29/05/2024
Biện pháp phòng, trị một số bệnh thường gặp ở cá nuôi lồng, bè

 

Những năm gần đây nghề nuôi cá trong lồng, bè tại một số tỉnh miền Bắc phát triển mạnh, đối tượng nuôi chủ yếu là cá lăng đen, cá rô phi, cá diêu hồng, cá trắm cỏ, cá chiên, cá ngạnh… Tuy nhiên, do mật độ cá thả tăng, hệ lụy từ vùng nuôi quá tải, kết hợp với sự biến động của thời tiết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã gây ra những thiệt hại không nhỏ cho người nuôi. Dịch bệnh xảy ra làm ảnh hưởng lớn đến sản lượng và năng suất cá nuôi, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển mùa. Dưới đây, chúng tôi giới thiệu một số bệnh thường gặp trên cá nuôi lồng tại một số tỉnh phía Bắc, bà con có thể tham khảo để có giải pháp phòng, trị bệnh đạt hiệu quả cao hơn.

1. Bệnh do vi - rút

a. Bệnh do vi - rút KHV (Koi Herpesvirus)

- Đối tượng chính nhiễm bệnh: Cá chép và cá chép cảnh.

- Dấu hiệu bệnh: Cá thường nổi đầu, bơi tách đàn, mang bị tổn thương hoại tử có các đốm đỏ hoặc trắng, trên thân xuất hiện nhiều nhớt xuất huyết, có các đốm rộp phồng, các cơ quan bên trong thường bị xuất huyết, bóng hơi sưng. Cá bị bệnh ở tất cả các giai đoạn, thường lây từ cá sang cá.

- Mùa vụ xuất hiện bệnh: Mùa xuân, khi nhiệt độ nước dưới 250 C.

- Phương pháp chẩn đoán: Kỹ thuật PCR.

b. Bệnh do vi - rút SCV (Spring Viremia of Carp)

- Đối tượng chính nhiễm bệnh: cá chép và họ cá chép.

- Dấu hiệu bệnh: Cá có thể bị nhiễm bệnh ở các giai đoạn phát triển. Da cá thường có màu nhợt nhạt hoặc màu đỏ, xuất huyết trên da và các gốc vây. Mắt lồi, mang nhợt nhạt, thối mang hoặc các tia mang kết dính với nhau có màu đỏ không tự nhiên. Bụng chướng to, bóng hơi bị teo một ngăn.

- Mùa vụ xuất hiện bệnh: Cuối mùa đông, đầu mùa xuân, khi nhiệt độ dưới 180 C.

- Phương pháp chẩn đoán: Kỹ thuật PCR.

c. Bệnh vi - rút trên cá trắm cỏ

- Đối tượng chính nhiễm bệnh: Cá trắm cỏ và cá trắm đen.

- Dấu hiệu bệnh:

+ Dấu hiệu bên ngoài: Da cá màu tối sẫm, cá nổi lờ đờ trên tầng mặt. Khi bệnh nặng thì mắt lồi, mang nhợt nhạt, nắp mang và vây xuất huyết. Tỷ lệ cá chết cao từ 80 - 100% sau 2 - 3 tuần xuất hiện bệnh. Trong mùa dịch, bệnh thường xuất hiện ở cá giống sớm hơn cá thịt, với vây đuôi chuyển màu đen, bề ngoài thân màu tối đen, hai bên cơ lưng có thể xuất hiện hai dải sọc màu trắng.

+ Dấu hiệu bên trong: Bóc da cá bệnh nhìn thấy các đốm hoặc đám cơ đỏ xuất huyết, bệnh nặng, cơ toàn thân xuất huyết đỏ tươi. Đây là dấu hiệu đặc trưng thường thấy của bệnh. Giải phẫu cơ quan nội tạng nhận thấy: ruột xuất huyết tương đối rõ ràng, một phần ruột hoặc toàn bộ xuất huyết màu đỏ thẫm, thành ruột chắc chắn, không hoại tử.

- Mùa vụ xuất hiện bệnh: Xuất hiện quanh năm nhưng nhiều nhất ở các tháng giao mùa.

- Biện pháp phòng bệnh: Sau mỗi vụ nuôi kéo lồng lên bờ vệ sinh lồng bằng cách quét vôi lên khung lồng, lồng lưới được ngâm trong nước vôi sau đó giặt sạch phơi khô. Cá giống thả vào lồng nuôi cần phải kiểm tra đầu vào để loại trừ cá nhiễm mầm bệnh vi - rút. Trong quá trình nuôi thường xuyên treo túi vôi hoặc viên TCCA hoặc BKD để khử trùng môi trường nước và tiêu diệt mầm bệnh. Định kỳ hàng tháng cho cá ăn vitamin C hoặc bột tỏi để phòng bệnh và tăng sức đề kháng cho cá với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Cá bị bệnh chết cần phải được vớt lên nấu chín, hoặc tiêu hủy chôn với 1% vôi bột.

2. Bệnh do vi khuẩn Aeromonas spp gây ra

- Đối tượng nhiễm bệnh: Các loài cá nuôi nước ngọt, ở tất cả các giai đoạn phát triển.

- Dấu hiệu bệnh: Cá ăn ít, trên thân xuất hiện các đốm đỏ to nhỏ khác nhau, phát triển lớn thành các vết loét. Hai bên thân cá, nhất là vùng bụng bị xuất huyết, ứ máu đỏ bầm, vảy dựng lên khô ráp, vây bị xơ rách, cụt, gốc vây xuất huyết, hậu môn viêm đỏ có dịch chảy ra. Khi giải phẫu nhận thấy gan, thận có biểu hiện nhũn mềm, màu sậm đen, xuất huyết, ruột không có thức ăn chứa đầy hơi, hoại tử có mùi tanh đặc trưng.

- Mùa vụ xuất hiện bệnh: Bệnh xuất hiện quanh năm, xảy ra nhiều nhất vào các tháng giao mùa.

- Biện pháp phòng bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp.

- Biện pháp trị bệnh: Hiệu quả nhất là dùng kháng sinh nhưng với điều kiện cá vừa mới bị bệnh chưa bỏ ăn, nếu cá đã chết nhiều thì việc trị bệnh hiệu quả không cao. Trộn thuốc vào thức ăn (nếu cá vẫn còn sử dụng thức ăn) với liều lượng: Doxycycline 5 - 7 gam/100kg cá/ngày hoặc Florphenicol liều lượng 4 - 5 gam/100 kg cá/ăn liên tục 7 - 10 ngày kết hợp thêm vitamin C 3 - 5 g/100 kg cá bệnh/ăn liên tục 5 ngày. Chú ý: Phải dừng cho cá dùng kháng sinh trước 20 ngày thu hoạch.

3. Bệnh ký sinh trùng

a. Bệnh trùng bánh xe

- Đối tượng nhiễm bệnh: Hầu hết các loài cá nuôi nước ngọt, đặc biệt gây tác hại lớn ở giai đoạn cá hương và cá giống.

- Nơi ký sinh: Da, mang cá.

- Dấu hiệu bệnh: Do trùng ký sinh phá hủy các tơ mang khiến cá bị ngạt thở nên cá bơi lội không định hướng, nổi từng đàn lên mặt nước, một số con tách đàn bơi quanh bờ. Khi bệnh nặng, cá tiết nhiều nhớt màu trắng đục, mang bạc trắng.

- Mùa vụ xuất hiện bệnh: Phổ biến nhất vào mùa xuân và đầu mùa hè.

- Biện pháp phòng bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp, không nuôi mật độ quá cao, thường xuyên treo túi vôi hoặc viên TCCA hoặc viên BKD trong lồng, mỗi ngày rũ 4 - 5 lần để khử trùng môi trường nước và tiêu diệt mầm bệnh.

- Biện pháp trị bệnh: Tắm nước muối (NaCl) 2 - 3% trong 5 - 15 phút. Dùng sulphat đồng (CuSO4 ) tắm với nồng độ 3 - 5g/m3 trong 5 - 15 phút hoặc treo túi thuốc trong lồng.

b. Bệnh sán lá đơn chủ

- Đối tượng nhiễm bệnh: Hầu hết các loài cá nước ngọt nuôi ở các giai đoạn, nghiêm trọng nhất đối với giai đoạn cá hương và cá giống.

- Nơi ký sinh: Da, mang, mắt cá.

- Mùa vụ xuất hiện bệnh: Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân và mùa thu.

- Dấu hiệu bệnh: Sán lá đơn chủ ký sinh trên da, vây, đuôi và mang cá, chúng tiết men phá hủy tế bào, tổ chức da và mang, kích thích gây cho cá tiết nhiều nhớt tại vị trí sán ký sinh. Khi nhiễm bệnh do sán lá đơn chủ, cá ít hoạt động hoặc bơi lờ đờ, gầy yếu.

- Biện pháp phòng bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp.

-Biện pháp trị bệnh: Tắm nước muối (NaCl) 2 - 3% trong 5 - 15 phút. Dùng thuốc tím (KMnO4 ) hoặc Iodine tắm với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

c. Bệnh trùng mỏ neo

- Đối tượng nhiễm bệnh: Các loài cá nuôi nước ngọt, đặc biệt là cá mè.

- Nơi ký sinh: da, mang cá.

- Mùa vụ xuất hiện bệnh: mùa xuân, mùa thu và mùa đông.

- Dấu hiệu bệnh lý: Trùng mỏ neo thường ký sinh ở các gốc vây, hốc mắt, xoang miệng, da cá. Đầu trùng cắm sâu vào cơ cá, thân trùng lơ lửng trong nước gây hiện tượng sưng, tấy đỏ, chảy máu, cá yếu và chết. Do kích thước trùng lớn nên nhìn thấy rõ bằng mắt thường.

- Phòng, trị bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Trị bệnh dùng lá xoan bó thành từng bó treo vào lồng. Dùng thuốc tím (KMnO4 ) hoặc Iodine tắm với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì sản phẩm.

d. Bệnh rận cá

- Đối tượng nhiễm bệnh: Hầu hết các loài cá nuôi nước ngọt.

- Nơi ký sinh: da, mang cá. - Mùa vụ xuất hiện bệnh: Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân.

- Dấu hiệu bệnh lý: Cá ngứa ngáy vận động mạnh, bơi “cuồng dại”, cường độ bắt mồi giảm. Có thể nghe tiếng lách tách ở lồng khi cá nhiễm bệnh. Rận cá kích thước lớn nên dễ dàng nhìn thấy được bằng mắt thường.

- Biện pháp phòng, trị bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp như trên. Trị bệnh, dùng KMnO4 cho vào túi treo xung quanh trong lồng.



Kiều Anh

In tin    Phản hồi    Lượt truy cập: 20360