Tại đây, các đại biểu thảo luận sôi nổi về kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường. Đó là sử dụng rơm rạ đúng cách, bón phân đúng cách và tưới nước phù hợp.
Kỹ thuật sử dụng rơm rạ đúng cách là không đốt, không vùi rơm rạ xuống đất. Thay vào đó, người dân sử dụng rơm rạ để che phủ bề mặt đất khi trồng các loại cây khác như khoai tây, hành, tỏi…; ủ làm phân hữu cơ; xử lý rơm rạ tại ruộng thành phân bón bằng chế phẩm sinh học. Cách làm này giúp cây phát triển tốt, tăng năng suất, giảm lượng phân bón khoảng 20%, đặc biệt giúp bảo vệ môi trường.
Để bón phân đúng cách, người dân sử dụng bảng so màu lá lúa. Bảng có bốn màu xanh lá từ nhạt đến đậm, đánh số từ 2-5.
Trồng lúa thân thiện với môi trường không cần để nước liên tục trong ruộng. Phương pháp hiệu quả là tưới ướt, khô xen kẽ. Nông dân sử dụng ống đo nước để quan sát, đánh giá mực nước chuẩn xác nhất. Nhờ vậy, bộ rễ cây sẽ dài hơn 7-10 cm, bám chặt, cây phát triển khỏe mạnh, hạn chế sâu bệnh hại, tăng năng suất.
Sau hội nghị, Hội Nông dân tỉnh cấp phát cho 18 xã tại 8 huyện tham gia dự án hàng trăm pano tuyên truyền, bảng so màu lá lúa và ống đo nước.
Được biết, dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” giai đoạn 3 (2023-2025) có 18 xã tham gia.
Cụ thể là: Xã Lương Phong, Thái Sơn (Hiệp Hòa); xã Tân Trung, Phúc Sơn (Tân Yên); xã Hương Mai, Tự Lạn (Việt Yên); xã An Thượng, Hồng Kỳ, Tân Hiệp (Yên Thế); xã Vĩnh An, Cẩm Đàn (Sơn Động); xã Đào Mỹ, Nghĩa Hưng, Nghĩa Hòa (Lạng Giang); xã Tư Mại, Xuân Phú (Yên Dũng); xã Bảo Sơn, Thanh Lâm (Lục Nam).
Nguồn Báo Bắc Giang