15/09/2024
HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT NUÔI CHIM BỒ CÂU

Chọn giống

Bà con cần chọn những con giống khỏe mạnh, lông mượt, không có bệnh tật, dị tật, lanh lợi. Chim đạt từ 4 - 5 tháng tuổi.

Để nhận biết con trống, con mái, bà con có thể phân biệt dựa trên ngoại hình sau: Ở con trống: đầu thô, có phản xạ gù mái lúc thành thục, khoảng cách giữa 2 xương chậu hẹp.

Con mái: nhỏ hơn, đầu nhỏ và thanh, khoảng cách giữa 2 xương chậu rộng.

Một cặp bồ câu sinh sản có thể dùng sản xuất trong 5 năm. Tuy nhiên, sau 3 năm, khả năng sinh sản có chiều hướng giảm, cần phải thay thế.

Chuẩn bị chuồng nuôi

Chuồng nuôi cá thể (Nuôi chim sinh sản từ 6 tháng tuổi trở đi): Chuồng nuôi bao gồm các ô chuồng. Mỗi một đôi chim trống mái sinh sản được nuôi trong một ô chuồng. Kích thước của một ô chuồng: Chiều cao: 40 cm, chiều sâu: 60 cm, chiều rộng: 50 cm

Chuồng nuôi quần thể (Nuôi chim hậu bị sinh sản từ 2 - 6 tháng tuổi): Kích thước của một gian: Chiều dài: 6 m, chiều rộng: 3,5m, chiều cao: 5,5 m (cả mái). Mật độ nuôi thả là 10 - 14 con/m2.

Chuồng nuôi dưỡng chim thịt (Nuôi vỗ béo thương phẩm từ 21 - 30 ngày tuổi): Chuồng nuôi có cấu tạo tương tự như chuồng nuôi cá thể nhưng mật độ là 40 - 50 con/m2.

Yêu cầu chuồng nuôi: Có ánh nắng mặt trời, khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ, yên tĩnh, tránh được gió lùa, mưa.

 

Ổ đẻ: Đường kính: 20 - 25cm x cao: 7 - 8cm: Trong giai đoạn nuôi con, chim bồ câu đã đẻ lại, nên mỗi đôi chim cần hai ổ, một ổ đẻ và ấp trứng đặt ở trên, một ổ để nuôi con đặt ở dưới. ổ có thể làm bằng gỗ, nhựa, khô ráo, sạch sẽ, vệ sinh thay rửa thường xuyên.

Máng ăn cho một đôi chim bố mẹ: dài: 15cm x rộng: 5cm x sâu: 5 - 10cm. Nên đặt ở những vị trí tránh chim ỉa vào, tránh các nguồn gây ẩm ướt và hạn chế thức ăn rơi vãi. Có thể dùng máng bằng tre hoặc bằng tôn.

Kích thước máng ăn: Máng uống cho một đôi chim bố mẹ: Đường kính: 5 - 6cm x cao: 8 - 10cm. Máng uống phải đảm bảo tiện lợi và vệ sinh. Có thể dùng đồ hộp (lon nước giải khát, lon bia…), cốc nhựa…

Máng đựng thức ăn bổ sung: nuôi nhốt nên cần chất khoáng, sỏi, muối ăn. Kích thước của máng đựng thức ăn bổ sung như máng uống, nên dùng gỗ hoặc nhựa, không nên làm bằng kim loại. Ngoài ra, trong chuồng nuôi chim bồ câu, cần có máng ăn, máng uống, máng đựng thức ăn bổ sung.

Chuồng trại chăn nuôi phải thiết kế thoáng bảo đảm cung cấp đủ ánh sáng cho chim. Tuy nhiên ở miền Bắc ban ngày mùa Đông ánh sáng ngắn, có thể lắp bóng đèn 40w chiếu sáng thêm vào ban đêm (nếu nuôi theo quy mô lớn) với cường độ 4 - 5 w/m2 nền chuồng với thời gian 3 - 4h ngày.

b1
Ảnh minh họa

Chăm sóc và nuôi dưỡng chim bồ câu

Bà con cần cho chim ăn đầy đủ, nhất là cám tổng hợp. Có thể cho ăn bắp, đậu xanh hột, lúa trộn với một ít thức ăn công nghiệp của gà, vịt (thịt, đẻ).

Chế độ ăn uống của chim đều 2 - 3 cữ/ngày. Bình quân lượng thức ăn cho 1 con chỉ từ 0,1 - 0,15g.

 

Pha chế thức ăn cho chim theo tỷ lệ: 40% đậu xanh, 30% bắp hạt sống, 20% gạo lứt và 10% lúa trộn đều với nhau. Có thể trộn gạo, lúa và pha thêm cám gà để giảm lượng đậu xanh, giảm chi phí thức ăn.

Ngoài ra, nên tăng cường thêm một số chất khoáng, vôi vào khẩu phần ăn của chim để đảm bảo cho chim sinh sản và giúp chim luôn giữ được nhiệt để tiêu thụ thức ăn tốt.

Chuồng phải có máng nước đổ đầy uống cả ngày. Nước phải sạch sẽ, không màu, không mùi và phải thay hằng ngày. Có thể bổ sung vào trong nước Vitamin và kháng sinh để phòng bệnh khi cần thiết, trung bình mỗi chim bồ câu cần 50 - 90ml/ngày.

Trong quá trình nuôi dưỡng, khi được ghép đôi và quen với lồng và ổ, chim sẽ đẻ, khi đó nơi ấp trứng phải yên tĩnh.

Khi chim ấp được 18 - 20 ngày sẽ nở, nếu quả trứng nào mổ vỏ lâu mà chim không đạp vỏ trứng chui ra thì bà con cần trợ giúp bằng cách bóc vỏ trứng để chim non không chết ngạt trong trứng.

Khi chim non được 7 - 10 ngày mới tiến hành cho ổ đẻ thứ hai vào. Sau khi tách mẹ, ổ đẻ tương ứng phải được bỏ ra để rửa sạch, phơi khô rồi mới bố trí lứa đẻ tiếp theo.

Sau khi được 28 - 30 ngày tuổi, mới được tiến hành tách chim non khỏi mẹ. Giai đoạn này chim còn yếu, khả năng đề kháng và khả năng tiêu hóa kém, dễ sinh bệnh. Do đó bà con cần bổ sung vitamin A, B, D, các chất kháng sinh... vào nước uống để chống mềm xương, trợ giúp tiêu hóa và chống các bệnh khác cho chim.
Cách phòng bệnh cho chim bồ câu

Bà con cần chú ý cho chim ăn sạch, uống sạch. Giữ gìn vệ sinh chuồng trại và môi trường sống của chim, cần làm vệ sinh và tiêu độc theo định kỳ.

Khi có dịch xảy ra: Phát hiện sớm chim bệnh để cách ly điều trị hoặc xử lý, tránh lây nhiễm cho đàn chim. Tổ chức tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn chim trưởng thành khi có vacxin phòng bệnh giả lao.

Trong giai đoạn 3 - 10 ngày tuổi nhỏ vắc-xin Lasota hoặc ND.IB, 2 tuần sau nhỏ nhắc lại lần 2. Sau đó cứ 1 - 2 tháng cho uống một liều vắc-xin ND.IB (hoặc Lasota) để phòng bệnh Niu-cát-xơn và bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (liều lượng theo hướng dẫn).

Đối với bồ câu ngoài 1 tháng tuổi, tốt nhất nên tiêm vắc-xin nhũ dầu với liều 0,3 ml/con để phòng bệnh Niu-cát-xơn. Đối với bồ câu sinh sản, một năm tiêm nhắc lại một lần vắc-xin nhũ dầu.

Qua 10 ngày tuổi tiêm chủng đậu cho bồ câu. Cách dùng và liều dùng như chủng cho gà.

Định kỳ 2 - 3 tuần, đặc biệt khi thời tiết thay đổi, cho uống một đợt 3 ngày, dùng một trong các loại kháng sinh sau: Pharamox G, Pharmequin, Ampicol, Pharamox (1g/1lít nước uống); Enroflox 5% (2g/1lít nước uống); Pharmequin-max (1g/2 lít nước uống); Pharcolivet, Ampi-coli pharm (10g/2,5 lít nước uống)… để phòng bệnh tiêu chảy, hô hấp do vi khuẩn.

Một năm 2 lần tẩy giun sán bằng cách cho uống Decto-pharm (1g/1,5kg thể trọng để tẩy giun, sán dây), Pharcado (2g/4kg thể trọng để tẩy giun, sán dây) hoặc Pharcaris (10g/25 - 30kg thể trọng để tẩy giun tròn).

                                                                                           Thái Dương

 

In tin    Phản hồi    Lượt truy cập: 14