16/07/2024
Hướng dẫn trồng nấm mộc nhĩ trên gỗ

 

nam12

              Mộc nhĩ là một loại nông sản có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao

Mộc nhĩ là loại nấm ăn ngon và độc đáo. Trong Mộc nhĩ có hàm lượng đồng, axit pantothenic và chất chống oxy hoá cao tốt cho sức khoẻ, do đó mộc nhĩ là một loại nông sản có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Hiện có nhiều cách trồng mộc nhĩ, nhưng trồng mộc nhĩ trên thân gỗ không chỉ mang lại nguồn thực phẩm an toàn, sạch sẽ mà còn là cơ hội kinh tế hấp dẫn cho nhiều hộ gia đình.

Mộc nhĩ ưa khí hậu nóng, ẩm và thu hoạch kéo dài nhiều tháng. Đối với các tỉnh phía Nam có thể trồng mộc nhĩ quanh năm. Riêng các cao nguyên ở Nam Trung Bộ thì nên thực hiện như Miền Bắc. Ở phía Bắc có thể trồng vào tháng 3 đến tháng 8, tốt nhất là tháng 4- tháng 5 dương lịch.

Để trồng nấm mộc nhĩ trên thân cây gỗ cần chuẩn bị và phải đạt các yêu cầu sau:

Về túi giống phải có màu trắng đồng nhất, không có các màu sắc lạ như: đen, xanh, vàng, cam,... Hệ sợi nấm mọc khỏe, chia nhánh đều, không có tơ rối bông; hệ sợi nấm phải mọc kín đáy túi giống. Hệ sợi nấm không kết dày thành từng mảng trên bề mặt hoặc ở thành túi giống.

Túi giống có mùi thơm đặc trưng, không có mùi chua, không có hiện tượng tiết dịch màu nâu hay màu vàng ở hông hoặc ở đáy túi.

Đặc biệt, giống nấm cần chuẩn bị giống đúng tuổi, không dùng giống quá già hoặc quá non. Giống già là giống đã mọc cây nấm ngay ở trong chai hoặc túi nilon đựng giống. Giống non là giống chưa ăn kín xuống đáy túi.

Giống không bị nhiễm tạp các loại nấm mốc. Giống nấm tốt là chai hoặc túi giống có sợi mọc trắng đều từ trên miệng xuống đáy.

Khâu giống nấm là khâu cực kỳ quan trọng, quyết định việc thành, bại của việc nuôi trồng mộc nhĩ. Vì vậy, cần mua giống nấm ở những cơ sở đã có nhiều kinh nghiệm và đáng tin cậy.

Về chọn gỗ trồng mộc nhĩ dùng các loại cây gỗ có nhựa mủ màu trắng, gỗ mềm, xốp, không độc, không tinh dầu là tốt nhất. Các loại gỗ được chọn như sung, vả, mít, ngái, bồ đề, đa búp đỏ, si, dâu đa xoan, cao su…

Trồng mộc nhĩ trên cây tươi, tốt nhất là sau khi chặt cây độ 5-7 ngày thì cấy giống. Không cấy giống vào những khúc gỗ đã khô lâu ngày. Khi chặt tránh không để dập, bong vỏ.

Cây được chọn không nên chặt cành quá nhỏ hoặc quá lớn. Các đoạn cành có đường kính từ 10 – 20cm là tốt nhất, cưa thành từng đoạn dài 1,2 – 1,5m. Phần lớn các cây này có nhựa mủ, nên xếp chúng vào chỗ râm mát từ 7 – 10 ngày, thời gian đó để cho đoạn cành chảy bớt nhựa. Nếu không để ráo nhựa, cấy giống khi gỗ còn tươi thì nhựa mủ của gỗ sẽ ức chế sợi nấm mọc vào thân gỗ gây chết giống nấm hoặc giống phát triển kém.

Cách trồng mộc nhĩ trên thân cây gỗ, bà con cần pha một chậu nước vôi đặc, lần lượt nhúng hai đầu của các đoạn gỗ đó vào trong nước vôi, chỉ cần nhúng sâu độ 2 – 3cm để ngăn chặn các loại nấm mốc khác xâm nhập vào cây. Các vị trí gỗ bị sây sát cũng nên dùng nước vôi đặc bôi vào. Để gỗ tiếp 3 – 4 ngày cho nhựa chảy bớt ra sau đó tiến hành cấy giống.

Trồng mộc nhĩ trên cây gỗ phải có búa chuyên dụng hoặc khoan để tạo lỗ cấy giống trên thân cây. Cần nắm chặt búa ở phần cuối cán và vung búa, bổ mạnh. Lưu ý, bổ làm sao để mũi khoan vuông gốc với thân đoạn gỗ. Làm như vậy, búa sẽ ăn ngập mũi khoan và tạo thành một lỗ thủng có độ sâu từ 1,5 – 2 cm vuông gốc với cây gỗ.

Đục lỗ dọc theo cây gỗ, lỗ trước cách lỗ sau 15 – 20cm. Hàng thứ 2 cách hàng thứ nhất khoảng 7 – 10cm. Các lỗ của hàng thứ hai so le với các lỗ đục của hàng thứ nhất. Tiếp tục, đục lỗ các hàng tiếp theo cho tới khi kín hết cây gỗ. Lưu ý, cách mép đầu của khúc gỗ khoảng 5 – 7cm không cần đục lỗ.

Khi đục, phoi gỗ sẽ phọt ra phía sau. Nên thu lại các phoi gỗ đó để dùng làm nút viết chặt các lỗ sau này.

Lấy giống ở trong các bịch nilong ra, tra vào các lỗ. Mỗi lỗ cho đầy khoảng 2/3 chiều sâu (tức là lượng giống độ bằng 2 – 3 hạt ngô). Tránh để giống vương vãi ra ngoài. Sau đó, lấy phần gỗ nút vào lỗ. Dùng búa thường tán bẹt phần gỗ còn nhô lên ngang với mặt thân gỗ. Bà con có thể dùng xi măng, vôi, đất sét hòa ra bết miết chặt vào miệng lỗ.

Sau khi đã tra giống, cần xếp gỗ vào chỗ ươm. Tốt nhất là xếp vào nhà xưởng, lán trại đã dựng sẵn (không bị mưa, nắng làm ảnh hưởng). Nếu để ngoài trời thì phải chuẩn bị cót và nilong che và nên để chúng dưới tán các cây to.

Các cây gỗ được xếp theo kiểu cũi lợn. Hai cây bên dưới cần được kê gạch, đá để tránh tiếp xúc với mặt đất. Sau đó xếp gỗ thành từng lớp chồng lên nhau cao tới 1,5m. Lấy bao tải, chiếu rách, phủ lên trên đống gỗ đễ che nắng, chắn gió hun khô và không để nước mưa thấm vào bên trong cây gỗ. Nếu để nước mưa thấm vào giống sẽ chết. Giống nấm không chịu được điều kiện bị sũng nước.

Nhiệt độ thích hợp cho nấm mộc nhĩ phát triển là từ 20-30°C. Nên duy trì độ ẩm trong nhà trồng từ 70-80%.

Nấm mộc nhĩ rất cần nước trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Nếu thiếu nước, nấm sẽ cằn cỗi, thậm chí teo cứng lại, nhẹ cân và rất dai. Nguồn nước tưới phải sạch, nếu nước quá bẩn sẽ lây nhiễm các mầm bệnh cho nấm, làm ức chế sự phát triển của quả thể, thậm chí làm chết quả thể.

Nguồn nước tưới không bị nhiễm phèn hoặc nhiễm mặn nếu không quả thể hình thành sẽ bị dị dạng như bông cải, teo đầu, khô cứng hoặc bị chết non. Nếu dùng nước máy thì phải để bay hết mùi clo. Nên tưới nước vào buổi sáng hoặc chiều tối.

Nấm mộc nhĩ cần ánh sáng để phát triển. Nên che chắn nhà trồng bằng lưới để tạo ánh sáng khuếch tán. Cần đảm bảo thông gió tốt trong nhà trồng để nấm mộc nhĩ phát triển khỏe mạnh.

Khi mộc nhĩ lớn có thể thu hoạch. Vào đợt thu hái lần đầu mộc nhĩ thường mọc xen nhau kín cả cây gỗ. Nên chọn những cánh mộc nhĩ to, mép đã bắt đầu chớm xoăn để hái trước.

Khi hái không dùng tay để bứt mạnh vì làm như vậy, đôi khi cả phần gỗ bên trong bật ra. Cách tốt nhất là tóm lấy tai mộc nhĩ và vặn tròn. Tai mộc nhĩ dễ dàng đứt ra khỏi cây gỗ. Cứ tai nào to thì thu hoạch trước, tai nhỏ để lại.

Các đợt mộc nhĩ sau sẽ tiếp tục mọc ra. Quá trình thu hái sẽ diễn ra liên tục trong 5 – 6 tháng. Suốt giai đoạn này phải phun ẩm thường xuyên cho các khúc gỗ.

Bà con lưu ý, cứ khoảng 15 – 20 ngày, sau khi xong một đợt thu hái mộc nhĩ, cần đảo gỗ một lần, đảo đầu trên xuống dưới, dưới lên trên, trong ra ngoài, ngoài vào trong nhằm đảm bảo chăm sóc đồng đều. Điều quan trong nhất là làm cho mọi phía của khúc gỗ đều được ẩm. Mộc nhĩ có thể bảo quản bằng cách phơi khô hoặc sấy lạnh.

                                                                                       Hương Chu

 

In tin    Phản hồi    Lượt truy cập: 20938