Người nông dân miền núi phía Bắc
Được đăng : 13-12-2016 16:26:19
Ở miền núi, tỷ lệ nông dân trên tổng số dân rất cao, tuy số lượng không nhiều bằng dưới xuôi. Người dân các vùng núi cao phía Bắc đa số sống nhờ nương rẫy, rừng, suối... Họ là “nông dân thứ thiệt” nhưng lại ít được chú ý đúng mức khi nói đến nông dân. Trong khi với nông dân các vùng đồng bằng, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật đã là chuyện không dễ dàng thì với họ, trăm ngàn lần khó hơn.Giống - đầu ra - chế biếnNhững năm gần đây, đời sống bà con dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc được cải thiện đáng kể, do hệ thống đường - trường - trạm được Nhà nước đầu tư xây dựng mạnh. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, thu nhập của họ vẫn rất thấp. Tại Mai Sơn (Sơn La), trong những thung lũng, người ta dễ dàng bắt gặp những nương ngô xanh rờn, chạy dài mát mắt.Nhưng với người nông dân ở đây thì sự tươi tốt của những nương ngô vẫn không mang lại ấm no, bởi lẽ giá của loại nông sản này rất thấp. Do chưa có loại cây nào cho năng suất và giá thành cao, nên họ vẫn phải trồng ngô, vừa để ăn, vừa để chăn nuôi gia súc. Vấn đề quan trọng là đưa cây gì đến cho bà con nông dân miền núi, thay thế hiệu quả những loại cây truyền thống. Đã có nhiều loại cây được đưa vào, cũng chỉ được vài vụ, sau đó hoặc là thoái hóa do không hợp thổ nhưỡng, hoặc là “khủng hoảng thừa”, rớt giá.Cụ thể như cây mận. Tại Bắc Hà (Lào Cai), những năm trước phong trào trồng mận rất sôi nổi. Cùng với những nương lúa nước, những vạt ngô, người ta vỡ đất núi để trồng mận. Người người trồng mận, nhà nhà trồng mận. Cây mận hợp đất, lại được chăm sóc kỹ nên cho sản lượng cao. Tuy nhiên, ngay sau đó là chuyện tiêu thụ thế nào? Bán trong vùng được rất ít vì hầu như nhà nào cũng trồng mận, còn đem về xuôi thì xa xôi cách trở, đi lại khó khăn.Cả một mùa mận, một nhà..
Ở miền núi, tỷ lệ nông dân trên tổng số dân rất cao, tuy số lượng không nhiều bằng dưới xuôi. Người dân các vùng núi cao phía Bắc đa số sống nhờ nương rẫy, rừng, suối... Họ là “nông dân thứ thiệt” nhưng lại ít được chú ý đúng mức khi nói đến nông dân. Trong khi với nông dân các vùng đồng bằng, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật đã là chuyện không dễ dàng thì với họ, trăm ngàn lần khó hơn.
Giống - đầu ra - chế biến
Những năm gần đây, đời sống bà con dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc được cải thiện đáng kể, do hệ thống đường - trường - trạm được Nhà nước đầu tư xây dựng mạnh. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, thu nhập của họ vẫn rất thấp. Tại Mai Sơn (Sơn La), trong những thung lũng, người ta dễ dàng bắt gặp những nương ngô xanh rờn, chạy dài mát mắt.
Nhưng với người nông dân ở đây thì sự tươi tốt của những nương ngô vẫn không mang lại ấm no, bởi lẽ giá của loại nông sản này rất thấp. Do chưa có loại cây nào cho năng suất và giá thành cao, nên họ vẫn phải trồng ngô, vừa để ăn, vừa để chăn nuôi gia súc. Vấn đề quan trọng là đưa cây gì đến cho bà con nông dân miền núi, thay thế hiệu quả những loại cây truyền thống. Đã có nhiều loại cây được đưa vào, cũng chỉ được vài vụ, sau đó hoặc là thoái hóa do không hợp thổ nhưỡng, hoặc là “khủng hoảng thừa”, rớt giá.
Cụ thể như cây mận. Tại Bắc Hà (Lào Cai), những năm trước phong trào trồng mận rất sôi nổi. Cùng với những nương lúa nước, những vạt ngô, người ta vỡ đất núi để trồng mận. Người người trồng mận, nhà nhà trồng mận. Cây mận hợp đất, lại được chăm sóc kỹ nên cho sản lượng cao. Tuy nhiên, ngay sau đó là chuyện tiêu thụ thế nào? Bán trong vùng được rất ít vì hầu như nhà nào cũng trồng mận, còn đem về xuôi thì xa xôi cách trở, đi lại khó khăn.
Cả một mùa mận, một nhà bán không nổi dăm triệu đồng. Không thể để mận chín nẫu trên cây, giá nào cũng phải bán, vả lại tại địa phương không có một cơ sở chế biến nào. Gần đây, không ít hộ gia đình ở Bắc Hà lại phá mận, trồng lê (giống nhập từ Đài Loan, Trung Quốc) với niềm hy vọng mới.
Tương tự, tại huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai), những năm trước không ít nhà “phất” lên nhờ cây thảo quả. Đến khi việc trồng thảo quả thành đại trà, khối lượng quá lớn thì giá rớt, bán chậm. Dưới xuôi, không bán chỗ này thì thồ ra bán chỗ khác; ở miền núi không đơn giản như vậy. Muốn chuyên chở một ít nông phẩm đi bán, họ phải trèo núi, vượt suối hàng chục cây số, hết sức cực nhọc.
Với vật nuôi cũng không dễ dàng. Tập quán của bà con nông dân miền núi phía Bắc là chăn thả gia súc, gia cầm. Vật nuôi lớn lên chủ yếu dựa nhờ thiên nhiên, không mấy khi người ta mua thức ăn cho trâu bò, gà, heo. Vì thế, vật nuôi chậm lớn, giá trị kinh tế thấp.
Việc đưa kỹ thuật mới (cụ thể là thức ăn tăng trọng cho gia súc, gia cầm) vào chăn nuôi hộ gia đình miền núi rất khó khăn. Không chỉ do tập quán, mà căn bản là họ không có tiền để mua thức ăn cho đàn heo, đàn gà, cho dù vẫn biết sẽ thu được lợi nhuận nhanh và nhiều hơn. Cũng vì thiếu vốn nên họ cũng không thể nhập các con giống năng suất cao về để chăn nuôi.
Bài toán nâng năng suất lúa ở khu vực này cũng đang đòi hỏi một cách giải thỏa đáng. Bà con chủ yếu trồng lúa nương, bám vào triền núi, mỗi thửa đều nhỏ nên không thể đưa máy móc vào làm đất cũng như thu hoạch. Vì vậy, công việc đồng áng vẫn tiếp tục nặng nhọc và thu nhập từ cây lúa vẫn rất thấp.
Lóe lên niềm hy vọng
Đời sống người nông dân miền núi phía Bắc vẫn còn nhiều khó khăn, tuy thế thời gian gần đây cũng đã nhen lên hy vọng. Tại Yên Bái, có hộ gia đình khoanh đồi núi lại, thả heo rừng để chăn nuôi. Heo rừng không tốn công chăm cũng như thức ăn, chúng tự tìm kiếm từ thiên nhiên, giá bán lại cao. Từ đó, người ta còn phối giống heo đực rừng với heo nái đã thuần chủng, đẻ được nhiều con hơn và tăng trưởng cũng mau hơn. Đây là lứa heo rừng F1, chất lượng thịt vẫn bảo đảm, được người tiêu dùng chấp nhận. Vì thế, thu nhập của người chăn nuôi cũng tăng lên đáng kể.
Tại Sa Pa (Lào Cai), nông dân kết hợp với nhà đầu tư dưới xuôi lên nuôi cá hồi. Sa Pa khí hậu mát mẻ, đặc biệt là mùa đông kéo dài, nhiệt độ xuống thấp, phù hợp với sự tăng trưởng và sinh sản của giống cá quý hiếm. Không ít hộ gia đình nhờ con cá hồi mà có của ăn của để. Cũng ở Sa Pa, nhiều hộ đã đầu tư trồng nấm, tạo ra món lẩu nấm rất đặc biệt của xứ này, hấp dẫn du khách.
Chuyển từ việc hái nấm trong tự nhiên sang việc trồng nấm tại nhà là cả một sự biến đổi lớn trong tư duy cũng như cách thức làm ăn, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Khi Sa Pa trở thành một điểm du lịch quyến rũ, nhiều nông dân thôi không vào rừng chặt phong lan đem bán, mà đã áp dụng công nghệ nuôi trồng, chiết ghép mới, tạo ra những dò phong lan nhân tạo nhưng vẫn đậm hương sắc núi rừng. Như vậy, yếu tố thương mại đã được một bộ phận nông dân miền núi phía Bắc coi trọng, vượt thoát khỏi thói quen tự cung tự cấp, trao đổi hàng hóa lâu đời.
Nhiều nơi bà con còn chủ động đào hồ nuôi cá ngay trên núi. Tại Hoàng Su Phì (Lào Cai), không ít hộ nông dân đã uốn dòng chảy của suối vào những chiếc hồ nhân tạo, để lấy nước nuôi cá. Tuy hồ không lớn, cá chưa nhiều, nhưng đây cũng là cách làm ăn mới cho thu nhập khá. Cá ở miền núi bán được giá, sau mỗi vụ thu hoạch bà con cũng đủ tiền mua sắm những vật dụng cần thiết trong nhà. Có nhà sắm xe máy đời mới, ti vi màn hình tinh thể lỏng nhờ hồ cá.
Biến đổi quan trọng, rõ thấy nhất là không ít bà con nông dân đã phối hợp công việc nương rẫy với dịch vụ du lịch. Miền núi phía Bắc được thiên nhiên ưu đãi, nhiều địa điểm đẹp, lý tưởng cho phát triển du lịch. Trước đây là lĩnh vực “độc tôn” của Nhà nước hoặc các nhà đầu tư dưới xuôi lên.
Nay bà con địa phương đã dần tham gia vào các hoạt động du lịch, như làm hướng dẫn viên theo thời vụ, đầu tư công nghệ làm thổ cẩm và các vật dụng lưu niệm, không chỉ bán lẻ cho khách mà còn bán buôn với khối lượng đáng kể. Đến bản Văn, bản Lác của Hòa Bình; Sa Pa, Bắc Hà của Lào Cai; Đồng Văn của Hà Giang... ta sẽ bắt gặp điều đó.
Như vậy, đời sống của bà con nông dân miền núi phía Bắc tuy vẫn khó khăn nhưng đây đó đã sáng lên niềm hy vọng đổi đời. Vấn đề là những đốm sáng đó cần được nhân rộng, bà con nông dân miền núi cần được tiếp sức để họ bước tiếp những bước chắc khỏe hơn, hòa nhập vào công cuộc phát triển chung của đất nước.