Mô hình nuôi nhím, nai đạt hiệu quả kinh tế cao 

Được đăng : 13-12-2016 13:59:28
Ở vùng ven và ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi động vật hoang dã như nhím, trăn, nai, cá sấu… đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị đối với quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp.Hai vợ chồng ông Phạm Ngọc Tuân và bà Đỗ Thị Thanh Hoà đều là thương binh, chủ nhân của Trại nhím Tuân Hoà, ở ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi thành đạt trong sản xuất kinh doanh. Trong quá trình nuôi, ông Tuân nhận thấy con nhím rất dễ nuôi và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với nhiều loại vật nuôi khác, từ đó ông mạnh dạn tập trung đầu tư vào kinh doanh con nhím. Chỉ sau hơn 5 năm, đàn nhím từ 40 con tăng lên hơn 200 con, trong đó có 80 cặp nhím bố mẹ (tăng gấp 5 lần). Ông Tuân phấn khởi cho biết: bình quân mỗi tháng trại của ông xuất bán 6 cặp nhím thu được 36 triệu đồng, trừ đi các chi phí thức ăn, khấu hao chuồng trại cũng còn dư 30 triệu đồng/tháng, tính ra mỗi năm lợi nhuận thu được không dưới 350 triệu đồng, chưa kể những con giống để lại gây đàn.Theo..

Ở vùng ven và ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi động vật hoang dã như nhím, trăn, nai, cá sấu… đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị đối với quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp.
Hai vợ chồng ông Phạm Ngọc Tuân và bà Đỗ Thị Thanh Hoà đều là thương binh, chủ nhân của Trại nhím Tuân Hoà, ở ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi thành đạt trong sản xuất kinh doanh. Trong quá trình nuôi, ông Tuân nhận thấy con nhím rất dễ nuôi và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với nhiều loại vật nuôi khác, từ đó ông mạnh dạn tập trung đầu tư vào kinh doanh con nhím. Chỉ sau hơn 5 năm, đàn nhím từ 40 con tăng lên hơn 200 con, trong đó có 80 cặp nhím bố mẹ (tăng gấp 5 lần). Ông Tuân phấn khởi cho biết: bình quân mỗi tháng trại của ông xuất bán 6 cặp nhím thu được 36 triệu đồng, trừ đi các chi phí thức ăn, khấu hao chuồng trại cũng còn dư 30 triệu đồng/tháng, tính ra mỗi năm lợi nhuận thu được không dưới 350 triệu đồng, chưa kể những con giống để lại gây đàn.
Theo ông Tuân, nhím là vật nuôi ăn tạp, có thể ăn được tất cả các loại rau củ quả (rau muống, khoai lang, bí đỏ…), trung bình mỗi ngày một con nhím chỉ tốn khoảng 2.000 đồng tiền thức ăn; thỉnh thoảng có thể cho nhím ăn thêm dừa khô để nhím có bộ lông mướt. Nhím cái nuôi khoảng một năm bắt đầu đẻ, mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa trung bình được 2 con; nhím nuôi 2 tháng tuổi đạt trọng lượng từ 2-3 kg và giá mỗi cặp 6 triệu đồng nhưng vẫn không đủ giống bán, còn nhím bố mẹ giá khoảng 15 triệu đồng/cặp (trọng lượng khoảng 12 kg/con) nhưng ít khi bán ra vì để lại nuôi bán giống hiệu quả cao hơn.
Cũng trên địa bàn xã Nhuận Đức, có hộ ông Tô Văn Đực ở ấp Xóm Bưng chuyên nuôi nhím bán giống, nuôi nai lấy nhung (sừng non của nai đực), nuôi lợn rừng lai sinh sản, mỗi năm thu nhập hơn 150 triệu đồng, nhưng công việc không mấy vất vả như nuôi bò, nuôi lợn, nuôi dê. Lúc đầu, ông Đực tìm mua một cặp nai với giá gần 10 triệu đồng về nuôi thử, đến nay ông gây đàn lên 12 con nai (chưa kể 2 con hươu sao), trong đó có 4 nai đực đang lấy nhung, mỗi năm lấy 2 lần nhung (lần đầu được khoảng 1 kg và lấy lần sau khoảng 0,6 kg), giá mỗi kílô nhung bán được 4,5 triệu đồng. Tính ra, 4 con nai đực đang lấy nhung, mỗi năm gia đình ông Đực thu được 30 triệu đồng, chưa kể nhân đàn nai giống, nai lứa. Hiện nay, một cặp nai bố mẹ có giá hơn 30 triệu đồng và nai lứa khoảng 10 triệu đồng/con.
Tuy nhiên, theo ông Đực nguồn thu nhập của con nhím hiện tại vẫn cao hơn con nai. Với 20 cặp nhím bố mẹ, mỗi năm sinh sản ra trên dưới 70 con (35 cặp), mỗi cặp nhím giống là 6 triệu đồng, trừ đi các chi phí sản xuất cũng còn hơn 120 triệu đồng. Bên cạnh con nai, con nhím, ông Đực còn nuôi 4 con lợn rừng lai, đã đẻ 2 lứa được 14 con, mỗi con lợn rừng lai (2 tháng tuổi) bán được 500.000 đồng/con. Đây cũng là nguồn thu nhập khá, có thị trường tiêu thụ tốt, đang được ông Đực chú ý phát triển mạnh trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm TPHCM cho biết: chủ trương của Bộ NN-PTNT cũng như thành phố là khuyến khích các tổ chức, cá nhân gây nuôi và phát triển động vật hoang dã có khả năng sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt như nhím, hươu, nai, trăn, kỳ đà, kể cả cá sấu... (trừ động vật quý hiếm nuôi nhốt không sinh sản hoặc một số động vật hoang dã đặc biệt như hổ, báo, gấu...). Tuy nhiên, việc nuôi này phải đăng ký với Chi cục kiểm lâm để kiểm tra xác nhận đủ điều kiện gây nuôi phát triển như diện tích chuồng nuôi, bảo vệ môi trường, thú y... theo quy định của Cục Kiểm lâm. Riêng con nhím, hiện trên địa bàn TPHCM mới có 12 cơ sở, cá nhân đăng ký gây nuôi với số lượng gần 500 con, nhiều cá nhân đang gây nuôi với số lượng ít chưa muốn đăng ký hoặc ngại không đăng ký. Do đó, sắp tới Chi cục kiểm lâm sẽ tiến hành đợt điều tra thống kê các tổ chức, cá nhân có nuôi động vật hoang dã và hướng dẫn họ đăng ký gây nuôi và phát triển những loại động vật này.