Mô hình trồng dâu tây ỏ Hưng Yên 

Được đăng : 13-12-2016 16:26:17
Kỹ thuật chăm sóc đơn giản nhưng lại cho thu nhập tới 400 triệu đồng /ha...là những gì mà mô hình trồng dâu tây ở thôn Nghĩa Vũ, xã Minh Tân (Phù Cừ – Hưng Yên) mang lại. Đây là một trong những hướng chuyển đổi có hiệu quả đem lại thu nhập cao cho nông dân.Chỉ sau 6 tháng thử nghiệm trồng dâu tây với 5 sào Bắc Bộ (1.800m2), gia đình bà Nguyễn Thị Thụ ở xóm 7 thu hoạch được 8 tạ quả, bán với giá bình quân 120.000 đồng /kg, thu gần 10 triệu đồng. Trước đây, mảnh ruộng ấy bà chỉ dùng để cấy lúa nhưng năng suất rất bấp bênh. Vụ đông 2006, đúng lúc gia đình vừa trồng xong bí ngô thì kỹ sư Nguyễn Hữu Khương, cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Thuận Hưng (Hà Nội) đề nghị gia đình bỏ toàn bộ diện tích rau màu sang trồng dâu tây. Lúc đầu bà giãy nảy lên vì đã biết cây dâu tây “mồm ngang mũi dọc” thế nào, thị trường tiêu thụ ra sao. Nhưng sau khi được anh Khương cho biết toàn bộ chi phí giống, phân bón, và kỹ thuật chăm sóc,... đều do..

Kỹ thuật chăm sóc đơn giản nhưng lại cho thu nhập tới 400 triệu đồng /ha...là những gì mà mô hình trồng dâu tây ở thôn Nghĩa Vũ, xã Minh Tân (Phù Cừ – Hưng Yên) mang lại. Đây là một trong những hướng chuyển đổi có hiệu quả đem lại thu nhập cao cho nông dân.
Chỉ sau 6 tháng thử nghiệm trồng dâu tây với 5 sào Bắc Bộ (1.800m2), gia đình bà Nguyễn Thị Thụ ở xóm 7 thu hoạch được 8 tạ quả, bán với giá bình quân 120.000 đồng /kg, thu gần 10 triệu đồng. Trước đây, mảnh ruộng ấy bà chỉ dùng để cấy lúa nhưng năng suất rất bấp bênh. Vụ đông 2006, đúng lúc gia đình vừa trồng xong bí ngô thì kỹ sư Nguyễn Hữu Khương, cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Thuận Hưng (Hà Nội) đề nghị gia đình bỏ toàn bộ diện tích rau màu sang trồng dâu tây. Lúc đầu bà giãy nảy lên vì đã biết cây dâu tây “mồm ngang mũi dọc” thế nào, thị trường tiêu thụ ra sao. Nhưng sau khi được anh Khương cho biết toàn bộ chi phí giống, phân bón, và kỹ thuật chăm sóc,... đều do công ty đảm nhiệm và sẽ bao tiêu sản phẩm, bà đã chấp nhận mạo hiểm trồng loại cây lạ lẫm này. Chỉ sau hai tháng, gia đình bà Thụ đã được thu hoạch lứa quả đầu tiên. “Với chi phí đầu tư 7- 8 triệu đồng /sào, được Công ty hướng dẫn kỹ thuật nên ngay vụ đầu tiên, tôi đã trúng lớn, thu nhập gấp nhiều lần so với trồng lúa và rau màu”, bà Thụ cho biết.
Những quả dâu tây loại I, bà Thụ đóng hộp, giao cho công ty đem tiêu thụ trong các siêu thị tại Hà Nội, còn quả nhỏ và xấu có thể chế biến thành rượu. Bây giờ, bà Thụ đã “nằm lòng” các kỹ thuật sản xuất. Theo bà, dâu tây dễ trồng, trong quá trình chăm sóc chỉ cần áp dụng kỹ thuật che phủ nylon mặt luống hoặc làm nhà lưới trong những ngày có nhiệt độ thấp để chống rét thì cây sẽ sinh trưởng và phát triển tốt. “Tuy nhiên, điều quan trọng là phải chú ý tới vấn đề khử trùng cho đất. Trước khi trồng, phải rắc vôi bột, bón phân hữu cơ (6 tạ /sào). Sau đó lấp đất lên rồi trồng là đạt yêu cầu. Người trồng phải chú ý làm luống cao, tránh để chân ruộng ướt, như vậy quả sẽ không bị nứt và chua” – bà Thụ nói.
Thời gian thu hoạch của dâu tây có thể kéo dài tới 6 tháng, năng suất trung bình 20-25 tấn /ha, nếu chăm sóc tốt có thể đạt 30 tấn /ha. Anh Khương cho biết, so với các giống dâu tây được trồng ở Đà Lạt (Lâm Đồng), Sơn La và nhập khẩu từ Trung Quốc thì dâu tây ở đây có quả to hơn (trung bình 20-40g/quả), màu sắc đẹp, ăn ngọt và thơm hơn. Điều đặc biệt, do sản xuất trong nước nên quả luôn tươi, màu sắc đẹp. Đây là lợi thế rất lớn so với những sản phẩm nhập khẩu thường phải hái xanh, quá trình vận chuyển dài ngày khiến quả dễ bị giập. Trong thời gian tới, Công ty TNHH Thuận Hưng sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này tới nhiều địa phương để đạt diện tích khoảng 6ha, vì theo anh Khương, thị trường của loại trái cây cao cấp này rất lớn.
ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Hội nông dân xã Minh Tân cho biết: “Đây là địa điểm duy nhất trong khu vực Đồng bằng sông Hồng thí điểm liên doanh trồng dâu tây. Nếu giá trị dâu tây mang lại hiệu quả cao như vậy, chúng tôi sẽ tính tới chuyện giúp bà con chuyển sang trồng loại cây này”.
Tuy còn khá mới mẻ nhưng có thể khẳng định, dâu tây mang lại hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định nên đưa vào cơ cấu cây trồng của nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, cũng rất cần thiết phải có quy hoạch hợp lý, tránh tình trạng phát triển tràn lan.