Anh Nguyễn Ngọc Lợi, ở ấp 3, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, Vĩnh Long, nuôi từ 5-7 con heo trong chuồng, lợi nhuận thu được trên 10 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh Lợi kết hợp lắp đặt một túi ủ bioga. Để giảm chi phí cho lần lắp đặt đầu tiên, anh Lợi chuẩn bị hai túi nilông dầy, có chiều dài từ 8–10m, chiều rộng từ 0,8-0,9m, 2 ống sành đường kính từ 10–12cm, 10 ruột xe hỏng (ruột xe gắn máy hoặc xe đạp), 6 khoanh dây kẽm loại lớn và một số dụng cụ phụ... 1 túi nilông anh Lợi dùng để đựng nước phân lỏng khoảng 10cm3, đặt cố định (được che mát) và treo thẳng trên nóc chuồng vật nuôi. Anh Lợi nói : “Phương pháp này rất dễ sử dụng, khi đun nấu chỉ cần bật que diêm là lửa cháy, nấu vừa nhanh, vừa sạch, lại vừa tiết kiệm được tiền mua chất đốt. Nhờ toàn bộ nước phân tươi được cho vào túi nilông ủ bioga kín, nên hoàn toàn không có mùi hôi thối, tránh ô nhiễm môi trường. Phân qua túi ủ bioga khi bón cho cây trồng cũng được hoai mục, bớt mùi hôi và tiêu diệt được ký sinh trùng. Sử dụng túi bioga vừa có tác dụng xử lý chất thải trong chăn nuôi, vừa tạo được nguồn khí đốt trong gia đình. Một gia đình có một túi bioga có thể nấu ăn toàn bộ bằng bếp ga rất sạch sẽ, tiện lợi”.
Trước đây, ông Trần Thiên Hội, ở ấp Thông Nguyên, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình đầu tư nuôi chim bồ câu với qui mô lớn. Nhưng chủ nuôi không xây chuồng trại cố định, đàn vật nuôi được nhốt trong chuồng trên nền đất. Hằng ngày, mùi phân, rác bốc lên nồng nặc, ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình và láng giềng. Môi trường ô nhiễm nên đàn chim bồ câu cũng thường phát sinh dịch bệnh. Từ khi dịch cúm gia cầm bùng phát, ông Hội đã chuyển sang nuôi chim bồ câu bằng lồng đặt trên sàn, kết hợp với nuôi cá dưới mặt ao. Nhờ áp dụng cách này mà phân chim bồ câu thải xuống mặt ao được cá ăn hết cho nên không gây ô nhiễm môi trường, đàn chim bồ câu cũng lớn nhanh hơn. Hiện tại, mỗi tháng ông cung cấp ra thị trường từ 70–80 cặp chim bồ câu (mới ra ràng khoảng 2 tuần tuổi), giá từ 30–40 ngàn đồng/cặp. Ngoài ra, ông còn thu được vài tấn cá thương phẩm/ vụ nuôi mà không phải tốn chi phí thức ăn đầu tư.
Vừa qua, qua lớp tập huấn IPM trên cây có múi, vườn anh Lê Văn Khoa (ở khóm 4, thị trấn Tam Bình) được Trạm bảo vệ thực vật huyện chọn làm điểm để trình diễn mô hình IPM. Lúc này, vườn cam sành của anh đã bị nhiễm vàng lá thối rễ trên 70%. Sau khi áp dụng IPM, anh Khoa đã ngưng sử dụng phân, thuốc hóa học thay vào đó anh sử dụng nguồn phân hữu cơ, phân chuồng kết hợp với nấm Trichoderma. Anh còn nuôi thêm kiến vàng trong vườn để phòng trừ sâu hại. Anh Khoa cho biết: “Từ khi áp dụng các phương pháp trên, chi phí đầu tư cho sản xuất của tôi giảm, năng suất lại tăng rõ rệt. Với 2 công (2.000 m2) đất trồng cam, khi chưa áp dụng theo chương trình IPM tôi chỉ thu khoảng 1 tấn trái. Qua 1 năm thực hiện IPM, vườn cam của tôi đã phục hồi dần”.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, tỷ lệ bị vàng lá trên vườn cam của anh đã giảm còn không tới 20%. Anh Khoa phấn khởi nói: “Năm nay, đến thời điểm này, tôi đã thu được trên 1 tấn cam vụ nghịch ước còn khoảng 2–3 tấn trái sẽ thu hoạch vào cuối năm nay”. Với kết quả thử nghiệm trên vườn cam của anh Lê Văn Khoa, các ngành chức năng đang tổ chức tập huấn cho nông dân để nhân rộng mô hình trong thời gian tới.