Mô hình kinh tế năng động ở nông thôn 

Được đăng : 13-12-2016 16:26:17
Không bó hẹp bởi quy mô sản xuất nhỏ, cơ cấu cây trồng và vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, năng động tìm đầu ra cho nông sản để có thu nhập cao là những đặc điểm của kinh tế trang trại (KTTT). Mô hình kinh tế năng động này đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều là thay đổi diện mạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn.Nhờ có chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã mở đường cho sự hình thành và phát triển những mô hình KTTT. Nhà nước có chính sách giao đất ổn định, lâu dài tới hộ gia đình, khuyến khích dồn điền đổi thửa, cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất tạo vùng sản xuất quy mô lớn phù hợp với mô hình trang trại (TT). Ngoài ra chính sách tín dụng mở cửa, thị trường tiêu thụ rộng rãi kích thích mô hình này phát triển.Đặc biệt ở tỉnh ta, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ có Kết luận số 13/KL-TU ngày 4-4-2002 về tình hình và chủ trương phát triển KTTT, vườn đồi đến năm 2010; chủ trương chuyển đổi 10 nghìn ha lúa một vụ không ăn chắc sang nuôi trồng thuỷ sản và các loại cây trồng khác tạo cho KTTT có bước phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. ở mỗi địa phương đều có thế mạnh riêng để hình thành các loại hình TT phù hợp. Các xã miền núi, vùng cao có diện tích đất tự nhiên lớn phát triển các TT cây ăn quả, cây lâm nghiệp. Khu vực trung du phù hợp với TT chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các xã vũng trũng mở rộng mô hình chăn nuôi..

Không bó hẹp bởi quy mô sản xuất nhỏ, cơ cấu cây trồng và vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, năng động tìm đầu ra cho nông sản để có thu nhập cao là những đặc điểm của kinh tế trang trại (KTTT). Mô hình kinh tế năng động này đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều là thay đổi diện mạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Nhờ có chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã mở đường cho sự hình thành và phát triển những mô hình KTTT. Nhà nước có chính sách giao đất ổn định, lâu dài tới hộ gia đình, khuyến khích dồn điền đổi thửa, cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất tạo vùng sản xuất quy mô lớn phù hợp với mô hình trang trại (TT). Ngoài ra chính sách tín dụng mở cửa, thị trường tiêu thụ rộng rãi kích thích mô hình này phát triển.
Đặc biệt ở tỉnh ta, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ có Kết luận số 13/KL-TU ngày 4-4-2002 về tình hình và chủ trương phát triển KTTT, vườn đồi đến năm 2010; chủ trương chuyển đổi 10 nghìn ha lúa một vụ không ăn chắc sang nuôi trồng thuỷ sản và các loại cây trồng khác tạo cho KTTT có bước phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. ở mỗi địa phương đều có thế mạnh riêng để hình thành các loại hình TT phù hợp. Các xã miền núi, vùng cao có diện tích đất tự nhiên lớn phát triển các TT cây ăn quả, cây lâm nghiệp. Khu vực trung du phù hợp với TT chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các xã vũng trũng mở rộng mô hình chăn nuôi kết hợp phát triển thuỷ sản. Dù loại hình TT nào cũng đòi hỏi sự tập trung về vốn, đất đai cũng như sự năng động của chủ TT để sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao.
Theo thống kê của Chi cục Hợp tác xã và PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT) thì hiện toàn tỉnh có hơn 1400 trang trại, trong đó TT trồng trọt (chủ yếu là cây ăn quả, lâm nghiệp) chiếm hơn 50%, còn lại chủ yếu là TT chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và mô hình tổng hợp. Các TT đã huy động được nguồn vốn khoảng 230 tỷ đồng cho sản xuất, kinh doanh, thu hút 40 nghìn lao động tham gia. Năm 2006, giá trị sản lượng hàng hoá và dịch vụ của TT đạt 142 tỷ đồng, thu nhập bình quân của mỗi TT đạt 128 triệu đồng. KTTT đã góp phần quan trọng trong công tác xoá đói giảm nghèo, huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực nông thôn.
Điển hình như ông Nguyễn Văn Đoàn ở khu đồng trũng Chiêm Chè, xã Yên Lư, huyện Yên Dũng đã mạnh dạn nhận thầu khoảng 3 ha đất ruộng trũng làm TT, huy động 150 triệu đồng khoanh vùng, đào ao thả cá, làm đường nội đồng, xây dựng chuồng nuôi lợn cung cấp nguồn thức ăn cho cá. Mô hình TT vườn đồi vải thiều, hồng Nhân hậu của ông Nguyễn Văn Chiến, thôn Mải Hạ, xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang được nhiều người biết đến bởi sự năng động của chủ TT. Mỗi khi đến vụ vải thiều, ông Chiến lại sang tận Trung Quốc tìm “mối” để tiêu thụ sản phẩm cho TT của mình và người dân trong vùng. Mấy năm gần đây, nhận thấy nhu cầu gỗ nguyên liệu cho chế biến lâm sản, gỗ trụ mỏ ngày càng cao, ông đã mạnh dạn nhận thầu cải tạo hơn gần 2 ha vườn tạp sang trồng bạch đàn, keo lai.
TT chăn nuôi lợn theo phương pháp bán công nghiệp kết hợp thả cá của ông Giáp Văn Dưỡng, thôn Đông La, xã Quế Nham, huyện Tân Yên có quy mô gần 100 con/lứa. Không chỉ ham học hỏi, tiếp thu tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào mô hình mà chủ TT còn tính toán để phối hợp, lựa chọn loại thức ăn bảo đảm cho chi phí thấp nhất mà lợn vẫn tăng trọng nhanh, thời điểm xuất chuồng giá cao nhất...
Dù mỗi TT có cách thức tổ chức sản xuất riêng, lựa chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi khác nhau nhưng đều có đặc điểm chung là khai thác có hiệu quả quỹ đất, nguồn vốn để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Không chỉ dừng lại ở phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong gia đình mà mục tiêu của TT là sản xuất ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Mô hình kinh tế năng động này đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp các miền quê, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.
Tuy vậy, phát triển KTTT hiện còn không ít khó khăn, vướng mắc. Sự hình thành và phát triển TT thời gian qua mang tính tự phát, thiếu sự quy hoạch tổng thể làm cho TT manh mún, không bền vững. Trình độ chuyên môn, kinh nghiệm sản xuất cũng như quản lý của chủ TT còn yếu và thiếu.
Sản phẩm của TT chủ yếu tiêu thụ thông qua thương lái nên thường bị ép cấp, ép giá làm thiệt hại cho sản xuất. Để TT phát triển ổn định, đúng hướng trở thành mục tiêu phấn đấu của mỗi nông hộ, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần xây dựng quy hoạch phù hợp với từng loại hình TT, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để dồn điền đổi thửa mở rộng quy mô sản xuất cây lâu năm, thuỷ sản, bố trí quỹ đất phát triển TT chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, định hướng cho chủ TT phát triển loại cây trồng, vật nuôi hướng vào thị trường xuất khẩu.
Thời gian qua, TT chăn nuôi gia súc, gia cầm và thuỷ sản phát triển nhanh, cần có chính sách hỗ trợ bằng nguồn vốn vay ưu đãi; dự báo kịp thời và hướng dẫn phòng dịch, bệnh nhằm hạn chế rủi ro trong sản xuất; khuyến khích phát triển các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản cho TT; cung cấp thông tin thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước để TT chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Điều quan trọng là nâng cao trình độ chuyên môn và quản lý cho các chủ TT.