"Chiếm hơn 50% số dân, phụ nữ đóng vai trò to lớn trong việc tham gia các chương trình phát triển năng lượng. Hội LHPN Việt Nam đã thực hiện thí điểm mô hình "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mỗi hộ gia đình" nhằm giảm một phần mức đầu tư phát triển hệ thống cung ứng năng lượng, mang lại lợi ích kinh tế, xã hội, góp phần bảo vệ môi trường.
Mô hình này đang được thí điểm tại sáu tỉnh, thành phố gồm: Hà Tây, Thái Bình, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Ngãi và Ðồng Nai.Từ công tác tuyên truyền...
Hiện đã có 600 hộ gia đình ở sáu tỉnh, thành phố tự nguyện thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) bằng việc sử dụng các nguồn năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Như vậy, các thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng sẽ được thay thế bằng các thiết bị TKNL như đèn chiếu sáng compact, hầm ủ khí sinh học biogas, giàn đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời...
Trong 600 hộ gia đình này, 100% số hộ được vận động thay thế đèn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm năng lượng; 15-20% số hộ gia đình làm hầm ủ khí sinh học biogas hoặc lắp giàn đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời.
Theo chị Phạm Hạnh Sâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Hội LHPN Việt Nam: Ðể đưa dự án vào thực hiện, công tác vận động ban đầu gặp nhiều khó khăn do bà con chưa hiểu và ngại thay đổi thói quen cũ đang dùng bóng đèn tròn, quen đun bếp bằng rơm, rạ và củi để nấu cơm, nấu cám lợn... Muốn thay đổi được thói quen này, Ban dự án đã tổ chức khảo sát nắm tâm lý của bà con nông dân quan tâm thế nào đến vấn đề tiết kiệm năng lượng tại 3/6 tỉnh gồm: Thái Bình, Quảng Ngãi, Ðồng Nai đại diện cho ba miền bắc, trung, nam nhằm xác định tình hình, nhu cầu sử dụng năng lượng và nhận thức của người dân về TKNL, từ đó đề ra phương thức thực hiện chương trình một cách phù hợp.
Tiếp đó, để bà con dễ hiểu và dễ làm theo, tại các lớp tập huấn, giảng viên vừa giảng bài vừa thực hành, đồng thời giải đáp các câu hỏi của mọi người. Nội dung bài giảng thiết thực và phù hợp với các đối tượng. Các bài giảng được minh họa bằng hình ảnh, mô hình và chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền, vận động thực hiện mô hình tại cộng đồng của các học viên tham gia tập huấn. Qua đó, học viên tiếp tục vận động người dân địa phương áp dụng trong gia đình.
Ngoài ra, Ban dự án tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong các chiến dịch truyền thông và tổ chức thi tuyên truyền viên về tiết kiệm và hiệu quả năng lượng có sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành, tổ chức, nhất là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cung cấp năng lượng và các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Tại các xã, phường việc tuyên truyền trên loa truyền thanh những nội dung chính của cuộc vận động được nhắc lại nhiều lần trong thời gian triển khai chiến dịch truyền thông, với các khẩu hiệu dễ nhớ như: "Vì lợi ích gia đình và sự phát triển của xã hội, hãy sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng (TK và HQNL) trong gia đình", "Sử dụng đèn TKNL là tiết kiệm tiền cho gia đình và bảo vệ môi trường", "Sử dụng công trình khí sinh học biogas là xử lý chất thải, hiệu quả kinh tế, giải phóng phụ nữ và bảo vệ môi trường", "Sử dụng nước nóng năng lượng mặt trời là tận dụng năng lượng thiên nhiên, tiết kiệm điện, nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường". Cũng nhờ có chiến dịch tuyên truyền được phát thanh liên tục đã thu hút sự chú ý của nhiều người dân địa phương, góp phần nâng cao nhận thức, dẫn tới việc thay đổi thói quen sử dụng TK và HQNL.
... Ðến việc thay đổi nhận thức
Với mục đích tiết kiệm điện và góp phần giảm ô nhiễm môi trường, mô hình thay đèn sợi đốt bằng đèn compact TKNL đã được phụ nữ và nhân dân tại các địa bàn dự án hưởng ứng.
Kết thúc đề án, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Ðông thay 3.000 đèn compact cho 1.500 hộ gia đình tại 14 xã thuộc sáu tỉnh dự án; có 87 công trình khí sinh học được hộ gia đình áp dụng; lắp được 20 giàn thiết bị nước nóng mặt trời cho 20 hộ gia đình ở tỉnh Hà Tây.
Cuộc vận động xây dựng mô hình sử dụng năng lượng TK và HQ trong mỗi hộ gia đình đã mang lại lợi ích nhiều mặt cho các gia đình. Chị Phạm Thị Thẻ, ở Vũ Trung (Vũ Thư, Thái Bình) cho biết: "Trước đây chúng tôi cứ nghĩ là chỉ có thành phố mới cần phải TKNL, vì họ dùng nhiều năng lượng. Nhưng đến nay chúng tôi hiểu được rằng, năng lượng không chỉ là điện mà còn có nhiều dạng khác nữa, vì vậy chỉ cần tiết kiệm mỗi thứ một ít, từ điện, xăng, dầu, than, củi cũng đã lên tới 100.000 đồng mỗi tháng. Ðây là một khoản tiền không nhỏ đối với nông thôn chúng tôi". Các mô hình như đèn compact, giàn nước nóng và công trình khí sinh học được ứng dụng trong các gia đình đều bảo đảm chất lượng và mang lại hiệu quả.
Trước hết trong lĩnh vực chiếu sáng, hiện các hộ gia đình, nhất là gia đình khu vực nông thôn sử dụng đèn sợi đốt còn phổ biến. Vì vậy việc thay đèn sợi đốt bằng đèn compact đã được nhiều gia đình hưởng ứng. Qua thực tế sử dụng đèn compact, các hộ gia đình cho biết là tiết kiệm được điện, có ánh sáng tốt và dịu mắt.
Mặt khác, tiềm năng về hầm biogas ở các xã nông thông cũng cao do có nhiều gia đình chăn nuôi với số lượng lớn có thể đủ nguồn phân cung cấp cho hầm khí sinh học (KSH) đã đem lại lợi ích nhiều mặt cho các hộ gia đình như: xử lý chất thải, giữ vệ sinh, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tiền mua chất đốt và góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.
Trường hợp anh Nguyễn Ðình Dương, ở thôn 2, xã Thanh Thủy (Thanh Chương, Nghệ An), từ chỗ giải quyết được chất thải do xây công trình KSH, gia đình anh đã nuôi được hơn 10 con lợn. Trước kia, anh chỉ nuôi được năm con. Anh cho biết: Trước đây do không giải quyết được chất thải, hằng ngày phải đổ phân xuống ao, gây ô nhiễm môi trường bà con làng xã kêu nhiều, nên gia đình tôi không thể nuôi nhiều đầu lợn.
Còn gia đình chị Phạm Thị Hệ, ở Hùng Dũng (Hưng Hà, Thái Bình) từ chỗ chỉ nuôi 10 con lợn, nhưng sau khi xây công trình biogas, chị đã nuôi từ 25 đến 30 con lợn. Công trình của chị đã sử dụng được bếp gas đun nấu và hai đèn mạng để thắp sáng. Ngoài nấu ăn ngày ba bữa, chị còn nấu cám lợn và cho hàng xóm đun nhờ nước sôi, vì không sử dụng hết khí. Như vậy, mỗi tháng gia đình chị có thể tiết kiệm tiền mua nhiên liệu và tiền điện khoảng 200.000 đồng.
Chị giới thiệu với chúng tôi: Hầm KSH của gia đình chị như một hố rác của xóm, có thể xử lý cá chết, gà chết và rau bỏ đi, vừa tạo thêm khí để sử dụng, vừa giữ vệ sinh môi trường cho cộng đồng. Tuy nhiên, từ khi có bếp gas, điều đáng kể nhất đối với chị là không phải băn khoăn việc nấu cơm trong gia đình nếu phải đi xa nhà. Hiện chị đang là ủy viên BCH Hội LHPN xã, nên thỉnh thoảng chị phải đi hội họp hoặc tham gia các hoạt động của Hội, việc nấu ăn bằng bếp gas vừa tiện cho chồng con chị và ngay bản thân chị cũng nhàn và sạch sẽ hơn hẳn đun rơm rạ.
Không chỉ với đèn compact và hầm biogas mà với thiết bị nước nóng dùng bằng nguồn năng lượng mặt trời (NLMT) cũng đã được không ít người dân các tỉnh quan tâm. Thực tế cho thấy, hầu hết người dân có nhu cầu sử dụng nước nóng để tắm rửa, ngay cả vào mùa hè. Các gia đình ở nông thôn đun nước nóng bằng rơm, rạ, củi, than, còn ở thành phố đun bằng điện. So với đun nước nóng bằng than, củi thì đun bằng thiết bị NLMT tiện lợi hơn. Còn so với sử dụng nước nóng đun bằng điện thì sử dụng thiết bị nước nóng NLMT có hiệu quả kinh tế hơn. Do thiết bị có tuổi thọ 15 năm nên chỉ cần đầu tư ban đầu sau ba năm sẽ hoàn vốn, 12 năm sử dụng không phải trả tiền điện. Vì vậy, Hội LHPN Việt Nam đang nhân rộng mô hình sử dụng NLTK và hiệu quả trong mỗi gia đình trong cả nước.