Mô hình nuôi heo khép kín
Được đăng : 13-12-2016 16:26:19
Cách đây 8 năm khi thấy anh Bùi Đức Lợi mở trang trại nuôi heo trên một mảnh đất khô cằn, không có điện nước ở ấp Đức Long, xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất), nhiều người dân ở đây đã lắc đầu nói với nhau rằng: "Chỉ cần một thời gian ngắn là bỏ của chạy lấy người thôi!". Thế nhưng ngược lại, đến nay anh Lợi đã phát triển trang trại thành mô hình chăn nuôi khép kín với mức lãi hàng năm lên đến 500 triệu đồng.* Chăn nuôi khép kínTuy đã trở thành một ông chủ làm ăn phát đạt và nổi tiếng nhưng xem ra anh vẫn giữ nguyên được vẻ mộc mạc, chân chất của một nông dân đã quen lao động vất vả. Anh Lợi kể: "Năm 1999 nghe tin tôi xin nghỉ việc ở Công ty chế biến hải sản Sài Gòn về đây mở trang trại nuôi heo, bạn bè ai cũng cho rằng tôi ngốc, vì công việc đang ổn định, thu nhập cao, ai lại bỏ đi lập nghiệp nơi khỉ ho cò gáy, không điện, không nước. Nhưng tôi vẫn quyết tâm làm vì đó là mong muốn từ thời còn..
Cách đây 8 năm khi thấy anh Bùi Đức Lợi mở trang trại nuôi heo trên một mảnh đất khô cằn, không có điện nước ở ấp Đức Long, xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất), nhiều người dân ở đây đã lắc đầu nói với nhau rằng: "Chỉ cần một thời gian ngắn là bỏ của chạy lấy người thôi!". Thế nhưng ngược lại, đến nay anh Lợi đã phát triển trang trại thành mô hình chăn nuôi khép kín với mức lãi hàng năm lên đến 500 triệu đồng.
* Chăn nuôi khép kín
Tuy đã trở thành một ông chủ làm ăn phát đạt và nổi tiếng nhưng xem ra anh vẫn giữ nguyên được vẻ mộc mạc, chân chất của một nông dân đã quen lao động vất vả. Anh Lợi kể: "Năm 1999 nghe tin tôi xin nghỉ việc ở Công ty chế biến hải sản Sài Gòn về đây mở trang trại nuôi heo, bạn bè ai cũng cho rằng tôi ngốc, vì công việc đang ổn định, thu nhập cao, ai lại bỏ đi lập nghiệp nơi khỉ ho cò gáy, không điện, không nước. Nhưng tôi vẫn quyết tâm làm vì đó là mong muốn từ thời còn là sinh viên trường Đại học Nông lâm". Ban đầu về đây, anh bắt tay vào xây dựng chuồng trại với quy mô có thể nuôi 1.000 heo thịt và 80 heo nái. 8 năm qua, tuy gặp nhiều thăng trầm, có lúc tưởng như trắng tay, nhưng anh vẫn giữ vững được nghề. Anh chăn nuôi heo theo mô hình khép kín vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa tăng thêm thu nhập. Bởi, ngoài nguồn phân heo bán cho các nông trường trồng cao su và trang trại bón cho cây trồng, mỗi tháng thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng, số phân heo còn lại bán không hết, được anh xây 2 hầm xử lý biogas rộng 400m3 để chạy máy phát điện (6.000KW) phục vụ thắp sáng và còn chạy máy nghiền, trộn thức ăn gia súc. Tính ra, mỗi năm chỉ riêng nguồn chất thải của trang trại chăn nuôi heo cũng đã đem lại cho anh Lợi nguồn thu khoảng 100 triệu đồng.
* Dùng cám trộn tiết kiệm được 800 ngàn đồng/tấn
Nhờ có kiến thức học được từ trường đại học cộng với một thời gian làm việc tại công ty chăn nuôi anh Lợi nắm khá kỹ về quy trình pha trộn thức ăn gia súc. Năm 2003, anh chuyển từ nuôi heo bằng cám tổng hợp có bán sẵn trên thị trường sang nuôi heo bằng cám tự trộn. Anh cho biết, cám trộn cũng có thành phần giống như cám tổng hợp nên heo ăn vào cũng tăng trưởng nhanh, nhưng giá thành mỗi tấn cám trộn có thể thấp hơn cám tổng hợp đến 800 ngàn đồng. Với quy mô 80 heo nái và 1.000 heo thịt, mỗi tháng anh tiêu thụ khoảng 60 tấn cám trộn, tiết kiệm được gần 50 triệu đồng.
Trong thời gian từ tháng 8-2006 đến tháng 5-2007 thị trường giá heo hơi giảm xuống chỉ còn khoảng 17 ngàn đồng/kg, trong khi giá cám tăng đến 20% khiến nhiều trang trại nuôi heo điêu đứng và ngừng chăn nuôi, nhưng trang trại của anh vẫn đứng vững và phát triển nhờ anh hạ được giá thành của cám tự trộn và tận dụng tối đa chất thải.
Qua nghiên cứu, tìm tòi, anh đã chuyển ba nguyên liệu chính trong thức ăn chăn nuôi là bột bắp, cám gạo, bột cá sang dùng nguyên liệu khác có thành phần tương đương là bánh tráng vụn có bán ở huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, giá rẻ hơn bột bắp khoảng 800 đồng/kg. Cám gạo được anh thay bằng cám lúa mì nhập ở nước ngoài, giảm được 1.000 đồng/kg và bột cá được thay bằng bột xương, tiết kiệm được 5.000 đồng/kg. Vì vậy, heo của anh nuôi bán vẫn có lãi. Anh Lợi kể: "Mỗi năm tôi thu lãi từ trang trại nuôi heo khoảng 500 triệu đồng. Dịp đầu năm để hỗ trợ một số trang trại nuôi heo nái bị lỗ, tôi đã tiêu thụ giúp các trại khác một loạt con giống. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ giúp gánh hộ cho người ta cái khó, không ngờ lại là may cho mình, vì heo giống nuôi đến thời điểm có thể bán thịt thì heo tăng giá 26 ngàn đồng/kg, nên tôi lãi mỗi tạ heo 600 - 800 ngàn đồng".