Nhân rộng mô hình cánh đồng vàng ở Việt Yên, Bắc Giang
Được đăng : 13-12-2016 16:26:18
Xây dựng cánh đồng cho thu nhập cao là mục tiêu quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế của huyện Việt Yên khi một phần không nhỏ diện tích đất canh tác dành để xây dựng khu, cụm công nghiệp. Những năm gần đây, huyện đã chú trọng vận động nông dân "dồn điền, đổi thửa", chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mùa vụ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập.Xã Hương Mai được đánh giá là đơn vị điển hình của huyện về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ để xây dựng cánh đồng cho thu nhập cao. Những năm trước đây, do đất canh tác còn phân tán, trình độ sản xuất còn hạn chế nên nông dân địa phương chỉ cấy lúa, trồng khoai, hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2006, UBND xã đã vận động nông dân tích cực "dồn điền, đổi thửa", quy hoạch gần 9 ha đất nông nghiệp tại thôn Xuân Minh làm điểm xây dựng cánh đồng thu nhập cao. Thay vì chỉ cấy 2 vụ lúa, nông dân đã luân canh 3 vụ dưa hấu, 1 vụ khoai tây/năm. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, UBND xã trích ngân sách hỗ trợ nông dân 50 nghìn đồng/sào để mua giống, vật tư phân bón, đồng thời phối hợp với cơ quan chuyên môn chuyển giao kỹ thuật sản xuất. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, năng suất dưa hấu đạt 1-1,2 tấn/sào/vụ, khoai tây 0,7 tấn/sào/vụ. Theo tính toán của các hộ nông dân, canh tác theo công thức luân canh..
Xây dựng cánh đồng cho thu nhập cao là mục tiêu quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế của huyện Việt Yên khi một phần không nhỏ diện tích đất canh tác dành để xây dựng khu, cụm công nghiệp. Những năm gần đây, huyện đã chú trọng vận động nông dân "dồn điền, đổi thửa", chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mùa vụ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập.
Xã Hương Mai được đánh giá là đơn vị điển hình của huyện về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ để xây dựng cánh đồng cho thu nhập cao. Những năm trước đây, do đất canh tác còn phân tán, trình độ sản xuất còn hạn chế nên nông dân địa phương chỉ cấy lúa, trồng khoai, hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2006, UBND xã đã vận động nông dân tích cực "dồn điền, đổi thửa", quy hoạch gần 9 ha đất nông nghiệp tại thôn Xuân Minh làm điểm xây dựng cánh đồng thu nhập cao. Thay vì chỉ cấy 2 vụ lúa, nông dân đã luân canh 3 vụ dưa hấu, 1 vụ khoai tây/năm. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, UBND xã trích ngân sách hỗ trợ nông dân 50 nghìn đồng/sào để mua giống, vật tư phân bón, đồng thời phối hợp với cơ quan chuyên môn chuyển giao kỹ thuật sản xuất. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, năng suất dưa hấu đạt 1-1,2 tấn/sào/vụ, khoai tây 0,7 tấn/sào/vụ. Theo tính toán của các hộ nông dân, canh tác theo công thức luân canh mới, mỗi héc ta cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều lần so với cấy lúa. Thấy được hiệu quả mô hình trồng dưa hấu luân canh tại thôn Xuân Minh, nhiều thôn khác như: Việt Hoà, Tam Hợp cũng đưa dưa hấu vào cơ cấu cây trồng hàng năm. Không chỉ thâm canh loại cây này, người dân địa phương còn liên kết với một số công ty chế biến nông sản trong và ngoài tỉnh sản xuất hành Hàn Quốc, ớt cay, ngô giống... Đến nay, toàn xã có bốn cánh đồng cho thu nhập trên 80 triệu đồng/ha /năm với tổng diện tích gần 40 ha.
Không chỉ ở xã Hương Mai, các địa phương khác trên địa bàn huyện Việt Yên cũng tích cực đưa những cây trồng giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất để xây dựng cánh đồng thu nhập cao. Ngoài những cây rau màu truyền thống như: su hào, bắp cải, cà chua, bí xanh, khoai tây, đậu các loại, bí đỏ Nhật... nông dân còn liên kết với các công ty chế biến nông sản sản xuất dưa bao tử, ngô bao tử, gấc lai xuất khẩu. Để nâng cao thu nhập cho các hộ, UBND huyện sớm có những định hướng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nắm được thế mạnh, tiềm năng của từng vùng đất để quy hoạch phù hợp với trình độ canh tác, tập quán thâm canh. Đối với các xã chủ động được nước tưới như: Quảng Minh, Tiên Sơn, Tự Lạn tập trung trồng rau màu thực phẩm; các xã khó khăn về nước tưới: Bích Động, Bích Sơn, Việt Tiến chuyển một phần diện tích cấy lúa sang trồng lạc. Bên cạnh đó, UBND huyện có chính sách hỗ trợ nông dân canh tác ở cánh đồng cho thu nhập cao để mua giống cây trồng mới với mức một triệu đồng/ha; chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các xã, thị trấn xây dựng công thức luân canh cho từng cánh đồng, Trạm Khuyến nông lựa chọn cây, con giống mới có năng suất, chất lượng cao để xây dựng mô hình trình diễn và tăng cường tập huấn chuyển giao kỹ thuật, tổ chức hội thảo đầu bờ để tuyên truyền nhân rộng. Bằng các biện pháp đó, đến nay toàn huyện Việt Yên có 79 cánh đồng cho thu nhập cao, quy mô từ 3 ha trở lên/cánh đồng với tổng diện tích gần 400 ha. Một số công thức luân canh cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm là: rau vụ xuân - lúa mùa sớm - rau hè thu- rau vụ đông lúa xuân - rau hè - dưa hấu thu- khoai tây đông; lúa xuân- lúa mùa sớm- rau vụ đông... Trong chương trình xây dựng cánh đồng cho thu nhập cao, thuỷ sản cũng được huyện xác định là thế mạnh. Các địa phương chú trọng chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa một vụ không ăn chắc sang nuôi trồng thuỷ sản để xây dựng cánh đồng cho thu nhập cao. Toàn huyện hiện có 400 ha ruộng trũng đã quy hoạch thành vùng nuôi cá, tập trung chủ yếu ở xã: Nghĩa Trung, Tự Lạn, Việt Tiến. Theo tính toán của bà con nông dân, mỗi ha mặt nước nuôi cá cho thu hoạch từ 5-10 tấn/năm.
Tuy nhiên, việc xây dựng cánh đồng cho thu nhập cao ở Việt Yên hiện gặp không ít khó khăn do giá cả nông sản không ổn định; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đồng bộ... Khắc phục những hạn chế này, thời gian gian tới UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác "dồn điền, đổi thửa", bổ sung quy hoạch vùng sản xuất, đồng thời tăng mức hỗ trợ lên 5 triệu đồng/ha cho nông dân đưa cây trồng giống mới, có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất trên các cánh đồng cho thu nhập cao, tăng cường tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tích cực tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến nông sản gặp gỡ, trao đổi với nông dân để liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Chú trọng đầu tư cho hệ thống thuỷ lợi để chủ động nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.