13/09/2024
MỘT SỐ BIỆN PHÁP BẢO VỆ THỦY SẢN NUÔI TRONG MÙA MƯA BÃO

1. Thường xuyên cập nhật thông tin dự báo thời tiết: về những thay đổi bất thường của thời tiết như mưa to, sạt lở, lũ quét… để có các biện pháp phòng tránh kịp thời.

2. Chuẩn bị, gia cố lại bờ ao, khung lồng bè nuôi - Trước mùa mưa bão bà con cần kiểm tra, vệ sinh, gia cố lại bờ ao, lồng bè nuôi cho chắc chắn. - Bờ ao đảm bảo cao hơn đường đi và khu vực xung quanh nhằm đảm bảo nước mưa không thể tràn xuống ao. - Lồng bè được gia cố lại dây neo buộc, vệ sinh lồng lưới, thay các lồng cũ, rách kém chất lượng, di chuyển lồng bè vào nơi kín gió, tránh dòng chảy siết. - Bổ sung vitamin C, chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả sau mưa lũ

a. Đối với ao, đầm nuôi trồng thủy sản

- Xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; đồng thời tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước, tăng o-xy hoà tan trong nước đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh;

- Khi mưa lớn kéo dài, nước ao nuôi bị đục, pH bị giảm đột ngột nên rải vôi quanh bờ ao (khoảng 20 - 30 kg/1.000 m2 ), kết hợp bón vôi, khoáng cho ao, đầm nuôi để ổn định pH, độ kiềm nước và làm giảm độ đục của nước ao.

- Tăng cường chăm sóc, quản lý ao nuôi, kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường ao nuôi, sức khỏe thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

b. Đối với lồng, bè nuôi trồng thủy sản

- Kiểm tra các yếu tố môi trường nơi đặt lồng, bè nuôi đảm bảo nằm trong ngưỡng cho phép. Di chuyển lồng, bè về lại vùng nuôi (nếu trước đó phải di chuyển để tránh bão).

- Kiểm tra, sửa chữa, gia cố, vệ sinh lại hệ thống dây neo, phao lồng, lưới.

- Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường và sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

4. Phòng và trị bệnh cho động vật thủy sản

a. Phòng bệnh:

- Thường xuyên quan sát tình trạng cá, tôm bơi lội trong ao. Khi có hiện tượng cá, tôm nổi đầu cần xác định nguyên nhân là do đâu, nếu do thiếu ô-xy, cần tăng quạt nước hoặc phun nước, giảm lượng thức ăn, thay một phần nước ao, hoặc cấp thêm nước mới vào ao, tiến hành san thưa để giảm bớt mật độ. Đối với ao nuôi sau mỗi lần thay nước, phải xử lý nước bằng cách tạt vôi bột (vôi nông nghiệp) với liều lượng 3kg/m3 nước để nước trong sạch.

- Thường xuyên theo dõi mức nước, màu nước trong ao để kịp thời điều chỉnh. Những khi thời tiết thay đổi đột ngột cần kịp thời điều chỉnh lượng thức ăn.

- Bảo đảm môi trường ao nuôi thuỷ sản luôn ổn định bằng cách sử dụng vôi bột, vôi nước bón định kỳ với liều lượng tùy theo đối tượng nuôi. Ví dụ: nuôi cá rô phi định kỳ 7 - 10 ngày/lần bón 1 - 2kg/100m3 nước. Có thể sử dụng hóa chất khác như Zeolite bón vào 3 tháng cuối chu kỳ nuôi để chúng hấp thu các độc tố (NH3 , H2S) và kim loại nặng, liều dùng 1 - 2kg/100m3 hoặc định kỳ 10 ngày/lần. Đối với nuôi cá lồng, bè cần sử dụng vôi bột treo ở các góc lồng/ bè để khử trùng môi trường nước, diệt các tác nhân gây bệnh cho cá nuôi. Treo túi cách mặt nước khoảng 1/3 - 1/2 độ sâu của nước trong lồng/bè. Liều lượng sử dụng là 2 - 4 kg vôi/10m3 nước. Khi vôi tan hết lại tiếp tục treo túi khác.

- Tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản như trộn vitamin C vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày. Liều lượng sử dụng tùy theo đối tượng nuôi, ví dụ như rô phi là 50 - 60 mg/kg cá/ngày. Hoặc sử dụng chế phẩm sinh học probiotic và enzyme tổng hợp để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột. Liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sử dụng dầu mực bao bọc thức ăn và thuốc, tránh tan rữa nhanh trong môi trường nước, tạo mùi hấp dẫn cho cá, tôm bắt mồi nhiều. Liều dùng 10g/kg thức ăn.

b. Trị bệnh:

Ngoài các biện pháp phòng bệnh nêu trên, người nuôi cần chú ý cách trị một số bệnh như sau:

* Bệnh trùng bánh xe:

Bệnh này do các loại trùng có hình dạng như bánh xe phát triển cao điểm vào các mùa mưa, lũ. Chúng ký sinh trên da, mang, khoang mũi của cá. Khi cá mới mắc bệnh, mình cá có lớp nhớt màu hơi trắng đục, cá bệnh thường nổi đầu và thích tập trung nơi nước chảy, thích cọ mình vào thành bể hoặc cây cỏ và có cảm giác ngứa ngáy. Đôi khi cá nhô đầu lên khỏi mặt nước và lắc mạnh đầu. Cá bệnh nặng, mang sưng to, da chuyển màu xám, trông lờ đờ, đảo lộn vài vòng rồi chìm xuống đáy ao và chết. Để trị bệnh, dùng nước muối NaCl 2 - 3% tắm cho cá 5 - 15 phút, hoặc dùng CuSO4 nồng độ 3 - 5 ppm tắm cho cá 5 - 15 phút hoặc phun trực tiếp xuống ao với nồng độ 0,5 - 0,7 ppm (0,5 - 0,7g cho 1 m3 nước).

* Bệnh rận cá:

Rận cá thường bám vào toàn thân cá, hút các chất nhờn làm bị đau, ngứa, bơi lội bất thường, nếu bám từ hai con trở lên cá sẽ bị chết. Để trị bệnh, dùng Iodine với liều lượng 2g/m3 nước, tắm cho cá liên tục 3 - 5 ngày kết hợp dùng Oxytetracyline 5g trộn vào 1kg thức ăn cho cá ăn liên tục trong 5 - 7 ngày.

* Bệnh đốm đỏ (còn gọi bệnh ghẻ):

Cá bị các ký sinh trùng bám vào làm cho cá bị trầy xước, xây sát miệng và đuôi, tạo điều kiện thuận lợi để các vi-rút, vi khuẩn tấn công vào cơ thể. Cá bệnh thường xuất hiện những vết màu trắng xám ở phần đuôi sau đó lan dần lên đến thân là những vết ghẻ lở, cá bơi lội lờ đờ, toàn thân bị đen, cá chết. Cách trị bệnh, dùng Formol với liều lượng 25ml/m3 nước, tắm cho cá liên tục 3 - 5 ngày, kết hợp dùng Oxytetracyline 5g trộn vào 1kg thức ăn cho cá ăn liên tục trong 5 - 7 ngày. Ngoài ra, nên bổ sung vitamin C 5g/kg thức ăn, cho ăn liên tục 7 - 10 ngày để tăng cường sức đề kháng, kích thích cá ăn mạnh, tăng cường tiêu hóa.

* Bệnh do vi khuẩn:

Do vi khuẩn thường tấn công vào hệ thần kinh trung ương nên cá bị bệnh có biểu hiện bên ngoài như hôn mê, mất phương hướng, có thể tổn thương mắt (viêm mắt, lồi mắt, chảy máu mắt, có các vết áp - xe), xuất huyết ở quanh miệng, gốc vây hoặc quanh hậu môn, lỗ sinh dục. Ở giai đoạn nặng, trong bụng cá có dịch (chảy ra hậu môn), cá thường bỏ ăn. Đối với các bệnh do vi khuẩn có thể dùng một số loại kháng sinh như Erythromyxin hoặc Oxytetramyxin trộn vào thức ăn từ 3 - 7 ngày, dùng 2 - 5 g/100kg cá/ngày. Có thể phun xuống ao nồng độ 1 - 2 ppm, sau đó sang ngày thứ 2 trộn vào thức ăn 4g/100kg cá, từ ngày thứ 3 - 5 giảm còn một nửa.

Bình Minh

In tin    Phản hồi    Lượt truy cập: 11