17/11/2019
Hướng dẫn phòng trừ một số sâu, bệnh hại chính trên cam theo hướng an toàn sinh học

 

1. Sâu ăn lá :Phòng trừ: Bằng các thuốc trừ sâu sinh học và thảo mộc: Abamectin, Spinosad

2. Đối với rầy chổng cánh: Diaphorina citri Kway: Trong năm rầy non có đỉnh cao số lượng trùng với thời điểm ra lộc, đặc biệt là lộc xuân và lộc thu.

Phòng trừ:  Thường xuyên điều tra, theo dõi mật độ rầy chổng cánh trên vườn cam đặc biệt là giai đoạn lộc xuân là thời kỳ rầy có nhiều tiềm năng truyền bệnh vàng lá.

- Sử dụng một số loại thuốc sau để phòng trừ: Sử dụng hoạt chất Abamectin và Abamectin + dầu khoáng trừ rầy vào thời kỳ cây phát lộc rộ; Sử dụng lá của bạch đàn mang phơi, xay nhỏ thành bột, trộn với nước sôi và để nguội để phun. Có thể trộn từ 20 – 500g với 1 lít nước.Phun trước khi dự kiến đỉnh điểm của sâu bệnh vào đầu mùa hè và nhắc lại thường xuyên cần thiết tùy thuộc vào số lượng sâu xuất hiện trong năm đó. Cần ứng dụng thêm trong mùa mưa vì chất phun sẽ bị mưa làm trôi khỏi cây.

3. Đối với rệp cam: Toxoptera citridus   

Sử dụng các dung dịch thảo mộc như: dung dung dịch hạt na (01kg hạt na đập bỏ vỏ, tán bột nhỏ + 05 lít rượu trắng để sau 5 ngày đem phun). Sử dụng bột tỏi để hạn chế bệnh ghẻ vỏ cây và gỉ sắt.

4. Các loại rệp sáp: Sử dụng thuốc sinh học để phòng trừ: Sokupi 0,36AS, Proclaim, hoạt chất Matrine. Giã lá hoặc quả xoan ấn độ chiết lấy nước phun trừ rệp...

5. Nhện đỏ: Panonychus citri: Nhện đỏ dễ có khả năng kháng thuốc vì vậy chú ý thường xuyên thay đổi thuốc.

Phòng trừ: Cần tiến hành phòng trừ sớm khi mật độ nhện còn chưa cao, sử dụng: Pegasus 500ND 0.1%, các loại thuốc sinh học và thảo mộc khác.

Dùng ớt, cúc vạn thọ và hành theo cách (băm 4 quả ớt, 4 củ hành và một nắm cúc vạn thọ, cho một ít nước xà phòng lên trên, ngâm trong vòng 24 giờ, lọc và cho thêm 2 lít nước để phun). Chất phun này được khuyến cáo đặc biệt cho nhện đỏ. Tùy theo diện tích vườn cam  để tăng số lượng ớt, hành, cúc vạn thọ và nước xà phòng đủ để phun. 

6. Sâu vẽ bùa: Phyllocnistis citrella Stainton

Phòng trừ: Theo dõi chặt chẽ các đợt lộc xuất hiện trên vườn quả.

- Phun thuốc khi lộc non mới nhú từ 0.5-1cm.

- Sử dụng thuốc: Sinh học và thảo mộc như: Abamectin, Spinosad phòng trừ khi thấy triệu chứng gây hại đầu tiên của sâu.

7. Bệnh Greening: Liberobacter asiaticum

Triệu chứng của cây bị bệnh là lá bị vàng khảm, gân lá xanh, lá nhỏ hẹp,  sản lượng quả tụt nhanh, quả nhỏ và méo. Nhiều khi ra quả không đúng thời vụ, quả có hạt nhưng hạt lép. Bệnh làm cho cây tàn lụi nhanh và chết hàng loạt.

Phòng trừ:

- Chặt bỏ những cây đã bị nhiễm bệnh nhằm huỷ diệt nguồn bệnh lây lan.

- Dùng nguyên liệu nhân giống cây sạch bệnh. Tổ chức và thực hiện chặt chẽ khâu nhân giống và phân phối giống.

- Phòng trừ tốt rầy chổng cánh, hạn chế sự lây nhiễm bệnh của rầy.

8. Bệnh Tristeza: Tristeza virus

Cây mắc bệnh tristeza còi cọc, lùn, lá nhỏ và cong như chiếc cùi dìa, quả nhỏ, khô nước, năng suất giảm rất nhanh.

Phòng trừ:

- Sử dụng giống sạch bệnh

- Loại bỏ những cây bị bệnh, hạn chế nguồn bệnh

- Phòng trừ tốt môi giới truyền bệnh, nhất là các loài rệp.

9. Bệnh loét: Xanthomonas citri và Bệnh sẹo cam: Sphaeceloma (Elsinoe) fawcetti

Phòng trừ:

- Trồng cây giống sạch bệnh, phun phòng bệnh triệt để trên vườn ươm.

- Cắt bỏ các cành bị bệnh để hạn chế nguồn bệnh lây lan theo nước

- Phun phòng trừ bệnh bằng Boocdo 1% phun trên lá giai đoạn cây con.

Ths. Vũ Thị Bích Liên

In tin    Phản hồi    Lượt truy cập: 1662