furadan hoặc Basudin với lượng 1kg/sào. hai loại thuốc này còn có tác dụng hạn chế sự phá hại của sâu xám lúc cây còn nhỏ. Rắc đều toàn bộ lượng vôi bột trên mặt luống. Rạch hàng cách nhau 40-45cm, sâu 10cm rồi bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân (có thể bón 50% lượng đạm và kali đối với vụ đông vì vụ đông thường bị hạn thời kỳ cây 2-3 lá). Bón xong lấp lên trên một lớp đất rồi gieo hạt và cuối cùng lấp kín hạt. Chú ý: Nếu đất khô thì tưới đất ẩm trước khi gieo hạt cho hạt dễ nẩy mầm và mọc đều. Hạt gieo với khoảng cách: Vụ xuân 45 x 20cm, vụ đông 40 x 17cm (khoảng 18-20 cây/m2).
Chăm sóc: Sau khi gieo 15- 20 ngày khi cây có 2-3 lá thật thì tiến hành xới xáo, làm cỏ và bón thúc lần đầu bằng 1/2 lượng đạm và kali. Bón thúc lần 2 kết hợp vun gốc cao, tưới nước khi cây chớm ra hoa với lượng phân đạm và kali còn lại. Với vụ xuân nên bổ sung thêm lượng kali, phân bón lá hoặc tro bếp nhằm tăng cường khả năng tích luỹ dinh dưỡng vào hạt, chất lượng hạt giống sẽ tốt hơn.
Tưới nước: Thường xuyên đảm bảo đủ độ ẩm cho đậu sinh trưởng, phát triển tốt trong suốt quá trình từ khi gieo cho tới khi quả chín với tần suất tưới 1-2 lần/tuần. cách tưới tốt nhất là dẫn nước vào 2/3 chiều cao luống trong 2-3 giờ cho nước ngấm dần vào mặt luống rồi tháo cạn nước sau đó.
Phòng trừ sâu bệnh: Phun phòng các loại sâu (sâu xám, sâu xanh, sâu khoang, sâu cuốn lá, rệp...) định kỳ 7 -10 ngày/lần bằng các loại thuốc: Dipterex, Sherpa, Trebon, Selecron, Fastac, Padan... Đối với các loại bệnh sương mai phun thuốc: Zineb, Mancozed, Ridomil, Aliette, Til super...; Bệnh lở cổ rễ dùng Benlate hoặc validacin tưới hoặc phun; Bệnh gỉ sắt dùng Baycor để phun. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và phòng trị kịp thời các đối lượng sâu bệnh hại đồng thời làm tốt các khâu kỹ thuật canh tác (bón phân cân đối, kịp thời, làm sạch cỏ, xới xáo thường xuyên để giảm độ ẩm đất, khơi mương thoát nước tốt tránh để úng ngập) nhằm hạn chế tối đa bệnh chết cây, thối rễ của nấm bệnh.
Thu hoạch: Với vụ xuân, khi thấy khoảng 75-80% số quả trên cây chín có màu vàng đậm và thâm đen thì cắt cả cây đem về phơi khô và đập ngay, tránh đánh ủ thành đống sẽ làm giảm chất lượng, hạn chế độ nẩy mầm của hạt giống. Với giống trồng vụ đông có thể để chín hoàn toàn rồi thu hoạch cũng được. Chú ý thu vào những ngày nắng ráo. Hạt phơi dưới nắng nhẹ, đảo đều thường xuyên cho đến khô đạt độ thuỷ phần 11-12%, cắn hạt thấy giòn là được. Hạt giống được đóng bao 3 lớp: Lớp trong cùng bằng túi giấy xi măng, lớp giữa bằng PE và lớp ngoài cùng bằng bao xác dứa) với khối lượng 10-20kg/bao. Bảo quản hạt giống trong kho thoáng mát với nhiệt độ từ 15- 20 độ C, độ ẩm 50%, tốt nhất là bảo quản trong kho lạnh, đặc biệt với hạt giống được sản xuất trong vụ xuân.