Lúa lai “made in Vietnam” được bán với giá 10 tỷ đồng
Được đăng : 13-12-2016 16:26:19
Với hợp đồng chuyển nhượng bản quyền giống lúa TH3 -3 trị giá 10 tỷ đồng vừa được ký kết đầu tháng 6 này, lần đầu tiên trong lịch ngành nông nghiệp Việt Nam, một giống lúa hai dòng 100% "made in VN" được chuyển nhượng với giá trị cao như vậy.Tiến sĩ Nguyễn Thị Trâm, “cha đẻ” của giống lúa này và là người ký hợp đồng chuyển nhượng TH3-3 cho Công ty TNHH Cường Tân (Nam Định) trước đó cũng đã chuyển nhượng giống lai hai dòng TH3-4 cho Công ty Giống cây trồng Trung ương với giá 700 triệu đồng.Theo bà Trâm, TH3-3 đã được thực tế chứng minh năng suất và chất lượng, được nông dân Việt Nam tin tưởng. Từ chỗ chỉ có khoảng 3-4ha năm..
Với hợp đồng chuyển nhượng bản quyền giống lúa TH3 -3 trị giá 10 tỷ đồng vừa được ký kết đầu tháng 6 này, lần đầu tiên trong lịch ngành nông nghiệp Việt Nam, một giống lúa hai dòng 100% "made in VN" được chuyển nhượng với giá trị cao như vậy.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Trâm, “cha đẻ” của giống lúa này và là người ký hợp đồng chuyển nhượng TH3-3 cho Công ty TNHH Cường Tân (Nam Định) trước đó cũng đã chuyển nhượng giống lai hai dòng TH3-4 cho Công ty Giống cây trồng Trung ương với giá 700 triệu đồng.
Theo bà Trâm, TH3-3 đã được thực tế chứng minh năng suất và chất lượng, được nông dân Việt Nam tin tưởng. Từ chỗ chỉ có khoảng 3-4ha năm 2003, đến năm 2008, diện tích giống lúa này đã tăng lên khoảng 30.000ha và đang trong tình trạng cung không đủ cầu.
Tuy năng suất không cao bằng những giống lúa lai 3 dòng nhập từ Trung Quốc nhưng TH3-3 phù hợp với túi tiền của người nông dân vì được sản xuất hoàn toàn trong nước, lại có nhiều ưu điểm như thời gian sinh trưởng ngắn, thân cây cứng và không cao nên ít bị đổ do gió bão. Giống lúa này cũng thích hợp với nhiều vùng khí hậu khác nhau, chất lượng gạo thơm ngon và kháng được nhiều loại bệnh. Lúa TH3-3 có thể đạt năng suất 7 – 8 tấn/ha, cao hơn mức trung bình 6,5 tấn của vụ đông xuân năm 2008 ở miền Bắc.
Hiện nay, có hàng chục tổ hợp giống lúa lai được sử dụng tại Việt Nam nhưng rất ít trong số chúng được sản xuất hoàn toàn trong nước, chủ yếu được nhập khẩu. Bởi vậy, việc chuyển giao thành công công nghệ sản xuất hạt lai F1 của tổ hơp lai Việt Nam TH3-3, TH 3-4 đã mở ra thêm một triển vọng mới trong việc chủ động và đảm bảo chất lượng nguồn giống lúa trong nước.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định thành công của Tiến sĩ Trâm trong việc tìm ra giống lúa lai hai dòng và chuyển nhượng với giá cao đã tạo ra sự đột phá khích lệ ngành khoa học nông nghiệp Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực giống.
Ông cũng cho biết Bộ đã có kế hoạch mở rộng diện tích giống lúa lai này trong thời gian tới, trước mắt là hỗ trợ 6 triệu đồng/ha cho việc nhân nhanh giống lúa để cung ứng cho nông dân.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Trâm nguyên là Phó viện trưởng Viện Sinh học Nông nghiệp, Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội và là nhà khoa học nữ từng đoạt Giải thưởng Kôvalepxkaia năm 2000, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005, cũng là người đã lai tạo thành công nhiều giống lúa mới của Việt Nam.