Mô hình nuôi cá lóc dưới sông
Được đăng : 13-12-2016 16:26:19
Hiện nay, ở địa bàn xã Mỹ Thuận (huyện Hòn Đất, Kiên Giang), mô hình quây mùng nuôi cá lóc dưới sông có hiệu quả khá cao và đang phát triển thành phong trào.Xã Mỹ Thuận mới thành lập từ tháng 2-2004. Vài năm trở lại đây, bà con bắt đầu trồng xen canh, chuyển đổi một số mô hình làm ăn có hiệu quả. Trong đó, đáng kể nhất là mô hình quây mùng nuôi cá lóc ở dưới sông của khoảng hơn chục hộ dân. Mô hình này không chỉ đem lại hiệu quả cho người nuôi mà còn góp phần tạo công ăn việc làm, giảm đáng kể tình trạng dùng bình ắc-quy xuyệt bắt cá theo kiểu hủy diệt. Trong 5 ấp của xã, các ấp: số 4, Nguyễn Văn Hanh, Mỹ Tân, Cảng Đất là chuyên canh lúa, còn lại ấp Sơn Thuận thì trồng xen kiệu, cải xanh cũng cho thu nhập khá. Một số nơi người dân có đất ruộng sản xuất có thể xen nuôi thêm cá đồng cũng cho thu nhập khá.Những hộ không có đất hoặc đất ít không thể đào..
Hiện nay, ở địa bàn xã Mỹ Thuận (huyện Hòn Đất, Kiên Giang), mô hình quây mùng nuôi cá lóc dưới sông có hiệu quả khá cao và đang phát triển thành phong trào.
Xã Mỹ Thuận mới thành lập từ tháng 2-2004. Vài năm trở lại đây, bà con bắt đầu trồng xen canh, chuyển đổi một số mô hình làm ăn có hiệu quả. Trong đó, đáng kể nhất là mô hình quây mùng nuôi cá lóc ở dưới sông của khoảng hơn chục hộ dân. Mô hình này không chỉ đem lại hiệu quả cho người nuôi mà còn góp phần tạo công ăn việc làm, giảm đáng kể tình trạng dùng bình ắc-quy xuyệt bắt cá theo kiểu hủy diệt. Trong 5 ấp của xã, các ấp: số 4, Nguyễn Văn Hanh, Mỹ Tân, Cảng Đất là chuyên canh lúa, còn lại ấp Sơn Thuận thì trồng xen kiệu, cải xanh cũng cho thu nhập khá. Một số nơi người dân có đất ruộng sản xuất có thể xen nuôi thêm cá đồng cũng cho thu nhập khá.
Những hộ không có đất hoặc đất ít không thể đào ao để nuôi cá đã nghĩ ra cách quây mùng dưới sông để nuôi cá lóc. Gọi là nuôi cá lóc trong mùng nhưng thực tế người dân sử dụng rào lớp bên ngoài bằng lưới, bên trong rào ép bằng loại lưới xanh, “nóc mùng” nằm phía dưới đáy. Chiều cao của mùng phải từ 1,8-2m mới đảm bảo cá không thoát ra ngoài được. Anh Lê Văn Trường, ngụ ở ấp Cảng Đất, cho biết: “Lúc đầu, thấy một số hộ ở gần xóm thả nuôicá lóc dưới sông bằng cách này, tôi còn cho rằng họ liều. “Chim trời, cá nước”, không ai tự dưng bỏ vài chục triệu tiền vốn để thả cá... dưới sông. Nhưng chỉ trong vòng 4 tháng, các hộ này thu hoạch cá lóc có lãi vài chục triệu đồng thì tôi quyết tâm học cách để liều theo”. Hiện tại, anh Trường có cả thảy 5 “mùng” nuôi cá lóc, anh vừa “xuất” cá trong một “mùng” bán được 53 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí cho 4 tháng nuôi, anh còn lãi trên 20 triệu đồng. Anh Trường còn lại 1 “mùng” ngang 4 m, dài 20m thả nuôi cá lóc đã được hơn 3 tháng và sắp cho thu hoạch, ước tính lãi 30 triệu đồng. Với mức giá cá lóc nuôi hiện dao động từ 28-30 ngàn đồng/kg, người nuôi cá lóc có mức lời khá cao.
Theo anh Trường, mô hình nuôi cá lóc này ít gặp rủi ro, nhưng người nuôi phải thường xuyên theo dõi, có lúc cá cũng bị bệnh và phải tích cực trong việc đi “săn” mồi cho chúng. Bởi cá lóc ăn nhiều, lớn nhanh, nhưng thường phải đảm bảo có hai lần cho cá ăn vào buổi sáng và buổi chiều. Trên địa bàn ấp Cảng Đất hiện có trên 10 hộ nuôi cá lóc theo mô hình này với mức lợi nhuận thu được từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng.
Anh Trường, cho biết thêm: Từ khi có mô hình nuôi cá lóc trong mùng, nạn dùng xuyệt điện diệt cá giảm. Bản thân tôi cũng không còn đi xuyệt cá ngoài đồng. Nguyên nhân do trước đây, trong lúc nông nhàn không có việc làm thêm, nên nhiều người phải đi xuyệt cá để kiếm thêm thu nhập. Bây giờ được chính quyền địa phương vận động, phát triển nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả nên người dân cũng thay đổi nhận thức. Theo ông Nguyễn Thành Đông, Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thuận, sắp tới, xã sẽ củng cố lại Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Tân, giao cho những thành viên hợp tác xã nhân rộng mô hình nuôi cá trên đồng và mô hình nuôi cá lóc dưới sông để giảm hộ nghèo trên địa bàn xã đến cuối năm 2007 xuống còn trên 2%.