03/11/2016
Kỹ thuật ủ chua củ sắn làm thức ăn cho gia súc
1. Nguyên tắc ủ chua:
Đảm bảo hoàn toàn yếm khí: Ủ chua củ sắn tươi là phương pháp ủ chua yếm khí. Do đó đảm bảo yếm khí là điều kiện tiên quyết của ủ chua, giảm lượng không khí trong bao ủ tới mức tối đa và không khí từ bên ngoài không thể vào trong bao được, nếu không thì thức ăn ủ sẽ bị thối, mốc. Vì vậy nên ủ thức ăn trong bao nilon hai lớp hoặc bể, thùng kín.
Sử dụng một số phụ gia (bột men) có hàm lượng vật chất khô và đạm cao để ủ vì củ sắn tươi có hàm lượng nước lớn, hàm lượng đạm lại thấp mà không thể phơi héo được: Có thể sử dụng một số nguyên liệu như : Dây lá khoai lang, ngọn lá lạc tươi, bột lá sắn , cám gạo, bột phân gà khô và muối ăn làm phụ gia để ủ chua củ sắn tươi.
Các phụ gia này đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm tỷ lệ nước của thức ăn ủ, cung cấp cơ chất cho vi sinh vật lên men phát triển nhanh, đồng thời cung cấp tinh bột và đường để chuyển hoá thành axit (axit axêtic và axit lactic). Vì thế giá trị PH có thể giảm nhanh và sớm ổn định. Chất lượng của thức ăn ủ chua được đảm bảo và ổn định lâu dài.
2. Thứ tự các bước ủ chua củ sắn tươi như sau:
Nghiền hoặc thái lát củ sắn: Nghiền hoặc thái lát, băm củ sắn càng nhỏ càng tốt. Loaị bỏ phần củ bị thối. Nên tiến hành ủ ngay sau khi băm, nghiền càng sớm càng tốt.
Cân nguyên liệu: Cân củ sắn đã băm, nghiền và các phụ gia tuỳ theo phụ gia sẵn có ở địa phương theo 1 trong 3 công thức sau:
Công thức 1: 55 hoặc 70 hoặc 85kg củ sắn tươi nghiền nhỏ + 45 hoặc 30 hoặc 15kg dây lá khoai lang tươi băm nhỏ (không phải phơi héo)+0,5kg muối ăn.
Công thức 2: 55 hoặc 70 hoặc 85kg củ sắn tươi nghiền nhỏ+45 hoặc 30 hoặc 15kg ngọn lá lạc tươi băm nhỏ (không phải phơi héo)+0,5kg muối ăn
Công thức 3: 90kg củ sắn tươi nghiền nhỏ+20kg (cám gạo hoặc bột lá sắn khô hoặc bột phân gà khô nghiền nhỏ)+0,5kg muối ăn.
Trộn và ủ: Nguyên liệu sau khi đã cân được đổ vào đống và trộn đều với nhau bằng tay hay bằng xẻng. Để đảm bảo lượng muối ít được trộn đều trong thức ăn ủ thì trước hết phải trộn đều muối với các phụ gia (cám gạo, phân gà, bột lá sắn,... ) sau đó mới trộn đều với củ sắn tươi đã nghiền, băm nhỏ.
Có thể cho thức ăn vào chum, vại, bể hoặc túi nilon để ủ. Nhưng tốt hơn cả là ủ trong hai lớp bao (trong là 1 bao nilon lành lồng vào bao dứa), như vậy tiện cho ăn hơn và đảm bảo kín không khí trong quá trình cho ăn. Nên cho hỗn hợp thức ăn ủ này vào bao theo từng lớp, sau mỗi lớp dày độ 15-20 cm thì dùng hai bàn tay ép lại, nén mạnh cho không khí ra khỏi khối thức ăn ủ. Chú ý nén mạnh, càng chặt càng tốt và tránh không làm rách bao, đảm bảo điều kiện yếm khí và nước sắn không rò rỉ ra ngoài. Ngay sau khi kết thúc công việc này phải buộc kín ngay bao ủ. Nhớ là phải làm cho không khí ra hết khỏi bao trước khi buộc miệng bao.
Cất giữ các bao thức ăn ủ: Những bao chứa thức ăn ủ chua cần được giữ, bảo quản ở nơi khô ráo, mát và cần tránh chuột, bọ, gián cắn thủng bao, không khí có thể xâm nhập vào bao làm mốc, thối thức ăn.
Chú ý: Trong 1-2 ngày đầu sau khi ủ phải kiểm tra lại các bao ủ. Nếu thấy bao nào bị căng phình do có không khí bên trong thì phải mở để xả hết không khí ra và buộc kín lại miệng bao. Đây là không khí phát sinh ra do kết quả của quá trình hô hấp trong củ sắn tươi vẫn chưa được ngừng hẳn trong 1-2 ngày đầu.
3. Sử dụng củ sắn ủ chua làm thức ăn cho gia súc:
Nếu ủ củ sắn với bột lá sắn hoặc cám gạo và muối thì sau ủ 14 ngày có thể cho gia súc ăn được. Nếu ủ củ sắn với bột phân gà và muối thì sau ủ 30 ngày mới cho gia súc ăn được.
Nếu ủ củ sắn với lá khoai lang, lá lạc tươi thì sau khi ủ 20 ngày mới cho ăn được.
Củ sắn ủ chua có thể bảo quản được trong thời gian 6-7 tháng (ít nhất 4 tháng), chất lượng vẫn tốt. Chú ý không nấu chín thức ăn ủ chua vì sẽ mất vitamin và các chất dinh dưỡng khác. Lợn nái, lợn thịt (trên 50 kg) ăn 2-3 kg/ngày. Lợn choai (20-30 kg) ăn 1-2 kg/ngày. Trâu bò đang cày kéo và vỗ béo: 5-7 kg/ngày và ăn thêm cỏ xanh, rơm. Trâu, bò ăn trong mùa đông: 2-3 kg/ngày, ăn thêm rơm, chăn thả. Khi trâu, bò được ăn thêm thức ăn ủ chua chúng sẽ béo khoẻ, lớn nhanh, cày kéo tốt.