1. Miễn thuế môn bài, thuế tài nguyên và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với hoạt động đánh bắt hải sản, sản xuất muối chưa qua chế biến
1.1. Đối tượng và phạm vi miễn thuế
a. Đối tượng
- Doanh nghiệp thuộc các loại hình được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
- HTX được thành lập và đăng ký theo Luật HTX.
- Cá nhân, hộ gia đình, xã viên nhận nhiệm vụ do HTX giao nộp thuế môn bài riêng theo Thông tư số 96/2002/TT-BTC ngày 24-10-2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 75/2002/NĐ-CP ngày 30-8-2002 của Chính phủ về việc điều chỉnh mức thuế môn bài.
b. Phạm vi
- Đánh bắt hải sản thuộc diện miễn thuế chỉ bao gồm hoạt động khai thác các sản phẩm tự nhiên từ biển (cả gần bờ và xa bờ), không bao gồm các hoạt động: khai thác thủy sản nước ngọt; nuôi trồng thủy, hải sản; các dịch vụ hỗ trợ cho đánh bắt (như ngư cụ, cung cấp nước ngọt, nước đá, xăng dầu); kinh doanh, chế biến hải sản.
- Sản xuất muối chưa qua chế biến thuộc diện miễn thuế chỉ bao gồm hoạt động sản xuất muối từ nước biển tự nhiên, không bao gồm các hoạt động kinh doanh muối hoặc chế biến muối thành các sản phẩm muối tinh chế (như muối i-ốt, muối tinh...).
1.2. Thủ tục miễn thuế
a. Đối với cá nhân, hộ gia đình đánh bắt hải sản, sản xuất muối chưa qua chế biến
Khi lập sổ bộ thuế trong thời kỳ 2006-2010, cơ quan thuế không tính và không thu thuế môn bài, thuế tài nguyên, thuế TNDN đối với cá nhân, hộ gia đình đánh bắt hải sản, sản xuất muối chưa qua chế biến. Trường hợp năm 2006 đã lập sổ bộ thuế cho các đối tượng này thì cuối năm điều chỉnh lại.
b. Đối với tổ chức đánh bắt hải sản, sản xuất muối chưa qua chế biến
Hằng năm, tổ chức tự xác định số thuế môn bài, thuế tài nguyên, thuế TNDN được miễn và kê khai với cơ quan thuế theo quy định hiện hành. Cơ sở kinh doanh có nhiều hoạt động hoặc kinh doanh khép kín tự xác định số thuế TNDN được miễn đối với hoạt động đánh bắt hải sản, sản xuất muối chưa qua chế biến.
2. Giảm thuế TNDN đối với cơ sở kinh doanh sử dụng lao động là người dân tộc thiếu số
2.1. Đối tượng và nguyên tắc giảm thuế
Cơ sở kinh doanh đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, thuộc đối tượng giảm thuế TNDN, bao gồm: Doanh nghiệp thuộc các loại hình được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, Luật DNNN, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư Nước ngoài tại Việt Nam; HTX được thành lập và đăng ký theo Luật HTX và hộ kinh doanh cá thể.
- Đối với doanh nghiệp nông, lâm nghiệp nhà nước sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp tại các tỉnh Tây Nguyên thuộc diện được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí cho hoạt động đào tạo nghề theo Quyết định số 231/2005/QĐ-TTg ngày 22-9-2005 của Thủ tướng Chính phủ thì không được giảm thuế TNDN theo Thông tư này (trừ trường hợp doanh nghiệp nông, lâm nghiệp nhà nước có các hình thức đào tạo lao động là người dân tộc thiểu số ngoài hình thức đào tạo nghề đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí).
Khoản chi về đào tạo, dạy nghề cho số lao động dân tộc thiểu số phát sinh trong thời gian từ năm 2006 đến hết năm 2010 được coi là khoản chi hộ ngân sách nhà nước, cơ sở kinh doanh không được hạch toán vào chi phí hợp lý mà được trừ vào số thuế TNDN phải nộp trong kỳ tính thuế.
2.2. Điều kiện để được giảm thuế
Để được giảm thuế TNDN, cơ sở kinh doanh phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: Sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số; có chi về việc đào tạo, dạy nghề cho người lao động dân tộc thiểu số; thực hiện chế độ sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định.
Người dân tộc thiểu số là người thuộc các dân tộc còn lại (không phải dân tộc Kinh) sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Việc xác định lao động là người dân tộc thiểu số căn cứ vào giấy tờ tùy thân của người lao động (bản sao giấy chứng minh nhân dân có xác nhận của cơ sở kinh doanh) hoặc lý lịch trích ngang trong hồ sơ của người lao động kèm theo hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.
2.3. Căn cứ xác định số thuế được giảm và thủ tục giảm thuế
a. Căn cứ xác định số thuế TNDN được giảm
Số thuế TNDN được giảm là số thực chi về đào tạo, dạy nghề cho người lao động dân tộc thiểu số, bao gồm các khoản chi dưới đây: Học phí trả cho cơ sở đào tạo, thù lao trả cho giáo viên hoặc người hướng dẫn chuyên môn; chi mua sách vở, tài liệu, phương tiện học tập phù hợp với nội dung của khóa đào tạo, dạy nghề; lương hoặc sinh hoạt phí trả cho người lao động trong thời gian đi học; tiền ăn, ở, đi lại (lượt đi và về) của người lao động được cử đi đào tạo, đi học nghề theo mức sinh hoạt phí quy định đối với cán bộ, công chức; khoản chi trực tiếp để tổ chức khóa đào tạo, dạy nghề, như tiền thuê địa điểm, phương tiện, giáo dục giảng dạy và học tập.
b. Thủ tục giảm thuế
Hằng năm, căn cứ vào nhu cầu đào tạo dạy nghề, cơ sở kinh doanh lập dự trù kinh phí đào tạo dạy nghề cho số lao động là người dân tộc thiểu số, số chi đào tạo, dạy nghề chưa trừ hết vào số thuế phải nộp của kỳ trước để đăng ký với cơ quan thuế quản lý trực tiếp số thuế TNDN dự kiến được giảm kèm theo Tờ khai thuế TNDN hoặc Bản xác định số thuế TNDN nộp theo quý đối với các cơ sở kinh doanh thực hiện cơ chế tự kê khai, tự nộp thuế.
Kết thúc năm tài chính, căn cứ vào số tiền thực chi về đào tạo, dạy nghề cho lao động dân tộc thiểu số, số chi đào tạo, dạy nghề chưa trừ hết vào số thuế phải nộp của kỳ trước, cơ sở kinh doanh tự xác định số thuế TNDN được giảm và tổng hợp vào Tờ khai tự quyết toán thuế TNDN.