03/11/2016
Kỹ thuật ương nòng nọc và trị bệnh cho ếch

Chuẩn bị ao: Ao phải tẩy vôi trừ tạp và bón lót phân hữu cơ để gây sinh vật phù du làm thức ăn cho nòng nọc.

Tẩy ao: Dùng 10-20 kg vôi sống/100 m2 ao.

Bón lót: Dùng 20-30 kg phân chuồng/100 m2 ao.

Mật độ ương: 1000-3000 con/m2.

Bắt đầu ấp trứng phải chuẩn bị ao ương ngay, khi nước ao có màu xanh hơi nâu là lúc đưa nòng nọc xuống ao đã có thức ăn sẵn.

2. Chăm sóc quản lý

Mười ngày đầu cho nòng nọc ăn thức ăn hỗn hợp gồm bột ngô, cám nấu chín để nguội trộn với lòng đỏ, lòng trắng trứng sống. Ngoài ra cho ăn thêm giun dỏ, cá hay ốc xay nhuyễn. Trung bình 1 kg thức ăn dùng cho 1 vạn nòng nọc. Ngày cho ăn 2 lần vào sáng và chiều.
Thức ăn để trong sàn ăn đặt dưới mặt nước, gần bờ để dễ quan sát.

Sau hai tuần lễ thấy nòng nọc hoạt động mạnh nhao đầu lên thở là lúc mang thoái hóa dần, thay thế bằng phổi.

Khi thấy nòng nọc xuất hiện hai chân sau, rồi đến hai chân trước, lúc này cần thả bèo ở dọc ao cho nòng nọc bám.

Thời gian này giảm lượng thức ăn đi 50% vì nòng nọc biến thái thành ếch con sẽ sử dụng chất dinh dưỡng ở đuôi cho đến khi đuôi tiêu biến đi.

Từ lúc nòng nọc thành ếch con phải mất 18-22 ngày.

Sự biến thái nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào nhiệt độ, chất lượng thức ăn.

Tùy theo sức lớn của nòng nọc mà tăng mức nước ở ao dần dần từ 10 cm đến 50 cm. Khi trời nắng cần mái che cho ao. Tỉ lệ thức ăn có protein không dưới 40%, chất béo dưới 5%. 5-10 ngày thay nước một lần.

Số lượng thức ăn khoảng 2,5-8% trọng lượng ếch nuôi.

PHÒNG TRỊ BỆNH CHO ẾCH

1. Phòng bệnh

Nguyên nhân gây bệnh thường là nước bẩn, ếch ốm yếu bị bệnh ngoài da sau đó bị nhiễm trùng, ếch bị chướng bụng, da tái đi không chịu ăn và chết.
Cách phòng tốt nhất là:

Luôn giữ nước sạch, con ếch nào bị chết loại bỏ ngay.
Không khuấy động làm ếch giật mình căng thẳng.
Cho ăn thức ăn sạch không có vi trùng gây bệnh.
Nước không có các hóa chất hay thuốc trừ sâu, diệt cỏ.
Nước ao không bị chua, thối, đục.
Có bóng mát che nắng, che mưa. Chú ý không để chim, chuột quấy phá, ăn thịt ếch.
Vệ sinh ao nuôi trước lúc thả cũng như sau mỗi đợt thu hoạch phải tẩy vôi, phơi nắng đáy ao.

2. Chữa một số bệnh thường gặp

2.1. Bệnh chướng hơi

Thường thấy ở nòng nọc, bụng trương to và ngửa bụng lên mặt nước, bệnh này do nước thối bẩn thức ăn thiu thối. Nên phải thay nước, đảm bảo vệ sinh cho ăn.

2.2. Bệnh đường ruột

Khi bị bệnh ếch thường ỉa phân trắng và phân sống. Khi bị bệnh kiết, hậu môn ếch bị đỏ, bóp hậu môn có máu chảy ra.

Chữa bằng cách dùng ganidan giã nhỏ trộn với thức ăn với liều lượng 1 viên ganidan cho vào lượng thức ăn của 1000-3000 con, cho ăn liên tục 3-4 ngày.

2.3. Bệnh đốm đỏ ở đùi

Thường thấy ở ếch giống.

Bệnh gây bởi vi khuẩn Aeromonas hydrophyla. Khi phát hiện bệnh trước hết phải thay nước, nếu không có hiệu quả thì dùng thuốc sunphát đồng phun xuống ao với liều lượng 1,5 g/m3. Bệnh này có thể lây lan sang ao khác.

2.4. Bệnh trùng bánh xe

Ký sinh ở da nòng nọc, khi trời nóng, gió đông, thường phát hiện bệnh này. Khi có trùng ký sinh, da ếch tiết ra nhiều dịch nhờn, tạo nên những điểm màu trắng bạc.

Cách trị: Dùng Sunphat đồng (CuSO4) liều lượng 2-3 g/m3 nước, phun toàn ao. Hoặc tắm cho ếch với liều lượng 5-7 g CuSO4/m3 nước trong vòng 10-15 phút, hay tắm trong nước muối 2-3% trong 5-15 phút.

Chú ý: Khi tắm nòng nọc, đánh bắt nhẹ nhàng không bị xây sát, pha thuốc chính xác. Khi nhiệt độ thấp tắm nhiều thời gian hơn. Nếu nặng phải tắm 2-3 ngày nòng nọc mới khỏi bệnh.

2.5. Diệt chuột

Trước khi thả ếch phải đánh bả ở gần ngoài khu nuôi ếch. Diệt kiến bằng cách phun thuốc Dipterex.

Đề phòng không cho nước có chất dầu hỏa, chất nicotin ở thuốc lá, nước xà phòng sẽ làm ếch ngạt thở, nổ mắt, trúng độc chết.

Ngoài ra có thể thả ghép thêm một ít con ễnh ương vì tiếng kêu của con này làm yên trí thần kinh của ếch, hơn nữa nước tiểu của ễnh ương có thể trị bệnh ngoài da cho ếch.

In tin    Phản hồi    Lượt truy cập: 3111