Sản xuất lan hồ điệp trong nhà kính của Công ty cổ phần nông nghiệp CNC Phù Vân.(TP Phủ Lý)
Đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035. Tỉnh chú trọng phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với mục tiêu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, hướng tới nềnsản xuất nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp hữu cơ, Hà Nam đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp thu hút các nhà đầu tư liên kết sản xuất để đưa các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh vào các siêu thị, thị trường lớn. Hiện tỉnh có nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao đã được hình thành và phát triển, thu hút được các doanh nghiệp lớn.
Giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích tập trung ruộng đất, tập trung huy động các nguồn lực thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế của từng vùng, địa phương, thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế; nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác, đẩy mạnh liên kết phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tỉnh coi đây là động lực, là đầu tàu đưa tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, là hạt nhân liên kết với các hộ nông dân để sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch. Hiện nay, tỉnh đã thu hút được các doanh nghiệp lớn, có khả năng đầu tư vào các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ caotheo quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp thông minh, gắn với xây dựng các mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đến năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã phê duyệt 06 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích đất quy hoạch là 646,842ha; trong đó, diện tích đất đã tích tụ, đưa vào triển khai thực hiện là 222,172ha. Nhiều doanh nghiệp đầu tư các khu nhà kính công nghệ cao trồng dưa chuột, cà chua, dưa lưới giá trị sản xuất đạt từ 3-3,5 tỷ đồng/ha/năm; đối với những diện tích sản xuất ngoài trời, sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng một phần công nghệ cao trong một số khâu sản xuất đạt bình quân 445-665 triệu đồng/ha/năm. Tiêu biểu như Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam ở khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Nhân Khang (huyện Lý Nhân), đã đầu tư trên diện tích là 21,4ha với tổng số vốn đầu tư trên 65 tỷ đồng. Khu sản xuất trong nhà kính chuyên nhân giống, khu trồng dưa vân lưới, cà chua, sản xuất hạt giống rau đậu, ngô các loại, đưa lại giá trị sản xuất đạt khoảng 3 tỷ đồng/ha. Diện tích ngoài trời sản xuất giống lúa Ðài thơm 8, Thiên ưu 8 siêu nguyên chủng cho thu hoạch năng suất đạt 6 - 6,5 tấn/ha, hạt F1 giống bí đỏ, dưa chuột, cà chua, ngô rau các loại cho thu hoạch, giá trị sản xuất đạt 400-500 triệu đồng/ha/năm.
Công ty WinEco tại xã Xuân Khê và xã Nhân Bình (huyện Lý Nhân) đang sản xuất rau, củ, quả trên diện tích 180,78ha. Công ty đã đầu tư xây dựng nhà điều hành, hệ thống công trình thủy lợi, nhà kính nhập khẩu từ Israel với tổng diện tích 6ha, chuyên trồng dưa lưới thương phẩm công nghệ cao, dưa chuột cho giá trị sản xuất đạt từ 3-3,5 tỷ đồng/ha/năm. Diện tích sản xuất ngoài trời ứng dụng công nghệ tưới tự động, bán tự động được triển khai gieo trồng với diện tích 134,63/180,78ha cho giá trị sản xuất đạt bình quân 445-665 triệu đồng/ha/năm, tạo việc làm ổn định cho 200 đến 300 lao động địa phương với thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm rau, củ, quả sạch tiêu thụ ở hệ thống siêu thị Winmart, Winmart+...
Mô hình trồng dưa lưới thương phẩm công nghệ cảo của WinEco ở Lý Nhân
Năm 2022, huyện Bình Lục đã hoàn thành quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn xã Ðồng Du và thị trấn Bình Mỹ với diện tích 121,73ha, kêu gọi thu hút các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tư vào sản xuất. Huyện có 16 mô hình nhà kính, nhà màng trồng dưa vân lưới, trồng nho, rau, củ, quả sạch liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với diện tích 3ha, giá trị thu nhập bình quân 1,2 tỷ đồng/ha/năm...
Các khu nông nghiệp công nghệ cao phát triển sẽ trở thành vùng lõi, là hạt nhân liên kết dẫn dắt các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trong toàn tỉnh học tập, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra nông sản an toàn có chất lượng cao và xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất theo giá trị với các cơ sở, doanh nghiệp, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP tỉnh Hà Nam như các sản phẩm rau, củ, quả, các sản phẩm sữa tươi. Các doanh nghiệp ở đây đã tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, ưu tiên các hộ có đất cho thuê và lao động tại địa phương, bảo đảm thu nhập của người nông dân có đất cho doanh nghiệp thuê cao hơn nhiều so với trước đây. Các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao sẽ ký hợp đồng hợp tác với các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông sản sạch để bao tiêu, tiêu thụ nông sản đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện đại. Ngoài việc kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các khu quy hoạch và ngoài khu quy hoạch, cần kể đến sự chung tay của các cấp, các ngành, vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của tỉnh về thực hiện tập trung ruộng đất, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hiệu quả theo hướng sinh thái bền vững, liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp tại các địa phương. Góp sức vào thành công chung, trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân Hà Nam đã tích cực hướng về cơ sở hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế như: tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề tạo việc làm, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trong năm 2022, các cấp Hội Nông dân Hà Nam đã chủ động phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 125.884 lượt hội viên; hỗ trợ hướng dẫn xây dựng 23 mô hình kinh tế tập thể, 33 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị. Trong tỉnh đã xuất hiện hàng ngàn mô hình phát triển kinh tế của nông dân, là những mô hình tiêu biểu của những nông dân tích cực và chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật, đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Đây là những "hạt nhân" góp phần lan tỏa, nhân rộng các điển hình trong phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" do Hội Nông dân phát động.
Phúc Nguyên