Ảnh minh họa
Chuyển đổi số nông nghiệp là gì?
Chuyển đổi số nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là ở việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số (dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật…) vào toàn bộ hoạt động của ngành, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh.
Tương tự như nhiều ngành kinh tế khác, chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp nông dân và doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng lợi nhuận, tối ưu hóa hoạt động sản xuất và đem lại giá trị - cơ hội mở rộng cao hơn. Hơn nữa, giá trị của chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế mà là giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi để hoà nhịp xu thế phát triển của đất nước.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp bao gồm các hoạt động cơ bản như áp dụng công nghệ hiện đại trong canh tác (IoT và cảm biến trên cánh đồng, học máy và phân tích, máy bay không người lái giám sát cây trồng …), liên kết chuỗi giá trị và thay đổi phương thức quản trị ngành nông nghiệp.
Tại sao Việt Nam cần ưu tiên chuyển đổi số trong nông nghiệp?
Nông nghiệp là ngành kinh tế có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù tỷ trọng nông nghiệp trong GDP ngày càng giảm, song nông nghiệp vẫn giữ vai trò chiến lược trong dài hạn, là bệ đỡ quan trọng cho an ninh, an sinh, an dân của đất nước. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu, là “chìa khóa” cho phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam.
Nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong nông nghiệp, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định, nông nghiệp là một trong 8 ngành được ưu tiên chuyển đổi số, với định hướng rõ chuyển đổi số của ngành. Cụ thể là: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế; Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu (đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản). Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số; Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quá trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm; …đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ, ...) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp; Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý thu hoạch.
Những khó khăn và thách thức đối với chuyển đổi số nông nghiệp?
Nhận thức và trình độ của nông dân còn hạn chế. Trình độ nông dân - đội ngũ lao động trực tiếp đưa công nghệ số vào sản xuất còn thấp. Để chuyển đổi số, bên cạnh kỹ năng sản xuất, nông dân phải có thêm tri thức, kỹ năng về thương mại, công nghệ nói chung, công nghệ số nói riêng và công nghệ sinh học… Tuy nhiên, trình độ khoa học học công nghệ của người nông dân nước ta còn thấp, năm 2020, cả nước mới có 16,3% lao động khu vực nông thôn đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật, riêng lao động nông, lâm, thủy sản trong độ tuổi chỉ có 10,03% được đào tạo. Đây có thể xem là rào cản lớn nhất trong chuyển đổi số nông nghiệp.
Hệ thống dữ liệu để tích hợp, chia sẻ hầu như chưa có hoặc chưa đáp ứng yêu cầu kết nối, liên thông, tích hợp. Ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, hộ sản xuất phần lớn cũng chưa đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số do thiếu cơ sở dữ liệu lớn cho sản xuất, thiếu minh bạch xuất xứ sản phẩm, thiếu kết nối chia sẻ thông tin của tất cả các khâu từ sản xuất, quản lý, logicstic, thương mại nông sản.
Nhiều người dân và cả doanh nghiệp thiếu vốn để ứng dụng chuyển đổi số. Ngành nông nghiệp chưa thu hút được vốn FDI. Cả nông dân và doanh nghiệp đều khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng trong nước.
Quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ và phân tán. Việc khai thác đất trong sản xuất nông nghiệp còn chưa thực sự hiệu quả do trình độ cơ giới hóa còn thấp và chưa sử dụng nhiều công nghệ hỗ trợ. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi triển khai các hợp đồng chuyển nhượng đất cùng lúc với nhiều hộ dân.
Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp
Giải pháp tiên quyết đầu tiên đó là nâng cao nhận thức của các địa phương, doanh nghiệp và đặc biệt là người nông dân về vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Chỉ khi nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của thực hiện công nghệ số trong ngành nông nghiệp thì các địa phương, doanh nghiệp và người nông dân mới tích cực học hỏi, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Đẩy mạnh tiến độ xây dựng hệ thống dữ liệu nông nghiệp bao gồm dữ liệu về đất đai, cây trồng, vật nuôi, vùng canh tác, người sản xuất, lượng nông sản, dịch vụ …Để đáp ứng yêu cầu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu ngành, xây dựng bản đồ số trên nền tảng – dạng dữ liệu đồng bộ để kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở… Đồng thời, khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp số hóa quy trình sản xuất, hướng tới tích hợp và minh bạch hóa sản phẩm bằng hệ thống đọc mã QR.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp phù hợp và kịp thời, tạo động lực thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số ngành nông nghiệp đúng trọng tâm và hiệu quả.
Nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người nông dân nhằm hỗ trợ các chủ thể nông nghiệp có đủ nguồn lực để ứng dụng công nghệ số, phát triển nguồn nhân lực số, liên kết cộng đồng doanh nghiệp số.
Để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế thì chuyển đổi số nông nghiệp là yêu cầu tất yếu khách quan, đồng thời là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, của doanh nghiệp và đặc biệt là người nông dân.
Linh Đan tổng hợp