Mô hình nông lâm kết hợp
Được đăng : 13-12-2016 16:26:19
Mô hình nông lâm kết hợp của gia đình chị Trương Thị Mòi dân tộc Sán Dìu, xã Đạo Trù huyện niềm núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc) áp dụng thành công đã giúp cho người nông dân có thêm một giải pháp làm giàu từ đất đồi rừng, đồng thời góp phần cải thiện độ mầu mỡ, duy trì sức sản xuất lâu bền của đất.Chị Mòi cho biết toàn bộ diện tích đất đồi rừng của gia đình chị nằm trên độ dốc 15-25 độ, do thường xuyên bị mưa rửa trôi nên chỉ còn trơ lại sỏi đá không thể phát triển những cây trồng có giá trị kinh tế cao. Năm 2006, Phòng Kinh tế huyện Tam Đảo xây dựng mô hình nông lâm kết hợp nhằm làm tăng hiệu quả kinh tế trên đất đồi rừng, chị đã mạnh dạn đi đầu làm điểm. Được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, chị đã thực hiện giải pháp xây dựng các đường đồng mức theo phương thức mương dưới bờ trên, có độ chênh bờ 1 mét, tạo..
Mô hình nông lâm kết hợp của gia đình chị Trương Thị Mòi dân tộc Sán Dìu, xã Đạo Trù huyện niềm núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc) áp dụng thành công đã giúp cho người nông dân có thêm một giải pháp làm giàu từ đất đồi rừng, đồng thời góp phần cải thiện độ mầu mỡ, duy trì sức sản xuất lâu bền của đất.
Chị Mòi cho biết toàn bộ diện tích đất đồi rừng của gia đình chị nằm trên độ dốc 15-25 độ, do thường xuyên bị mưa rửa trôi nên chỉ còn trơ lại sỏi đá không thể phát triển những cây trồng có giá trị kinh tế cao. Năm 2006, Phòng Kinh tế huyện Tam Đảo xây dựng mô hình nông lâm kết hợp nhằm làm tăng hiệu quả kinh tế trên đất đồi rừng, chị đã mạnh dạn đi đầu làm điểm. Được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, chị đã thực hiện giải pháp xây dựng các đường đồng mức theo phương thức mương dưới bờ trên, có độ chênh bờ 1 mét, tạo thành những bậc thang từ trên đỉnh xuống chân để củng cố bờ giữ đất, hạn chế dòng chảy của nước và tránh xói lở đất, tăng khả năng giữ nước, giữ mầu, tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Trên các đường đồng mức, chị kết hợp trồng một số cây lâm nghiệp, cây ăn quả, bố trí khoảng cách cây cách cây 5 mét, hàng cách hàng 5 mét để tận dụng khoảng đất trống ở giữa trồng xen các cây công nghiệp ngắn ngày. Xung quanh mô hình chị trồng cây mây làm hàng rào xanh, vùng đất cuối đồi ẩm thấp tận dụng trồng măng tre Bát độ tăng thu nhập.
Hiện nay, khu đồi rừng của gia đình chị Mòi đã có gần 1.000 gốc cây ăn quả gồm: nhãn lồng Hưng Yên, vải Lục Ngạn (Bắc Giang), hồng Nhân Hậu, xoài Yên Châu (Trung Quốc). Qua một năm trồng, hiện tỷ lệ sống đạt trên 90%, khi nắng hạn kéo dài vẫn giữ được tán lá xanh tốt, thân mập. Phần đất trên đỉnh đồi, chị trồng một số cây lâm nghiệp bản địa như keo, trám, sấu, dẻ hương, dẻ đỏ, hiện đang lên xanh tốt, thân to, tán che phủ rộng, có tác dụng giữ được lượng nước tại chỗ, duy trì được độ ẩm cho đất, cho cây. Ngoài ra, dưới tán lá cây, chị kết hợp trồng một số cây như sắn, khoai sọ núi, cỏ voi, cây cốt khí, dứa để tăng thêm thu nhập. Riêng cây sắn củ to gấp 3 lần so với trước khi đất chưa cải tạo đất, năng suất bình quân đạt 12-15 kg/gốc; cây cỏ voi phát triển rất tốt giúp gia đình chị phát triển chăn nuôi. Hiện nay, một số cây công nghiệp ngắn ngày đã cho thu nhập đảm bảo ổn định cuộc sống cho cả gia đình, dự kiến trong hai năm tới toàn bộ số cây ăn quả sẽ cho thu nhập từ 25-30 triệu đồng, 4-5 năm tiếp theo số cây lâm nghiệp được khai thác phục vụ nguyên liệu giấy, chế biến gỗ của địa phương, thu nhập tăng gấp chục lần so với trước kia.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu dinh dưỡng trong đất cũng đã có sự thay đổi đáng kể như: Độ mùn, độ ẩm trong đất tăng lên gấp 2 lần, các cation trao đổi Ca++, Mg++ cải thiện có lợi cho môi trường đất. Với kết quả đã đạt được, hiện nay mô hình xây dựng nông lâm kết hợp của chị đang được nhân rộng trên địa bàn huyện. Hiện nay, huyện Tam Đảo vẫn còn trên 3.380 ha đất trống, đồi núi trọc chưa mang lại hiệu quả kinh tế./.