03/11/2016
Tác hại khôn lường khi ăn thịt heo tồn dư chất cấm

Thông tin từ Cục cảnh sát môi trường cho thấy trong 2 năm 2014 và 2015, Bộ Y tế đã cấp phép nhập khẩu Salbutamol cho 20 doanh nghiệp. Trong đó, đã có 16 doanh nghiệp nhập khẩu về với khối lượng 9,1 tấn và đã có khoảng 6 tấn đã bán ra thị trường. Trên thực tế, việc sử dụng Salbutamol đúng mục đích chỉ được hơn 10kg.

Điều này khiến người dân hết sức hoang mang, lo lắng bởi Salbutamol là chất có thể gây ung thư, được tuồn ra ngoài dùng tràn lan để chăn nuôi heo, cung cấp thực phẩm cho người.

Công ty Trường Phú (Hải Dương) bị phát hiện có 7 mẫu nhiễm chất cấm Salbutamol trong thức ăn chăn nuôi (Ảnh: Minh Long/VOV)

Bà Phạm Khánh Phong Lan (Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM) khẳng định: Bản thân Salbutamol là một dược chất, nên phải được sử dụng đúng mục đích làm thuốc. Chúng ta có điều luật để quản lý, nếu làm thuốc giả hay thuốc kém chất lượng thì xử phạt rất nặng. Trong trường hợp Salbutamol sử dụng làm chất tạo nạc và nó lưu trữ trong thịt heo, con người ăn vào sẽ tích tụ trong cơ thể.

Rõ ràng khi ăn vào ngoài ý muốn, người dân không biết, vậy có khác nào người dân tiêu thụ thuốc kém chất lượng? Đương nhiên mỗi loại dược chất đều có cơ chế đặc thù, nhưng nếu như người dân đó mai sau khi cần sử dụng thuốc thật thì sẽ dẫn đến tình trạng nhờn thuốc, chưa kể mỗi loại thuốc bên cạnh tác dụng chính còn có tác dụng phụ.

"Ở đây người dân ăn thịt heo chứ đâu phải trị bệnh, vì thế người dân phải chịu cả tác dụng dược lý của Salbutamol cũng như tác dụng phụ của nó. Do đó sẽ có nguy cơ ngộ độc, nguy cơ về mặt sức khỏe… Tùy từng hoạt chất phải có nghiên cứu thấu đáo thì mới kết luận, nhưng chắc chắn là rất có hại" - bà Lan nói.

Được biết, cuối năm 2015, khi có thông tin về việc hoạt chất Salbutamol bị nghi sử dụng sai mục đích trong chăn nuôi, Bộ Y tế đã thực hiện đợt kiểm tra các doanh nghiệp nhập khẩu hoạt chất này. Qua đó phát hiện Công ty TNHH quốc tế Phương Đông nhập khẩu hoạt chất Salbutamol, với số lượng thực tế nhiều hơn 200kg so với số lượng ghi trên đơn hàng nhập khẩu được Cục Quản lý Dược phê duyệt. Sau khi xử phạt nặng đối với công ty này, Bộ Y tế đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, đồng thời quyết định tạm ngừng nhập khẩu hoạt chất Salbutamol.

Ông Đỗ Văn Đông - Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết: Bộ Y tế đã đề xuất bổ sung vào luật Dược sửa đổi nội dung: đưa các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (ví dụ như nguyên liệu Salbutamol trong ngành nông nghiệp) vào khái niệm "thuốc phải kiểm soát đặc biệt"). Luật Dược 2005 quy định các thuốc phải kiểm soát đặc biệt chỉ bao gồm thuốc gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc phóng xạ.

Theo đó, các thuốc thuộc danh mục cần kiểm soát đặc biệt được quản lý chặt chẽ như sau: các cơ sở kinh doanh thuốc thuộc danh mục cần kiểm soát đặc biệt phải đáp ứng điều kiện kinh doanh quy định chung đối với thuốc đồng thời phải đáp ứng các điều kiện về đảm bảo an ninh, đảm bảo kiểm soát không để xảy ra thất thoát hay sử dụng trái mục đích phòng bệnh, chữa bệnh. Đối với thuốc phóng xạ phải đáp ứng các điều kiện về an toàn bức xạ và phải có giấy phép về bảo đảm an toàn bức xạ.

Cụ thể là điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất kỹ thuật, các quy trình liên quan đến hoạt động kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt, chế độ lưu giữ hồ sơ, chứng từ, chế độ báo cáo. Qua đó, cơ quan quản lý sẽ kiểm soát được đường đi của thuốc trong hệ thống phân phối, sử dụng thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Chính vì vậy, quy định về dự trù, duyệt dự trù và chế độ báo cáo đối với các thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc được quy định rất chặt chẽ. Bên cạnh đó các chế tài xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc phải kiểm soát đặc biệt cũng nặng hơn rất nhiều so với thuốc thông thường.

Như vậy, nếu Luật Dược sửa đổi được thông qua với quy định đưa salbutamol vào danh mục thuốc cần kiểm soát đặc biệt, Bộ Y tế sẽ kiểm soát rất chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, phân phối và sử dụng. Việc cấp phép nhập khẩu sẽ căn cứ vào báo cáo cụ thể về số lượng sản xuất, tồn kho…

PV/VOV.VN

In tin    Phản hồi    Lượt truy cập: 2673