Ngay sau khi được phê duyệt, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai Đề án tới các cấp huyện, xã. Từ đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa đã phối hợp với các ban ngành liên quan để ban hành và thực hiện 23 văn bản chỉ đạo. Việc này đảm bảo Đề án được triển khai đồng bộ và hiệu quả trên toàn tỉnh.
Đến tháng 4/2024, 25/25 Đảng ủy xã, thị trấn trong huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Đề án, tạo nên một mạng lưới hợp tác mạnh mẽ, thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở.
Chia sẻ với Dân Việt, bà Nguyễn Thị Mạnh Hiền - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa cho biết: "Hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa đã xây dựng kế hoạch kiểm tra và giám sát việc thực hiện Đề án. Cán bộ Hội Nông dân thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các cấp xã, thị trấn đảm bảo tiến độ và chất lượng thực hiện. Các báo cáo kết quả triển khai được thực hiện định kỳ, giúp điều chỉnh kịp thời các vấn đề phát sinh. Nhờ đó, các hoạt động của Đề án luôn được theo dõi sát sao, đảm bảo tuân thủ đúng các mục tiêu và kế hoạch đã đề ra.
Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa đã hợp tác chặt chẽ với các đơn vị liên quan như Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm Hỗ trợ Nông dân tỉnh, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp huyện để xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Các sản phẩm nông nghiệp không chỉ được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cao mà còn được giới thiệu và tiêu thụ trên các sàn giao dịch điện tử, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng giá trị sản phẩm. Đây là một bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân".
Hội Nông dân huyện đã tổ chức gần 100 buổi tuyên truyền cho hơn 40.000 lượt người, cùng với nhiều bài viết, phóng sự trên các kênh truyền thông. Các hội thi, chương trình chuyên đề như "Nhà nông đua tài", "Nông dân với chuyển đổi số" đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho nông dân. Những hoạt động này không chỉ giúp nông dân hiểu rõ hơn về các chương trình và chính sách hỗ trợ mà còn khuyến khích họ tham gia tích cực vào các mô hình sản xuất mới.
Từ năm 2022 đến nay, các mô hình kinh tế tập thể (THT, HTX, Chi, Tổ hội nông dân nghề nghiệp) do Hội Nông dân hướng dẫn thành lập trên địa bàn huyện phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Sản phẩm OCOP dưa lưới TL3 của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm, xã Châu Minh đạt 3 sao.
Qua 2 năm, đã thành lập được mới 06 hợp tác xã (46 thành viên), 05 Chi hội nghề nghiệp (86 thành viên); 22 Tổ hội nông dân nghề nghiệp (185 thành viên) và 06 Tổ hợp tác (56 thành viên). Nâng tổng số mô hình kinh tế tập thể do Hội Nông dân trực tiếp tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập và ra mắt đến nay là 12 HTX (với 124 thành viên); 17 THT (146 thành viên); 07 Chi hội NDNN (128 thành viên) và 55 Tổ hội NDNN (546 thành viên).Điển hình như: Mô hình chăn nuôi gà: Chi hội nông dân nghề nghiệp xã Hoàng An (Quy mô: 12.000 con); hiệu quả kinh tế: 405tr.đ/lứa. Mô hình chăn nuôi lợn và chế biến: HTX NNHH Bình Minh Danh Thắng. (Quy mô: 10 ha, hiệu quả kinh tế: 42 tỷ/năm). Mô hình nuôi cá: của HTX nuôi trồng thủy sản thôn Trung Sơn - Thái Sơn (Quy mô 10ha, sản lượng 5-6tấn/ha, hiệu quả kinh tế: 1,7tỷ /ha); Mô hình nhà màng trồng rau sạch Châu Minh -HTX nông nghiệp công nghệ cao Phúc lâm: (Quy mô 4.000m2, trồng dưa chuột, hiệu quả kinh tế 300trđ/năm); Mô hình sản xuất và tiêu thụ Gạo nếp cái hoa vàng Thái Sơn quy mô 60 ha, với 646 hộ của 5 tổ hợp tác trên địa bàn xã Thái Sơn. Sản Lượng: 4,3 tấn /ha, hiệu quả kinh tế 4,6 tỷ/ha...
Sản phẩm OCOP thúc đẩy kinh tế phát triển
Qua 2 năm, HND các cấp trong huyện Hiệp Hòa đã triển khai thực hiện 48 dự án từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp cho 361 lượt hội viên vay để phát triển sản xuất và kinh doanh nông sản để xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất theo quy mô hàng hóa, hình thành các sản phẩm OCOP. Xây dựng được mô hình liên kết đối với sản phẩm OCOP 3 sao, lúa nếp cái hoa vàng tại Thái Sơn, Hiệp Hoà.Thông qua các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân và các mô hình kinh tế tập thể, chuyển giao khoa học, kỹ thuật đã giúp cho nông dân nâng cao kiến thức, mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm và thực hiện có hiệu quả chương trình mỗi xã trong toàn huyện.
Trứng gà sạch Hoa Mer, sản phẩm OCOP đạt 3 sao của Công ty TNHH Kim Tân Minh, xã Quang Minh, huyện Hiệp Hòa.
Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa đã rà soát và đăng ký 63 sản phẩm OCOP, trong đó có 11 sản phẩm mới được xây dựng. Đến nay, toàn huyện có 28 sản phẩm OCOP, trong đó 24 sản phẩm đạt 3 sao và 4 sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm này đều được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Việc nâng cấp các sản phẩm OCOP không chỉ giúp tăng giá trị sản phẩm mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.Ông La Văn Trọng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Sơn thông tin: "Trong thời gian qua, Hội NND tỉnh Bắc Giang nói chung, HND huyện Hiệp Hòa nói riêng đã tích cực hỗ trợ cho HND xã Thái Sơn cùng các chủ thể, nông dân có những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu thực hiện đúng Đề án "Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022 – 2025". Trong đó, sản phẩm nếp cái hoa vàng Thái Sơn - sản phẩm OCOP 3 sao là một trong những sản phẩm được Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang lựa chọn để hỗ trợ".
"Trong năm 2023 vừa qua, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục hỗ trợ sản xuất theo mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường, sử dụng chế phẩm trong xử lý rơm rạ và phân bón vi sinh. Mô hình này đã được triển khai trên diện tích 60 ha, trong đó có 40 ha nếp cái hoa vàng. Đồng thời, tích cực tuyên truyền bà con xây dựng mô hình canh tác thân thiện với môi trường gồm 3 quy trình: xử lý rơm rạ đúng cách, bón phân hợp lý và tưới nước điều tiết. Tin vui là mới đây, giống lúa nếp cái hoa vàng được công nhận đạt tiêu chuẩn HACCP, một trong những điều kiện cần để sản phẩm nếp cái hoa vàng Thái Sơn tiếp tục được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao" - ông Trọng thông tin thêm.
Đề án "Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022 – 2025" đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong phát triển nông nghiệp tại tỉnh Bắc Giang. Ảnh: BGTV
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, Đề án vẫn gặp một số khó khăn. Nhiều chủ thể sản phẩm OCOP gặp khó khăn về kinh phí, thủ tục pháp lý phức tạp và mẫu mã sản phẩm chưa hấp dẫn. Tuy nhiên, với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao từ các cấp lãnh đạo, cùng sự nỗ lực của Hội Nông dân và các chủ thể, Đề án hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và đời sống nông dân. Việc cải thiện và đơn giản hóa thủ tục pháp lý, cùng với hỗ trợ tài chính từ các chính sách ưu đãi, sẽ là những giải pháp quan trọng giúp khắc phục các khó khăn này.
Những kết quả nổi bật từ việc triển khai Đề án không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hội Nông dân Bắc Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn và hỗ trợ nông dân, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững và thịnh vượng.
Nguồn Dân Việt