Tác dụng của rau sam 

Được đăng : 13-12-2016 16:26:18
Rau sam là một loại rau mọc hoang, ăn được, không có độc tính, có nhiều chất bổ dưỡng như sinh tố A, B1, B2, C, PP, một số khoáng chất và nhiều acid béo omega-3. Ngoài tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, có thể cải thiện nồng độ cholesterol cao trong máu, rau sam còn là một nguồn kháng sinh tự nhiên rất quý trong việc điều trị các chứng viêm nhiễm đường ruột và đường sinh dục tiết niệu.Rau sam và tác dụng dược lýRau sam còn có tên là Mã xỉ hiện vì có lá giống hình răng ngựa. Tên khoa học là Portulaca Oleracea L. thuộc họ Rau Sam Portulacea. Rau sam là một loại cỏ dại sống quanh năm ở những vùng ẩm mát như bờ ruộng, bờ mương, ven đường hoặc mọc xen kẽ trong những luống hoa màu. Thân gồm nhiều cành mẩm, nhẵn, màu đỏ nhạt, mọc bò lan trên mặt đất. Lá hình bầu dục, phần đáy lá hơi nhọn, không cuống, phiến lá dày, mặt láng. Hoa màu vàng. Hạt màu đen. Ở nước ta rau sam thường chỉ mọc hoang. Hiếm khi thấy được gieo trồng hoặc bày bán làm thức ăn. Tuy nhiên nhiều gia đình ở nông thôn vẫn dùng rau sam để luộc hoặc nấu canh ăn như những loại rau trồng khác. Rau sam phơi khô làm thuốc thường được thu hái từ nguồn hoang dã vào mùa hè và mùa thu. Rau tươi có thể tìm thấy quanh năm ở những nơi ẩm mát.Thành phần Rau sam bao gồm nhiều hoạt chất sinh học như chất đạm, chất béo,..

Rau sam là một loại rau mọc hoang, ăn được, không có độc tính, có nhiều chất bổ dưỡng như sinh tố A, B1, B2, C, PP, một số khoáng chất và nhiều acid béo omega-3. Ngoài tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, có thể cải thiện nồng độ cholesterol cao trong máu, rau sam còn là một nguồn kháng sinh tự nhiên rất quý trong việc điều trị các chứng viêm nhiễm đường ruột và đường sinh dục tiết niệu.
Rau sam và tác dụng dược lý
Rau sam còn có tên là Mã xỉ hiện vì có lá giống hình răng ngựa. Tên khoa học là Portulaca Oleracea L. thuộc họ Rau Sam Portulacea. Rau sam là một loại cỏ dại sống quanh năm ở những vùng ẩm mát như bờ ruộng, bờ mương, ven đường hoặc mọc xen kẽ trong những luống hoa màu. Thân gồm nhiều cành mẩm, nhẵn, màu đỏ nhạt, mọc bò lan trên mặt đất. Lá hình bầu dục, phần đáy lá hơi nhọn, không cuống, phiến lá dày, mặt láng. Hoa màu vàng. Hạt màu đen. Ở nước ta rau sam thường chỉ mọc hoang. Hiếm khi thấy được gieo trồng hoặc bày bán làm thức ăn. Tuy nhiên nhiều gia đình ở nông thôn vẫn dùng rau sam để luộc hoặc nấu canh ăn như những loại rau trồng khác. Rau sam phơi khô làm thuốc thường được thu hái từ nguồn hoang dã vào mùa hè và mùa thu. Rau tươi có thể tìm thấy quanh năm ở những nơi ẩm mát.
Thành phần Rau sam bao gồm nhiều hoạt chất sinh học như chất đạm, chất béo, carbonhydrate, một số khoáng chất và sinh tố. Theo Viện Vệ sinh Hà Nội (1972), rau sam thu hái tại Việt Nam có 1,4% protid, 3% glucid, 1,3% tro, 85mg% canxi, 5,6mg% phosphor, 1,5mg% sắt, 26mg% vitamin C, 0,32mg% carotene, 0,03%mg vitamin B1, 0,11mg% vitamin B2, 0,07%mg vitamin PP. Những nghiên cứu ở Đài Loan và Úc còn cho thấy trong rau sam có nhiều potasium nitrate và calcium oxalate.
Tác dụng dược lý Từ lâu y học dân gian nước ta thường dùng rau sam làm thuốc sát trùng trong những chứng lở loét ngoài da, làm tiêu nhọt độc và làm lợi tiểu trong chứng tiểu buốt, tiểu rát. Nhân dân Trung Quốc và Ấn Độ dùng rau sam để trị bệnh ho, lao phổi, giải độc rắn hoặc côn trùng cắn. Người Ấn Độ còn dùng rau sam làm thuốc co mạch. Dân Haiti và Thổ Nhĩ Kỳ dùng rau sam để làm thuốc an thần, chữa bệnh mất ngủ. Nhiều vùng ở Trung Quốc, Brazil, Cộng hòa Dominique dùng rau sam để lọc máu, tiêu viêm, giảm đau. Nghiên cứu khoa học cho thấy rau sam có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi trùng lỵ và thương hàn. Dịch chiết rau sam bằng cồn etylic có hiệu quả rõ rệt đối với trực khuẩn E. Coli, kiết lỵ và thương hàn. Những nhà khoa học Mỹ và Úc còn cho biết trong rau sam có nhiều acid béo Omega-3 có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch và tăng cường sức miễn dịch của cơ thể. Theo Đông y rau sam có vị chua tính lạnh, không có độc tính, vào ba kinh Tâm, Can và Đại trường, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết tiêu viêm, nhuận trường lợi tiểu, thường được dùng trong các chứng viêm nhiễm, lở ngứa, kiết lỵ. Theo kinh nghiệm riêng của tác giả, rau sam là một nguồn kháng sinh tự nhiên rất quý trong các chứng viêm nhiễm đường ruột và đường sinh dục, tiết niệu. Có một số trường hợp viêm cầu thận, viêm bàng quang hoặc viêm đường niệu đạo dây dưa nhiều ngày do vi trùng đã lờn thuốc kháng sinh Tây y, nhưng lại đáp ứng rất tốt với rau sam. Với liều khoảng 600g rau tươi một ngày, sắc cô lại cho bệnh nhân uống mỗi 2 hoặc 3 giờ thường không quá một ngày các chứng buốt, rát, đau quặn sẽ biến mất.
Những bài thuốc có rau sam
Chữa viêm cầu thận, viêm bàng quang, niệu đạo Rau sam tươi 600g, gừng sống 7 đến 9 lát. Nấu sôi khoảng 400ml nước. Khi nước sôi lần lượt cho cả rau và gừng sống vào. Đảo qua lại vài lần. Chỉ sau khoảng 7-10 phút là có thể chắt nước ra uống được. Thời gian nấu nhanh có thể bảo đảm được tối đa hoạt chất và chất bổ dưỡng. Khi uống cho thêm vào một chút muối. Chia ra uống làm nhiều lần trong ngày. Mỗi lần cách nhau khoảng 2 hoặc 3 giờ. Có thể ăn cả xác. Gừng sống có tác dụng hạn chế bớt tính hàn của rau sam, không làm trệ tỳ lại có thể tăng cường chức năng khí hóa ở thận và bàng quang.
Chữa xơ vữa động mạch, làm hạ độ cholesterol trong máu Rau sam tươi 100g, gừng sống 3 lát. Luộc hoặc nấu canh ăn hàng ngày. Ăn cả nước lẫn xác. Có thể thêm vào gia vị tùy thích. Thỉnh thoảng ăn mỗi đợt từ 5 đến 7 ngày.
Chữa khí hư, bạch đới ở phụ nữ Rau sam tươi 100g. Giã nát vắt lấy nước, hòa với 2 lòng trắng trứng gà, khuấy đều, hấp chín. Chia ra ăn làm 2 lần trong ngày. Ăn từ 3 đến 5 ngày.
Chữa kiết lỵ cấp tính Rau sam tươi 100g. Giã nát vắt lấy nước, đun nóng, cho thêm một chút mật ong hoặc đường đen vào để uống.
Chữa sán xơ mít Rau sam tươi 100g. Giã nước lọc lấy nước, cho thêm một chút muối và một muỗng giấm, uống vào lúc sáng sớm khi bụng đói.
Chữa bệnh giun kim Rau sam tươi 80g. Giã nát lọc lấy nước, thêm một chút muối. Uống từ 3 đến 5 ngày.
Chữa mụn nhọt sang độc Rau sam tươi một nắm. Giã nát đắp lên mụn nhọt băng lại.
Lưu ý: Rau sam hoạt huyết và tính hàn nên không sử dụng cho người có thai. Với những bệnh nhân có thể tạng hư hàn, hay đi tiêu lỏng, khi sử dụng rau sam cần được phối hợp tốt với những vị thuốc cay, ấm để không làm trệ tỳ. Ngoài ra do hàm lượng nitrate và oxalate có trong rau sam nên cần thận trọng khi dùng với người có tiền sử về sạn thận.